Vài điều về hát Quốc ca

Quốc ca được cử hành trong các nghi thức có tính chất quan trọng như: Lễ kỷ niệm, trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua; các nghi lễ đối ngoại trọng thể đón tiếp khách nước ngoài…

Trong đời sống chính trị, Quốc ca được quy định cụ thể trong các hoạt động như: Lễ kết nạp đảng viên mới, đại hội Đảng các cấp. Trong lĩnh vực văn hoá – xã hội, Quốc ca cũng được cất lên trong các buổi tôn vinh thành tích thi đấu thể thao; hoạt động chào cờ đầu tuần của các cơ quan, đơn vị, trường học…

Nói chung, việc cử hành Quốc ca diễn ra khá phổ biến trong đời sống. Tuy vậy có không ít người, trong đó có cán bộ, đảng viên, đoàn viên không thuộc lời bài hát đã rất phổ biến hàng chục năm nay. Nếu như trước đây, mỗi khi tiến hành một nghi thức trọng thể, mọi người đều “tự” hát Quốc ca, nhưng thời gian gần đây, thay vì thể hiện lời bài hát, người ta nhờ cả vào băng, đĩa, USB thu sẵn. Có “đài hát hộ” nên có không ít người quên mất Quốc ca hoặc chỉ nhớ được đôi câu. Tuy nhiên, cũng có nhiều người vẫn thuộc bài hát, nhưng quyết không hát. Có vẻ như họ xấu hổ vì làm điều đó.

Liên quan đến nghi thức cử hành Quốc ca tại các sự kiện, Chính phủ cũng đã có các quy định cụ thể, thậm chí mới đây, ngày 1/4/2020 Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành Công văn 8355-CV/BTGTW hướng dẫn một số nội dung liên quan tới nghi lễ và tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp.

Ấy nhưng, qua theo dõi đại hội Đảng các cấp, thấy có nhiều nơi đại biểu, đảng viên vẫn không thuộc hoặc không muốn hát Quốc ca khi cử hành nghi lễ. Ngay đối với nhiều cơ sở Đoàn – nơi hội tụ những đoàn viên, thanh niên năng động, không ít người trẻ vẫn không thuộc lời hoặc nhớ lõm bõm bài hát Tiến quân ca. Đó chẳng phải là điều đáng suy nghĩ sao!

Quốc ca là lời của đất nước, dân tộc. Hát Quốc ca là thể hiện tình yêu quê hương, niềm tri ân đối với các thế hệ cha ông đã cống hiến hy sinh vì Tổ quốc. Hát Quốc ca còn thể hiện thái độ, tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân trước cộng đồng. Bởi vậy rất mong mọi người hãy lưu tâm đến điều nhỏ này.