Ước mơ trở thành cô giáo của nữ sinh nghèo chuyên phụ mẹ bán cơm

(Baonghean.vn) -​ Quán cơm bình dân nhỏ là nơi nuôi dưỡng ý chí vươn lên của nữ sinh Lê Thị Hiền. Buổi ngày em phải dành thời gian cho việc phụ giúp mẹ bán cơm, quỹ thời gian cho việc học chỉ ít tiếng vào ban đêm.
Căn gác nhỏ là nơi ba mẹ con Hiền sinh sống hằng ngày. Ảnh: Đức Anh
Căn gác nhỏ là nơi ba mẹ con Hiền sinh sống hằng ngày. Ảnh: Đức Anh
Tuổi thơ cơ cực
Quán cơm bình dân nhỏ nằm trên đường Nguyễn Đức Cảnh (TP Vinh), là nơi ở và cũng là chỗ làm việc của 3 mẹ con em Lê Thị Hiền - học sinh lớp 12 chuyên Văn trường THPT chuyên Đại học Vinh. Quán cơm nhỏ ấy là của người dì ruột, 3 mẹ con Hiền được thuê giúp việc và ngủ lại luôn chỗ này. Những ngày này, quán cơm ấy luôn vang lên tiếng cười nói sau khi Hiền giành giải Nhì Quốc gia môn Văn và đạt điểm cao tại kỳ thi THPT Quốc gia.

Để đạt được thành tích đó Hiền đã trải qua một chặng đường vô cùng gian nan. 13 năm trước, người bố rời bỏ mẹ con Hiền để đi kiếm tìm hạnh phúc mới. Ba mẹ con lâm vào cảnh khốn khó, mẹ Hiền phải rời bỏ gia đình vào TP Vinh làm thuê kiếm sống. Hiền và em trai sống dựa vào ông bà ngoại. Hai đứa trẻ lớn lên trong sự thiếu thốn tình cảm của bố mẹ, nhưng cũng chính vì thế đã làm nên ý chí của cô bé nghèo ở Quỳnh Vinh (thị xã Hoàng Mai).

Thiếu thốn đủ đường nhưng Hiền vẫn luôn lạc quan, chăm chỉ học tập. Sau mỗi buổi học em lại phụ giúp ông bà làm các việc vặt trong gia đình, dạy dỗ các em học tập. Quỹ thời gian dành cho việc học của Hiền không nhiều nhưng năm nào em cũng là học sinh giỏi của trường. Mẹ Hiền - chị Hồ Thị Vân cho hay, chị vào TP Vinh cách đây 13 năm, nấu ăn cho quán cơm bình dân của chị gái. Tiền lương chị gái trả mỗi tháng chưa nổi 4 triệu đồng nên chị cũng không gửi về cho ông bà được bao nhiêu. "Hai đứa con vì vậy cũng vất vả. Nhưng mỗi lần về nhà, hỏi chuyện thầy cô giáo của Hiền, ai cũng khen con bé khiến tôi cũng yên tâm phần nào”, chị Vân tâm sự.

Ban ngày Hiền phải rửa rau phụ giúp mẹ bán cơm. Ảnh: Đức Anh
Ban ngày Hiền phải rửa rau phụ giúp mẹ bán cơm. Ảnh: Đức Anh

Năm lớp 9, Hiền đạt giải Nhì học sinh giỏi thị xã Hoàng Mai, nhưng đi thi học sinh giỏi tỉnh lại không đạt. Với mong muốn được sống gần mẹ, để sẻ chia những buồn vui, những gánh nặng mưu sinh mà người mẹ của Hiền phải đối diện hằng ngày. Hiền quyết chí thi vào lớp chuyên Văn, Trường THPT chuyên Đại học Vinh.

