Ưu tiên các chính sách đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn

(Baonghean.vn)- Cử tri tỉnh Nghệ An kiến nghị: Chính phủ tiếp tục có các chính sách ưu tiên để phát triển nông nghiệp, nông thôn, tăng cường đầu tư, sửa chữa hệ thống kênh, mương phục vụ tưới tiêu cho nông dân.

Vấn đề này (tại công văn số 2635/BNN) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời:

Thời gian qua, Quốc hội và Chính phủ đã có nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư từ vốn ngân sách Nhà nước cũng như ưu đãi thu hút đầu tư xã hội vào khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn; hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất và tiêu thụ nông sản. Các chính sách đó được thực hiện một cách nhất quán và liên tục được hoàn thiện theo hướng tạo môi trường ngày càng thuận lợi để thu hút có hiệu quả các nguồn vốn vào lĩnh vực này. Qua đó, tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, giúp cho hạ tầng nông thôn phát triển mạnh mẽ, làm thay đổi bộ mặt nhiều vùng nông thôn. Điều kiện sống cả về vật chất và tinh thần của số lượng lớn dân cư nông thôn được nâng cao, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.

Nghị quyết số 26/NQ-TW  của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 7, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị quyết số 26/2012/QH13 của Quốc hội khóa XIII về việc tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã xác định: Tăng đầu tư phát triển cho khu vực nông nghiệp, nông thôn đảm bảo 5 năm sau cao gấp 2 lần 5 năm trước.

Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp ở Hưng Tân, Hưng Nguyên. Ảnh: tư liệu
Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp ở Hưng Tân, Hưng Nguyên. Ảnh: tư liệu

Tổng vốn đầu tư Nhà nước cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2011-2015 đạt khoảng 610.959 tỷ đồng (bao gồm ngân sách tập trung, trái phiếu Chính phủ và ODA). Vốn đầu tư toàn xã hội cho nông nghiệp giai đoạn 2011-2015 đạt 304.500 nghìn tỷ đồng, bằng 1,71% GDP và bằng 5,4 % tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Đặc biệt, chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới huy động được khoảng 851.380 tỷ đồng (ngân sách nhà nước 31,34%; tín dụng 51%; doanh nghiệp 4,9%; người dân và cộng đồng đóng góp 12,62%). Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và VSMTNT huy động được khoảng 37.625 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã thực hiện các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho nông dân như cấp bù thủy lợi phí (trung bình trên 4.000 tỷ đồng/năm); chi thêm từ 7.000 ÷ 8.000 tỷ đồng nguồn dự phòng ngân sách hàng năm để hỗ trợ khẩn cấp trong các tình huống thiên tai, dịch bệnh. Hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi để thực hiện các chương trình kiên cố hóa kênh mương, phát triển giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản và cơ sơ hạ tầng làng nghề ở nông thôn (trung bình 5.000 tỷ đồng/năm).

Phối cảnh cống tiêu Diễn Thành (huyện Diễn Châu) thuộc Dự án Khôi phục, nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An khi hoàn thành. Ảnh: Tư liệu
Phối cảnh cống tiêu Diễn Thành (huyện Diễn Châu) thuộc Dự án Khôi phục, nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An khi hoàn thành. Ảnh tư liệu
Nghệ An cũng là một trong những tỉnh luôn được Đảng, Chính phủ quan tâm ưu tiên đầu tư đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Bộ Nông nghiệp và PTNT đã và đang tiếp tục đầu tư nhiều công trình thủy lợi lớn trên địa bàn tỉnh như hồ Bản Mồng, vốn TPCP (4.455 tỷ đồng); Nâng cấp Hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An, vốn vay Chính phủ Nhật Bản (5.705 tỷ đồng); Nâng cấp Hệ thống thủy lợi sông Mơ, vốn vay Chính phủ Hàn Quốc (492 tỷ đồng); Sửa chữa nâng cao an toàn cho 27 hồ đập trên địa bàn tỉnh, vốn vay Ngân hàng thế giới (588 tỷ đồng) ...

Bộ Nông nghiệp và PTNT xác định cơ chế, chính sách là giải pháp quan trọng do vậy sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp, hỗ trợ thực hiện cơ cấu lại ngành, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới mà trọng tâm là chính sách đất đai, tín dụng, thương mại, thuế, bảo hiểm nông nghiệp và đặc biệt là chính sách thu hút nguồn lực xã hội đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Ưu tiên năm 2017 xây dựng và hoàn thiện các chính sách trực tiếp tác động đến đầu tư vào nông nghiệp nông thôn gồm: Luật Thủy lợi và các văn bản hướng dẫn thi hành; Nghị định thay thế Nghị định số 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực nông nghiệp; Nghị định về chính sách phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiêu tiết kiệm nước./.

Gia Huy

( Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới