Người ươm cây đời trên vùng đá đỏ

Với tình yêu rừng, yêu đời tha thiết, người kỹ sư lâm nghiệp Lê Xuân Tư đã tự nguyện về công tác, lập nghiệp tại huyện miền núi nghèo Quỳ Châu. Trên quê hương thứ hai này, ông đã ra sức ươm, vun xới nên những cánh rừng xanh tươi, dồn tâm trí lực, góp công đưa sự học ở địa phương thêm tiến bộ.

Ở tuổi 81, ông Lê Xuân Tư (ở bản Đồng Cọng, xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu) còn minh mẫn, nhớ rất rõ ngày tháng ông theo tiếng gọi của núi rừng, trở về góp sức cho công cuộc làm tươi xanh lại quê hương: Đó là một ngày mưa tại rừng Cúc Phương, năm 1971, ông Tư lúc này là cán bộ của Phân viện nghiên cứu nhiệt đới (Viện Lâm nghiệp) nhận được công văn của Bộ Lâm nghiệp với nội dung Công ty Công nghiệp rừng Sông Hiếu (Nghệ An) thành lập Trạm Nghiên cứu Lâm sinh và xin Bộ cử cán bộ về làm việc. Từ chỗ làm công tác nghiên cứu thuần túy, đứng trước cơ hội làm khoa học ứng dụng, lại được về quê hương phục vụ, ông Lê Xuân Tư và 6 kỹ sư lâm nghiệp khác đã đăng ký xung phong.

Về với đơn vị mới, khó khăn bộn bề khi Trạm Nghiên cứu Lâm sinh chỉ là con số  tròn trĩnh: không trụ sở, cơ sở vật chất, thậm chí mục đích, đường lối, nhiệm vụ cơ bản của trạm cũng chưa được xây dựng. “Vạn sự khởi đầu nan”, ông Lê Xuân Tư và các đồng nghiệp của mình phân công nhau vào việc. Thời điểm này, rừng núi Phủ Quỳ (Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu) có nhiều nơi đã nghèo kiệt, trọc trơ do nhu cầu gỗ phục vụ công cuộc đấu tranh giải phóng, xây dựng đất nước rất lớn. Nhiệm vụ của trạm được xác định rõ: Nghiên cứu chiến lược, phương thức, biện pháp lâm học để trồng các loại cây gỗ trên rừng, giúp rừng có gỗ, trở thành rừng giàu có lượng sinh khối hữu hiệu lớn trên một một diện tích.

Ông Lê Xuân Tư kể: “Trên lưng là gùi, trong túi là cơm nắm, bản thân tôi và các cán bộ trong trạm đã lăn lộn đi khắp rừng núi, hoang mạc, bãi mưa móc vùng Phủ Quỳ để thực hiện khảo sát, đất đai, thảm thực vật, các loại cây bản địa. Từ đó, chúng tôi đã định hình nên những phương cách trồng rừng như cạo trắng hay mở rạch; công thức trồng các loại cây gỗ mỡ, lát hoa, dổi, ràng ràng mít, lim xanh… rồi triển khai mô hình nhân giống, trồng trình diễn, thử nghiệm, mở rộng trồng đại trà…

Mỗi giai đoạn lại có nhiệm vụ khác nhau, tương ứng, Trạm Nghiên cứu Lâm sinh đã nhiều lần đổi tên thành Trung tâm Điều chế rừng và sau này là Lâm trường Cô Ba. Hơn 20 năm tại Trạm – Trung tâm – Lâm trường, kỹ sư lâm nghiệp Lê Xuân Tư vẫn cứ “cuốc bẫm, cày sâu”, tâm huyết với công tác nghiên cứu lâm sinh, bảo tồn các giống cây rừng nhiệt đới và trồng rừng. Trong số các kỹ sư lâm nghiệp của tỉnh Nghệ An thời bây giờ, ông Lê Xuân Tư được đánh giá là cán bộ nghiên cứu khoa học xuất sắc. Ông Phạm Quang Tấn – Trưởng bản Đồng Cọng (nguyên cán bộ Lâm trường Quỳ Châu) nhớ lại: Là cán bộ nghiên cứu khoa học lâm sinh giỏi, ông Tư vẫn thường làm việc cùng các đoàn công tác của nước ngoài, của Bộ mỗi khi về khu điều chế, lâm trường, Công ty Sông Hiếu. Ông rất uyên bác, tôi vẫn thường đến để học hỏi thêm về công tác phát triển rừng, lâm nghiệp, lâm sinh từ ông.

