Ukraine nhường chỗ cho nhiều mối quan tâm khác tại Đại hội đồng Liên hợp quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Sau 3 ngày tập trung bàn bạc, thảo luận về vấn đề Ukraine tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, các cuộc xung đột cùng các quan ngại khác bắt đầu nổi lên, thu hút sự chú ý của lãnh đạo thế giới.
Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77. Ảnh: AP

Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77. Ảnh: AP

Một vài trong số đó là những vấn đề đã có từ lâu, với phạm vi ảnh hưởng trên toàn cầu, nhưng gần đây đã tạm lắng, rút khỏi sự chú ý của công chúng. Thủ tướng Israel đã kêu gọi thành lập Nhà nước Palestine trong bài diễn văn hôm 22/9, với trọng tâm về cuộc xung đột giữa 2 láng giềng này. Tổng thống Palestine cũng có phát biểu vào ngày 23/9.

Những vấn đề khác là các cuộc xung đột khu vực đã và đang bùng lên. Thủ tướng Armenia đã cảnh báo “nguy cơ Azerbaijan tiếp tục có hành vi gây hấn vẫn rất cao” sau khi giữa 2 đối thủ bùng lên ngọn lửa thù địch mạnh nhất trong vòng 2 năm qua. Các quốc gia thuộc Liên Xô cũ cũng đang vướng vào xung đột về Nagorno-Karabakh, vốn là một phần của Azerbaijan nhưng lại nằm trong quyền kiểm soát của các lực lượng sắc tộc được Armenia hậu thuẫn kể từ khi cuộc chiến ly khai tại đó kết thúc năm 1994.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo đến từ Iraq và Pakistan cũng đăng đàn phát biểu vào ngày 23/9. Cả 2 quốc gia đều có vai trò trọng yếu đối với trật tự địa chính trị thế giới nhưng trong vài năm trở lại đây lại ít nhận được sự chú ý của cộng đồng quốc tế hơn.

Cuộc họp thường niên của các nhà lãnh đạo tại Đại hội đồng Liên hợp quốc mang tới cơ hội để mỗi quốc gia bày tỏ các quan ngại cũng như nêu lên các hy vọng của mình. Cuộc họp năm nay đến thời điểm này chủ yếu tập trung vào xung đột Nga-Ukraine, một số nước đã cho rằng xung đột làm đảo lộn trật tự địa chính trị, nhiều lần khơi lên bóng ma của thảm họa hạt nhân và châm ngòi cho các cuộc khủng hoảng lương thực, năng lượng.

Phía Nga và Ukraine cũng đã có cuộc đối mặt hôm 22/9 tại một cuộc họp của Hội đồng Bảo an, theo đó các nhà ngoại giao hàng đầu của các quốc gia này cùng có mặt trong một căn phòng, đưa ra những cáo buộc, chỉ trích, dù không trực tiếp gửi tới đối phương.

Tại cuộc họp, Mỹ cũng đã kêu gọi các quốc gia khác đề nghị Nga dừng đưa ra các đe dọa hạt nhân và chấm dứt “nỗi khiếp đảm” về cuộc chiến của họ. Moskva nhắc lại tuyên bố đã nhiều lần đưa ra, rằng Kiev từ lâu đã đàn áp những người nói tiếng Nga tại phía Đông Ukraine - đây là một trong những nguyên do giải thích việc chính quyền của ông Putin quyết định khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt.

Cuộc họp của Hội đồng Bảo an diễn ra 1 ngày sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong phát biểu gửi bằng video tới các nhà lãnh đạo, khẳng định rằng lực lượng của ông sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến và yêu cầu Mỹ có hành động mạnh mẽ hơn.

Trong khi đó, tại hội trường, Thủ tướng Israel Yair Lapid đã có bài diễn văn tập trung vào vấn đề người Palestine. Bài phát biểu trước thềm các cuộc bầu cử ngày 1/11 tới, có vẻ nằm trong nỗ lực của ông Lapid nhằm xây dựng hình ảnh trong mắt cử tri và các lãnh đạo toàn cầu, rằng ông là một chính khách và là lựa chọn thay thế ôn hòa cho đối thủ chính của ông - cựu Thủ tướng theo đường hướng cứng rắn Benjamin Netanyahu.

Nhưng ông vẫn thiếu chi tiết, và thực tế hầu như không có cơ hội để Lapid, người từ lâu ủng hộ giải pháp hai nhà nước, sẽ tiếp tục phát triển được tầm nhìn của mình. Quốc hội Israel bị chi phối bởi các đảng phản đối nền độc lập của người Palestine và các cuộc thăm dò dư luận dự báo kết quả tương tự sau cuộc bầu cử sắp tới.

Người Palestine muốn thành lập nhà nước độc lập tại các vùng lãnh thổ Israel chiếm giữ năm 1967, gồm Bờ Tây, Đông Jerusalem và Dải Gaza. Quan điểm này được sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế.

Tin mới