Khi biết tin Hiền đậu vào trường chuyên, em trai Hiền cũng nhất quyết theo chị vào Vinh. Ba mẹ con vui mừng, nhưng cũng suốt mấy ngày chị Hồ Thị Vân (mẹ Hiền) không ngủ được vì nỗi lo lấy đâu ra tiền cho 2 con đi học. “Thằng bé đòi vào Vinh, nói “chị Hiền học giỏi, đỗ vào trường chuyên rồi, em không đi học nữa, mà đi làm kiếm thêm tiền giúp mẹ nuôi chị”. Tôi khuyên mãi mà thằng bé vẫn kiên quyết. Cũng thấy tiếc cho con lắm, nhưng hoàn cảnh khó khăn quá, đành phải chấp nhận vậy”, chị Hồ Thị Vân nghẹn giọng kể.

Chị Hồ Thị Vân - mẹ Hiền. Ảnh: Đức Anh
Chị Hồ Thị Vân - mẹ Hiền. Ảnh: Đức Anh

Vậy là ba mẹ con Hiền được đoàn tụ. Hằng ngày ngoài việc đi học Hiền lại về phụ giúp mẹ và dì bán cơm. Đi chợ, rửa rau, rửa bát, ship cơm..., tất cả đều do Hiền một tay đảm nhiệm. Công việc khó nhọc là vậy nhưng Hiền vẫn thấy vui vì mẹ con được xum vầy. Dù quần quật sớm tối nhưng ba mẹ con Hiền vẫn không có tiền thuê nhà, mà phải sống trên căn gác chừng 10m2 tại quán. Mùa Hè thì nóng hầm hập, mùa Đông lạnh thấu gia, thấu thịt. Vậy nhưng căn gác đó đã là nơi nuôi dưỡng ý chí kiên cường của cô bé nghèo học giỏi.

Ước mơ trở thành cô giáo

Hành trang vào lớp chuyên Văn, Trường chuyên ĐH Vinh của Hiền cũng thật khiêm tốn. Hiền chỉ đạt điểm trung bình môn Văn so với cả lớp. Vì thế cô nữ sinh nghèo chưa bao giờ nghĩ mình lại có thể được chọn vào đội học sinh giỏi của trường để đi thi học sinh giỏi quốc gia. Không có tiền để học thêm, nhưng Hiền lại chịu khó tự mày mò, tự học, tự đọc. Thế nên những bài văn của Hiền được cô giáo của trường đánh giá cao.

Thấy được tiềm năng nên năm học lớp 11, cô Nguyễn Khánh Ly - Giáo viên Ngữ văn, cũng là chủ nhiệm lớp thuyết phục Hiền vào đội tuyển Văn của trường để dự thi HSG Quốc gia. Bất ngờ nhưng đây cũng là cơ hội để nữ sinh Nguyễn Thị Hiền khẳng định bản thân. Hiền đã đặt nhiều hy vọng cho kỳ thi này, nhưng rồi em là người duy nhất trong 5 bạn dự thi trượt tại kỳ thi đó.

Ảnh: Đức Anh
Ảnh: Đức Anh

Thất bại tại kỳ thi đã làm Hiền suy sụp, nản chí. Hiền nói rằng, em thấy mình kém cỏi và phụ lòng kỳ vọng của mẹ, em và các thầy cô. “Em thấy có lỗi với sự kỳ vọng của thầy cô, không chút tự tin nào vào bản thân nữa và đã quyết định từ bỏ, không theo đội tuyển nữa”, Hiền nhớ lại.

Nhưng một lần nữa cô giáo của Hiền lại động viên, mong muốn Hiền vượt qua mặc cảm và tự ti để chiến thắng bản thân. Hiền quyết chí làm lại một lần nữa, lần này Hiền đặt mục tiêu phải chiến thắng để dành món quà này tặng mẹ, em và cố giáo đã tin tường vào mình.

Kỳ thi HSG Quốc gia năm lớp 12, Hiền và cô cùng mổ xẻ những hạn chế ở kỳ thi trước từ đó rút kinh nghiệm cho kỳ thi này. “Những ý cần có trong bài em đều đáp ứng tương đối đầy đủ. Nhưng em không biết chọn lọc, đưa ra dẫn chứng đắt giá. Điều này khiến cho cả bài làm của em mờ nhạt, không có điểm sáng, tạo dấu ấn đối với ban giám khảo. Một lý do khác là không biết “căn” thời gian phù hợp cho từng câu hỏi. Dẫn tới bài làm thiếu cân đối”, Hiền cho biết.