Năm 1994, ông Lê Xuân Tư về nghỉ hưu theo chế độ. Nhưng ông vẫn trăn trở, bởi lẽ vì nhiều lý do mà các cánh rừng mẫu tâm huyết không thể bảo vệ được; những cánh rừng nguyên sinh, rừng cây gỗ lớn trong vùng được dần thay thế bằng rừng trồng keo ngắn ngày. “Cây keo chỉ là bài toán mì ăn liền, không thể đem lại lợi ích bền vững. Sau 4-5 năm, cây keo lại được thu hoạch, rừng đồi bị cạo trắng và đốt, đất không thể hồi phục, mùn bị trôi sau mỗi trận mưa lớn. Để rừng xanh tốt, ổn định, đem lại giá trị sinh thái môi trường, giá trị kinh tế lâu dài, thì dứt khoát phải trồng cây gỗ lớn, lâu năm, có hiệu quả kinh tế cao”, ông Lê Xuân Tư bày tỏ suy nghĩ.

Với suy nghĩ này, ông Tư đã cặm cụi đi vào rừng sâu của miền đất Thúy Vân (tên cũ của huyện Quỳ Châu), thu nhặt hạt và cây con của các loài gỗ lớn, gỗ quý có giá trị kinh tế cao, nguy cơ bị tuyệt chủng như lim xanh, dổi, lát hoa… đem về khu đồi sau nhà trồng. Sau khi ươm thành công, ông Tư lại bán hoặc chia sẻ cho người dân trong vùng cùng trồng, phục vụ trồng rừng tại chỗ của địa phương. Ông Lê Xuân Tư cho rằng: “Tiền nhiều mấy tiêu cũng hết, nhưng rừng chặt đi thì tiếc cả đời người. Tôi không muốn con cháu mình chỉ được nhìn cây gỗ quý qua sách báo, ti vi”…

Bây giờ thì ông Lê Văn Tư đã hết buồn. Ông vui vì những năm gần đây, huyện Quỳ Châu nơi ông sinh sống đã quan tâm đến việc trồng rừng, tỷ lệ che phủ rừng năm 2020 đạt 78%. Nhà nước, tỉnh Nghệ An đã chú trọng đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng, trồng các cây gỗ lớn.

Vừa qua, hay tin huyện Quỳ Châu kiến tạo rừng cây bản địa ở dốc Kẻ Lè (bên Quốc lộ 48, giáp ranh xã Châu Hội và Châu Hạnh) để phát triển kinh tế rừng, phát triển du lịch, ông đăng ký hiến ngay 20 cây gỗ kim giao quý. Những cây gỗ kim giao này đã được ông Tư đưa giống từ Vườn quốc gia Cúc Phương về trồng trong vườn nhà. Ông Tư chỉ mong muốn mình góp thêm được một phần nhỏ nào đó nữa để rừng Quỳ Châu mãi xanh. “Cây gỗ kim giao quý nhưng tấm lòng của kỹ sư lâm nghiệp Lê Văn Tư còn quý hơn rất nhiều”, ông Lương Trí Dũng – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, UBND huyện Quỳ Châu nhìn nhận.

Về nghỉ hưu, thời gian nhà rỗi nhiều, ông Lê Xuân Tư có điều kiện quan tâm đến việc học hành của con cháu. Ông nhận thấy, việc học của con cháu mình, con cháu của anh em bạn bè trong lâm trường và các cháu nhỏ trong xóm, xã không được tốt. Sự học ở địa phương chưa được thật sự quan tâm bởi nhiều nguyên do…

Xã Châu Bình trong những năm đầu thập niên 90 thế kỷ XX là “tâm bão” của tệ nạn xã hội, mất an ninh trật tự. Hàng ngàn người đã kéo đến đây đào đá đỏ (ruby) dưới lòng đất trong đó nhiều người phải đánh đổi bằng máu và sinh mạng. Cả xã Châu Bình, đàn ông, đàn bà, già trẻ đều mang cuốc, xẻng lên núi tìm đá đỏ, không còn màng đến những việc khác. Rừng tan hoang, ruộng đồng bỏ hoang, tệ nạn ùa về. Cơn sốt đá đỏ khiến người người lao vào vòng xoáy kim tiền, việc học của con trẻ bị bỏ bê, coi nhẹ. Khi cơn sốt đã lắng xuống thì hậu quả để lại cho vùng đất này vẫn hết sức nặng nề.

