Ước mơ địa cầu xanh

Dưới sảnh chung cư nhà tôi có một cái thùng gỗ, trên nắp thùng có một lỗ tròn. Vách thùng in dòng chữ: Nơi thu nhận pin đã qua sử dụng. Từ khi có cái thùng ấy mỗi gia đình đều giao cho trẻ con việc gom pin đã dùng hết mang xuống bỏ vào thùng. Lâu lâu, bộ phận vệ sinh sẽ thu gom mang đến một nơi nào đó chuyên xử lý.

Một hôm nào đó đi họp, nhìn thấy trước mặt mình không phải là một chai nước đóng sẵn mà là một bình nước bằng thủy tinh, trên có in logo của đơn vị tổ chức, tự dưng cảm thấy vui vui trong lòng.

Từng ngày, từng ngày một, tôi đang cố gắng loại bỏ việc sử dụng đồ nhựa trong gia đình, càng ít càng tốt. Cái gì có thể thay thế được bằng thủy tinh, inox, sành sứ, tre nứa, gỗ… thì cố gắng thay cho bằng hết.

Chúng ta đang từng ngày một nỗ lực cứu lấy Trái Đất bằng những hành vi nhỏ. Có người nói, hôm nay tôi dạy con tôi đừng vứt cái lon nước uống hết ra đường, thì ngay lập tức, đứa bé phía trước đã quẳng ra một cái vỏ hộp sữa. Vậy thì vô ích quá. Tôi cũng hay gặp trường hợp ấy. Nhưng con gái tôi, từ bé, dù là một cái tăm vừa dùng xong cháu cũng cầm khư khư trong tay, đợi đến khi gặp thùng rác thì bỏ vào. Cháu sẽ lập tức nhăn mặt làu bàu khi nhìn thấy bạn mình vứt rác ra đường. Phải là từ trong gia đình, từng bước một, kỹ lưỡng và sát sao, thì đừng lo bọn trẻ thờ ơ với môi trường sống.

Gió tháng Bảy - Tranh sơn dầu của họa sĩ Lê Huy Tiếp, trưng bày Triển lãm trại sáng tác quốc tế tháng 8/2019 tại Đà Nẵng.
Gió tháng Bảy - Tranh sơn dầu của họa sĩ Lê Huy Tiếp, trưng bày Triển lãm trại sáng tác quốc tế tháng 8/2019 tại Đà Nẵng.

Bạn tôi vừa đi một loạt các quốc gia Nam Mỹ về, cô ấy nói, ở một nơi nào đó tận rìa Trái Đất, người ta không theo một tôn giáo nào cả, mà thờ Mẹ Trái Đất. Mỗi ngày người ta đều dâng lên Mẹ một món lễ vật, mỗi khi bước chân mỏi mệt người ta lại ngồi xuống và đặt tay lên mặt đất và thì thầm nói lời biết ơn. Những con cá ở trong hồ khi đánh bắt lên mà nhỏ quá sẽ được thả xuống. Những chú chim trời cũng vậy. Con người hòa mình vào thiên nhiên mỗi ngày, sống ở trong nó, là một thành phần của nó, và tuyệt đối không bao giờ tận diệt dù là một con cá hay ngọn cỏ.

Tôi đến một lúc nào đó chỉ còn muốn về quê. Các ông anh bà chị tôi, cô dì chú bác tôi, vẫn hàng ngày ra vườn hái rau, và tự nuôi gia súc gia cầm phục vụ cho đời sống. Bọn tôi, lũ thanh niên vừa cứng cáp thì đã bỏ quê ra đi. Chúng tôi khát thèm những sự nghiệp viển vông, và lao về phía trước suốt những năm tháng thanh xuân, để lại sau lưng quê nhà yên bình thanh vắng. Đôi khi ngoảnh lại, nhìn thấy những vạt rừng xanh biếc, con sông hiền hòa và tiếng gà eo óc gáy giữa những buổi trưa hè, nhìn thấy mẹ đang đội nón và hái những ngọn rau đay cao hơn cả đầu người, nhìn thấy bố đang ngồi đầu hè và đan dở dang một chiếc rổ sề…

Bố tôi luôn quy hoạch lũ cây cối trong vườn sao cho thật hợp lý nhất. Ông nói, đất đai cũng như con người, không có năng lượng nào là vô tận, nên phải biết tiết kiệm và biết chăm sóc chúng.

Hôm nay, giữa những khói bụi ô nhiễm ở mức đỏ lừ trên thiết bị điện tử, chúng ta mới giật mình nhìn lại xem hàng triệu cư dân ở thành phố đã làm gì với không khí, với đất đai, sông ngòi, cây cối. Sẽ chẳng bao giờ là muộn cả, nếu như loài người thực sự muốn sống trên một địa cầu được bao phủ bởi màu xanh.