Uy lực sư đoàn thiết giáp 'mũi giáo thép' mạnh nhất Triều Tiên

Được trang bị những khí tài hiện đại, Sư đoàn thiết giáp số 105 là một trong những đơn vị mạnh nhất của quân đội Triều Tiên hiện nay.
Uy lực sư đoàn thiết giáp 'mũi giáo thép' mạnh nhất Triều Tiên ảnh 1

Xe tăng hiện đại nhất của Triều Tiên trong biên chế Sư đoàn số 105. Ảnh: KCNA

Quân đội Triều Tiên bị đánh giá là có trang thiết bị lạc hậu, tuy nhiên họ sở hữu một "mũi giáo thép" có sức mạnh đáng gờm là Sư đoàn thiết giáp số 105, đơn vị có truyền thống chiến đấu lâu năm từng đụng độ và gây thiệt hại lớn cho lính Mỹ trong Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, theo National Interest.

Tiền thân của Lữ đoàn thiết giáp số 105 là Trung đoàn huấn luyện xe tăng số 15, được Liên Xô thành lập từ năm 1948 với thành phần gồm nhiều cựu binh từng phục vụ trong Hồng quân Liên Xô và quân đội Trung Quốc. Từ hai xe tăng T-34 ban đầu, Trung đoàn số 15 được nâng cấp thành Lữ đoàn số 105 với 120 chiếc T-34-85 trong biên chế.

Là biến thể mạnh nhất của dòng T-34 huyền thoại, T-34-85 được trang bị pháo chống tăng D-5T cỡ nòng 85 mm, vượt trội so với các phiên bản T-34 dùng pháo 76 mm trước đó. Xe tăng này có giáp mỏng hơn đáng kể so với mẫu M26 Pershing đương thời của Mỹ, nhưng có thể bắn xuyên giáp trước của đối phương từ khoảng cách hơn 900 m.

Lữ đoàn số 105 được tổ chức thành ba tiểu đoàn xe tăng gồm 107, 109 và 203, mỗi đơn vị được biên chế 40 xe tăng. Ngoài ra còn Tiểu đoàn thiết giáp số 308 trang bị 16 pháo tự hành SU-76 và bộ binh yểm trợ từ Trung đoàn bộ binh cơ giới số 206.

Trong Chiến tranh Triều Tiên, đối thủ của Lữ đoàn số 105 là quân đội Hàn Quốc với thành phần chủ yếu là bộ binh, không có lực lượng thiết giáp tương xứng. Hàn Quốc và cố vấn Mỹ chỉ có 37 xe bọc thép M8 Greyhound, 140 pháo chống tăng cỡ nòng 57 mm lạc hậu và 1.900 khẩu Bazooka cỡ nòng 60 mm, khó có thể xuyên thủng giáp xe tăng T-34-85.

Lữ đoàn số 105 không chiến đấu theo đội hình tập trung, mà phân tán thành các tiểu đoàn để yểm trợ bộ binh Triều Tiên. Các tiểu đoàn của đơn vị này từng đè bẹp Sư đoàn bộ binh số 1 và 7 của Hàn Quốc mà không mất một xe tăng nào. Chỉ có một số chiếc T-34-85 bị hư hỏng do trúng đạn chống tăng cải tiến của đối phương.

Lực lượng thiết giáp Triều Tiên chiếm được thủ đô Seoul của Hàn Quốc chỉ sau 4 ngày tham chiến, nhưng việc thiếu hỗ trợ khiến họ bị cầm chân ở phía bắc sông Hán đến ngày 3/7. Nhờ thành tích này, Lữ đoàn số 105 được tăng quy mô lên thành sư đoàn và được đổi tên thành Sư đoàn thiết giáp số 105 "Seoul".

Uy lực sư đoàn thiết giáp 'mũi giáo thép' mạnh nhất Triều Tiên ảnh 2

Xe tăng T-34-85 bị tiêu diệt trong Chiến tranh Triều Tiên. Ảnh: Life

Khi tiến sâu vào lãnh thổ Hàn Quốc, Sư đoàn số 105 chạm trán với lực lượng chiến đấu đầu tiên của Mỹ mang tên "Đơn vị đặc nhiệm Smith" được không vận từ Nhật Bản, gồm các đại đội thuộc Tiểu đoàn số 1, Trung đoàn bộ binh 21, Sư đoàn bộ binh 24.

Lực lượng đặc nhiệm Smith chỉ có trên 400 binh sĩ và một số lựu pháo 105 mm của tiểu đoàn pháo binh phối thuộc. Họ không được trang bị xe tăng, không có yểm trợ đường không và khả năng liên lạc nghèo nàn. Ngoài súng bộ binh, nhóm đặc nhiệm còn có hai súng không giật cỡ nòng 75 mm, hai khẩu cối 106 mm và 4 khẩu cối 60 mm. Mỗi binh sĩ được trang bị 120 viên đạn và khẩu phần ăn trong hai ngày.

Hỏa lực chống tăng của đơn vị đặc nhiệm Smith chỉ gồm các khẩu Bazooka, khó có thể tiêu diệt xe tăng T-34-85. Một số sĩ quan và hạ sĩ quan từng tham gia Thế chiến II, nhưng đa phần quân số đều không có kinh nghiệm chiến đấu.