Ông Tư kể: “Sự học Châu Bình chưa tốt còn do nhận thức, sự thiếu quan tâm của các bậc phụ huynh vốn là những công nhân lâm trường nhập cư và người Thái bản địa. Với mong muốn được làm gì đó để xây dựng địa phương tốt lên, tôi quyết định rẽ ngang, mở lớp dạy thêm cho học trò quanh vùng. Tôi là người ngoại đạo nhưng bù lại là có đầu óc, phương pháp làm khoa học, vốn kiến thức Ngoại ngữ, Toán, Hóa khá. Tôi đã nghiên cứu kỹ sách giáo khoa cùng các cập nhật đổi mới; đến nhà các thầy, cô giáo trong vùng để học hỏi thêm kỹ năng sư phạm; đề ra mục tiêu, xây dựng phương pháp truyền đạt, phương thức đạt được các mục tiêu”.

Nghỉ hưu được 1 năm thì kỹ sư Lâm nghiệp Lê Văn Tư trở thành “thầy giáo”. Ông làm bàn, ghế, bảng ở nhà thực hiện dạy kèm cho các cháu học sinh trong vùng từ lớp 6 đến lớp 9 với các môn Tiếng Anh, Toán và Hóa vào những buổi chiều trong tuần. “Thầy giáo” Lê Xuân Tư đã tập trung cho các học sinh ôn kỹ những bài học ở lớp, giảng kỹ và giảng sâu những kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa với quan điểm “Coi trọng kiến thức cơ bản, khi các cháu nhuần nhuyễn các kiến thức cơ bản mới mở rộng, nâng cao”. Với sự tận tình, tận tụy, kiên nhẫn trong bày dạy của thầy Tư, các em học sinh ở lớp học thêm của thầy tiến bộ rất nhanh, đặc biệt là các môn Toán, Hóa. Cuối học kỳ, năm học, các em học sinh đều đạt thành tích cao…

Tiếng lành đồn xa, phụ huynh trong xóm, xã và cả huyện đã đưa con đến nhờ thầy Lê Xuân Tư kèm học; thậm chí, anh em, bà con ở quê của 2 ông bà là Thanh Chương, Diễn Châu, Hưng Nguyên cũng gửi con cháu lên nhà thầy trọ học vào dịp hè. Từ chỗ vài học sinh ban đầu, trong khoảng 13 năm, hàng trăm học sinh trong huyện đã đến học lớp của thầy Tư.

Anh Kim Văn Minh – Phó trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Quỳ Châu kể: “Năm 1997, khi đó tôi đang học lớp 7 ở Trường THCS Châu Bình thì biết đến lớp thầy Tư và đến xin học. Ở lớp, thầy Tư dạy rất kỹ càng, dễ hiểu, giúp học sinh tiếp thu bài nhanh. Lớp tôi 12 người, học liên tục từ lớp 7 đến lớp 9. Học sinh trong lớp thầy Tư liên tục đạt giải cao tại kỳ thi học sinh giỏi của huyện, tỉnh. Thi chuyển cấp 3 năm 1999, lớp học thêm chúng tôi có 1 bạn đậu Trường chuyên Phan Bội Châu, 1 đậu Trường THPT chuyên Đại học Vinh… Mang tiếng là dạy thêm, học thêm song học phí thầy thu không đáng là bao, nhiều bạn học sinh nghèo thầy không thu tiền mà thậm chí cho thêm để mua sách vở, quần áo”.

Năm 2016, tuổi cao sức yếu, mắc bệnh tim và tăng huyết áp, thầy Tư dừng hoạt động dạy học ở lớp. Mỗi tuần chỉ kèm 2, 3 buổi Toán, Hóa cho 3 cô cháu ngoại và vui thú điền viên. Dẫu vậy, thân nhàn nhưng tâm vẫn không nhàn, ở cái tuổi ngoài bát thập xưa nay hiếm, người kỹ sư lâm nghiệp – thầy giáo Lê Xuân Tư vẫn cứ đau đáu về sự phát triển quê hương Quỳ Châu.

Ông kể: “Đầu năm rồi, các đồng chí Bí thư, Chủ tịch huyện có đến chơi nhà, tôi có trao đổi với các đồng chí lại rằng, để đưa huyện nghèo mình đi lên thì cần làm tốt lời Bác Hồ dạy “Vì lợi ích 10 năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Trồng cây, gây rừng phát triển kinh tế là việc làm trước mắt, thường xuyên; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực là cốt lõi, lâu dài…”.