Ưu tiên cho các xã đăng ký về đích Nông thôn mới

(Baonghean) - Năm 2018, toàn tỉnh có 27 xã ký cam kết với UBND tỉnh về đích NTM. Hiện các địa phương đang rà soát lại các tiêu chí và triển khai thực hiện những tiêu chí chưa đạt ngay từ đầu năm.
Ghi nhận ở các địa phương
Xã Lăng Thành (Yên Thành) mặc dù là địa phương còn nhiều khó khăn, nhưng đã mạnh dạn ký cam kết với UBND tỉnh về đích NTM trong năm 2018. Ông Hoàng Danh Thọ - Chủ tịch UBND xã Lăng Thành cho biết: Trong tháng 1/2018, địa phương đã khởi công xây dựng 2 công trình trường học: Tiểu học và THCS, mỗi công trình trị giá hơn 6 tỷ đồng. Trong đó, Trường THCS do Tổng Công ty Dầu khí hỗ trợ 3,5 tỷ đồng, còn lại là ngân sách tỉnh và địa phương; trường tiểu học do tỉnh và Trung ương đầu tư 2/3 nguồn vốn.
Hiện các nhà thầu đang khẩn trương thi công, phấn đấu đến tháng 9/2018 hoàn thành bàn giao công trình cho địa phương đưa vào sử dụng.
Tuyến đường huyện chạy qua xã Lăng Thành (Yên Thành) cần được nâng cấp. 	Ảnh: Xuân Hoàng
Tuyến đường huyện chạy qua xã Lăng Thành (Yên Thành) cần được nâng cấp. Ảnh: Xuân Hoàng
Theo khảo sát, đến thời điểm này xã Lăng Thành đã hoàn thành 17 tiêu chí, còn 2 tiêu chí chưa đạt đó là giao thông và trường học. Khó khăn nhất đối với Lăng Thành vẫn là tiêu chí giao thông.
Bởi dù có hơn 80% chiều dài đường thôn xóm đã được đổ bê tông, do người dân đóng góp tiền gần 100% trong những năm qua, thì vẫn còn 6 km đường huyện chạy qua địa bàn xã, nối từ xã Phú Thành lên đến đường 22 hiện vẫn là đường đất, lầy lội vào mùa mưa.
Còn một tuyến đường huyện dài khoảng 3 km chạy qua trung tâm xã mặc dù đã được Nhà nước đầu tư rải nhựa từ nhiều năm trước, nhưng đến nay đã xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng cần được khắc phục. Người dân xã Lăng Thành cho rằng, để hoàn thành NTM 2 tuyến đường này phải được Nhà nước nâng cấp đạt chuẩn NTM, bởi lâu nay bà con đóng góp tiền của đầu tư làm đường giao thông thôn xóm, làm trường học, nhà văn hóa xóm khá nhiều.
Ông Lê Đình Thành - Xóm trưởng xóm 3, xã Lăng Thành chia sẻ: Phong trào xây dựng NTM của người dân trong xóm được phát huy từ nhiều năm trước, do vậy đến cuối năm 2017 có tới 2.650/2.675m (trên 90%) đường giao thông trong xóm đã được bê tông hóa đạt chuẩn NTM. Điều đáng nói là 100% nguồn lực làm đường nông thôn của xóm đều do người dân đóng góp.
Nhân dân trong xóm thống nhất, mỗi hộ đóng góp 3,3 triệu đồng và 1 nhân khẩu đóng góp 830 nghìn đồng để làm đường. Trong năm 2018, xóm tập trung thực hiện một số tiêu chí như tân trang, mua sắm trang thiết bị nhà văn hóa xóm, làm giao thông nội đồng.
Tới đây, Nhà nước sẽ hỗ trợ xi măng cho địa phương làm đường nông thôn, do vậy xóm 3 sẽ sử dụng nguồn xi măng đó để đầu tư xây dựng hệ thống mương kẹp hai bên đường giao thông, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Sản xuất bột sắn dây ở xã Nam Anh (Nam Đàn). 	Ảnh: Huy Thư
Sản xuất bột sắn dây ở xã Nam Anh (Nam Đàn). Ảnh: Huy Thư
Huyện Tân Kỳ có 2 địa phương ký cam kết với tỉnh về đích NTM là Tân Xuân và Kỳ Tân. Hiện 2 địa phương này cũng đang tích cực triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm để hoàn thiện từng tiêu chí, với phương châm cả hệ thống chính trị vào cuộc, huy động nguồn lực từ nhân dân và tranh thủ sự hỗ trợ nguồn vốn, xi măng của Nhà nước.
Ông Trần Văn Đông - Chủ tịch UBND xã Kỳ Tân cho biết: Sau 7 năm chung sức xây dựng NTM, đến nay, địa phương đã hoàn thiện được 16 tiêu chí, còn 3 tiêu chí chưa đạt: Cơ sở vật chất văn hóa, giao thông và hợp tác xã. Theo ông Đông, đây là 3 tiêu chí khó đối với địa phương, đặc biệt là tiêu chí giao thông, hiện trên địa bàn xã có 5 cầu dân sinh thường xuyên ngập nước trong mùa mưa, cần phải nâng cấp, tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi.
Do vậy, cùng với sự nỗ lực của địa phương thì các cấp ngành cần hỗ trợ mới hoàn thành được. Nhiệm vụ trước mắt của xã là thành lập HTX nông nghiệp theo Luật HTX năm 2012 và thành lập HTX nuôi ong mật; chỉ đạo xóm 4 xây dựng nhà văn hóa xóm và hoàn thiện thiết chế văn hóa xã. Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình ủng hộ cả người dân và sự hỗ trợ kịp thời của Nhà nước thì khả năng cao đến cuối năm Kỳ Tân sẽ hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM.
Các địa phương đăng ký đạt chuẩn NTM trong năm 2018 kiến nghị: Các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đầu tư cho các xã xây dựng NTM cần triển khai ngay từ đầu năm để các địa phương thuận lợi thực hiện, đặc biệt dịp đầu năm người dân chưa bước vào thu hoạch mùa màng, nên dễ huy động sức dân. Đối với các xã miền núi, giao thông và thủy lợi là khó khăn nhất, nên cần bố trí thêm nguồn vốn hỗ trợ.