Bước vào kỳ thi lần hai sau khi đã rút ra kinh nghiệm từ lần trước, Hiền đã đổi mới cách tư duy, cách nhìn nhận vấn đề và đã thể hiện một cách thăng hoa trong bài viết của mình. Hiền chia sẻ: “Thời gian làm bài 180 phút với 2 câu hỏi nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Khi đọc đề, em suy nghĩ, hình thành dàn ý của bài. Sau đó, em đã đặt bút viết một mạch với sự thăng hoa cảm xúc”.

“Khi cô giáo gọi điện thông báo, thậm chí em còn quên luôn cả số báo danh của mình. Em nói cô đợi em tìm lại thẻ dự thi, đối chiếu lần nữa, rồi mới tin là sự thật”. Hiền kể sau khi bất ngờ nghe cô giáo báo tin Hiền được giải Nhì HSG Quốc gia môn Văn. Kết quả này của Hiền cao nhất trong đội tuyển dự thi của trường.

Với kết quả này Hiền được tuyển thẳng vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ước mơ được trở thành một giáo viên của Hiền đã dần trở thành hiện thực. Khi được hỏi tại sao Hiền không chọn trường khác mà lại chọn làm nghề giáo viên, Hiền cho biết: “Em luôn cảm phục trước những tình cảm mà cô giáo đã dành cho em. Cô đã giúp em rất nhiều trên con đường học tập. Em thấy làm nghề giáo viên thật cao quý và em mong trở thành cô giáo để mai này giúp lại những học trò như cô của em đã từng giúp em”.

Tuy đã chắc chắn vào được trường mình mơ ước nhưng Lê Thị Hiền vẫn muốn chinh phục ở kỳ thi THPT quốc gia. “Môn Văn là môn tủ nên em không phải ôn nhiều môn này mà tập trung ôn hai môn Toán và tiếng Anh”, Hiền kể. Thời gian để ôn thi 2 môn này cũng không nhiều, bởi ban ngày Hiền phải phụ bếp giúp mẹ ban đêm chỉ dành 2 tiếng để ôn thi. Phương pháp ôn thi của Hiền cũng rất khoa học. “Ngày nào cũng vậy, sau 8 rưỡi tối em mới có thể ngồi vào bàn học. Nhưng chỉ đến 10 rưỡi là đi ngủ, vì cả ngày làm việc mệt quá. Em cố gắng trong thời gian đó tập trung hết sức, không bị phân tán. Mỗi ngày em học 1 môn, cố gắng luyện đề để rèn kỹ năng làm bài, nhất là môn trắc nghiệm”, Hiền nhớ lại.

Kết quả kỳ thi THPT Quốc gia của Hiền cũng đạt thành tích cao với 3 môn khối D đạt 27,2 điểm (Ngữ văn 9,5 điểm; Toán 8,2 điểm và Tiếng Anh 9,4 điểm). Hiền cho biết em đăng ký nguyện vọng và ngành Sư phạm Tiểu học - Tiếng Anh (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội).

Cánh cửa đại học đã mở ra, nhưng chặng đường phía trước vẫn còn gian nan với Hiền. Ảnh: Đức Anh
Hiền phụ giúp mẹ ở quán cơm. Ảnh: Đức Anh

Cánh cửa đại học đã mở ra, nhưng chặng đường phía trước vẫn còn gian nan với Hiền. Bởi muốn trở thành một giáo viên, cô nữ sinh phải lập cho mình kế hoạch làm sao để có tiền đủ sống, đủ học trong những năm trên giảng đường. Dù trước mắt là vui mừng nhưng chắc chắn những đêm không ngủ vì lo tiền ăn, học vẫn sẽ kéo dài đối với 2 mẹ con./.

Tin mới