Khi đối mặt với 33 xe tăng T-34-85 của Trung đoàn thiết giáp 107 cùng Trung đoàn bộ binh số 16 và 18, đơn vị đặc nhiệm Smith hứng chịu thất bại thảm hại và rơi vào trạng thái hoảng loạn, không ngăn nổi đà tiến công của xe tăng Triều Tiên. Quân Mỹ chỉ loại khỏi vòng chiến 4 xe tăng, đổi lại họ hứng chịu tới 150 thương vong.

Sư đoàn thiết giáp số 105 tiếp tục tiến về phía nam trước khi đà tấn công bị chững lại do vấp phải hỏa lực từ không quân Mỹ. Tại vành đai Pusan, các xe tăng của Sư đoàn số 105 chia nhỏ lực lượng để yểm trợ bộ binh. Dù chịu ít tổn thất trong chiến đấu, nhiều chiếc T-34-85 đã bị hư hỏng trong quá trình hành quân về phía nam.

Vào thời điểm này, lực lượng Liên Hợp Quốc bắt đầu sử dụng vũ khí hạng nặng và đẩy lùi cuộc tấn công của Triều Tiên. Tại núi Obong-Ni, 4 xe tăng M26 Mỹ đã phá hủy ba chiếc T-34-85 mà không chịu tổn thất nào. Ở phía bắc Tabu-dong, bộ binh và xe tăng Mỹ tiêu diệt 13 xe tăng T-34-85 và 5 pháo SU-76 của Trung đoàn thiết giáp 107 trong hai ngày giao tranh. Đến tháng 9, Triều Tiên huy động 100 xe tăng cho trận đánh cuối cùng vào vành đai Pusan nhưng thất bại.

Lục quân và thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ lên Ichon nhằm chia cắt lực lượng Triều Tiên đang bao vây Pusan, khiến lượng nhỏ xe tăng của Sư đoàn số 105 phải cầm cự trước nhiều đợt phản công của quân đội Liên Hợp Quốc từ Pusan. Khi kết thúc chiến dịch Pusan, lực lượng thiết giáp đầy uy lực của Sư đoàn số 105 gần như bị phá hủy hoàn toàn.

Năm 1951, Sư đoàn thiết giáp số 105 được tái tổ chức thành sư đoàn cơ giới, nhưng không tham gia chiến sự. Tới đầu thập niên 1960, đơn vị này được hồi phục biên chế tăng thiết giáp, được đặt tên là Sư đoàn thiết giáp Cận vệ số 105 "Seoul".

Ngày nay, Sư đoàn số 105 vẫn là lực lượng hiện đại và tin cậy hàng đầu của quân đội Triều Tiên. Đơn vị này được cơ cấu thành hai lữ đoàn xe tăng và một lữ đoàn bộ binh cơ giới, nằm trong đội hình chiến đấu của Quân đoàn thiết giáp số 820.

Uy lực sư đoàn thiết giáp 'mũi giáo thép' mạnh nhất Triều Tiên ảnh 3

Xe tăng Thiên Mã tham gia giải đua tăng của quân đội Triều Tiên. Ảnh: KCNA

Khí tài chủ lực của Sư đoàn số 105 là xe tăng Pokpung-ho (Bão phong hổ). Đây là mẫu xe tăng hiện đại nhất trong biên chế Triều Tiên, sở hữu nhiều tính năng ngang với xe tăng hiện đại như M1 Abrams Mỹ hay K1 của Hàn Quốc. Bão phong hổ được Triều Tiên tự thiết kế, chế tạo, tích hợp một số công nghệ từ xe tăng T-62, T-72 Liên Xô và Type-88 Trung Quốc. Sư đoàn số 105 là đơn vị duy nhất của quân đội Triều Tiên vận hành loại xe tăng này với tổng số 250 chiếc.

Triều Tiên tập trung trang bị hỏa lực rất mạnh để bù đắp lại điểm yếu phòng thủ của Bão phong hổ. Các xe đời đầu trang bị pháo 2A20 cỡ 115 mm, tương tự xe tăng T-62. Nhưng từ phiên bản Bão phong hổ II, tất cả xe tăng đều sử dụng pháo nòng trơn 2A46 cỡ 125 mm.

Triều Tiên tự chế tạo đạn xuyên giáp 125 mm cho Bão phong hổ, nhưng giới chuyên gia cho rằng nó khó có khả năng so sánh với đạn thanh xuyên động năng của Mỹ và Hàn Quốc, do chênh lệch ở trình độ khoa học. Bình Nhưỡng từng để lộ phiên bản Bão phong hổ mang tên lửa chống tăng trên tháp pháo. Đây là lợi thế rõ rệt, cho phép nó tiêu diệt xe tăng đối phương ở ngoài tầm bắn hiệu quả của đạn thanh xuyên.

Ngoài ra, Sư đoàn số 105 cũng được biên chế xe tăng Chonma-ho (Thiên Mã), được cho là bản sao chép từ xe tăng T-62 do Syria chuyển giao. Dòng Thiên Mã cũng được Triều Tiên từng bước nâng cấp, các phiên bản mới nhất có năng lực gần tương đương xe tăng T-62M của Liên Xô.

Được trang bị hiện đại, huấn luyện kỹ càng và có truyền thống chiến đấu, Sư đoàn số 105 được coi là mũi nhọn chiến lược của Triều Tiên trong mọi xung đột quân sự. Dù có phần thua kém lực lượng Mỹ và Hàn Quốc, sư đoàn này vẫn được đánh giá là mối đe dọa nghiêm trọng và không thể bị xem thường.

Tin mới