Ưu tiên các xã đăng ký đạt chuẩn
Năm 2018, toàn tỉnh có 27 xã của 13 huyện ký cam kết với UBND tỉnh về đích NTM. Trong đó, huyện Yên Thành có 6 xã, huyện Thanh Chương 3 xã, Hưng Nguyên 2 xã, Diễn Châu 2 xã, Đô Lương 2 xã, Nghi Lộc 2 xã, Anh Sơn 2 xã, Tân Kỳ 2 xã, Quỳnh Lưu 2 xã, các huyện: Tương Dương, Nghĩa Đàn, Quế Phong, thị xã Hoàng Mai mỗi huyện có 1 xã ký cam kết. Trong số 27 xã ký cam kết này đến thời điểm hiện nay đạt từ 14 đến 17 tiêu chí. 
Theo Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh: Tổng nhu cầu nguồn vốn thực hiện chương trình NTM năm 2018 để thực hiện các nội dung là hơn 7,2 nghìn tỷ đồng. Trong đó: Ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp hơn 875 tỷ đồng; vốn lồng ghép các chương trình hơn 499,7 tỷ đồng; vốn tín dụng hơn 3,7 nghìn tỷ đồng; vốn doanh nghiệp, HTX gần 1,25 nghìn tỷ đồng; vốn nhân dân đóng góp gần 833 tỷ đồng.
Trong quá trình thực hiện, ưu tiên cho các xã đặc biệt khó khăn và các xã phấn đấu về đích trong năm 2018 và ưu tiên bố trí để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT, Chánh Văn phòng điều phối Chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh cho rằng: Để các địa phương thực hiện tốt chương trình xây dựng NTM, các thành viên BCĐ tỉnh tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, tạo điều kiện cho các địa phương hoàn thiện, nâng cao các tiêu chí nông thôn mới thuộc lĩnh vực ngành mình phụ trách; bố trí thời gian đi kiểm tra cơ sở để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở theo phân công tại Quyết định 6076/QĐ-UBND.
Các ngành ưu tiên lồng ghép các chương trình, dự án thuộc ngành quản lý hỗ trợ địa phương thực hiện các nội dung tiêu chí do ngành phụ trách, đặc biệt là với các xã đăng ký đạt chuẩn năm 2018.
Các huyện, thị xã ưu tiên nguồn vốn, tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí của các xã còn thiếu, ưu tiên các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018. Trích nguồn kinh phí từ tiền đấu thầu sử dụng đất đai, hỗ trợ cho các xã mua xi măng thực hiện tiêu chí giao thông. Rà soát các xã đã đạt chuẩn theo bộ tiêu chí mới, xã nào có tiêu chí không đạt cần có giải pháp chỉ đạo hoàn thiện nâng cao tiêu chí theo quy định.
Các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018 tập trung nguồn lực huy động, vận động nhân dân chung tay thực hiện hoàn thành các nội dung còn thiếu để đạt chuẩn như cam kết với tỉnh. Không huy động quá sức dân, phải được sự đồng thuận của nhân dân khi triển khai thực hiện.

Tin mới