Vẫn còn nạn sao chép sáng kiến kinh nghiệm trong giáo dục

(Baonghean.vn) - Cải tiến, nâng cao chất lượng và hạn chế tình trạng sao chép các sáng kiến kinh nghiệm là những vấn đề được đặt ra tại Hội thảo khoa học do Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục và Sở GD&ĐT Nghệ An tổ chức vào sáng 8/12.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Thái Huy Vinh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT khẳng định: Việc triển khai công tác đúc kết sáng kiến kinh nghiệm có ý nghĩa quan trọng đối với ngành giáo dục. Qua đó, góp phần xây dựng đội ngũ cốt cán và thực hiện các phong trào thi đua; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Hội thảo khoa học có sự tham gia của đại diện các sở, ban, ngành và đông đảo cán bộ, giáo viên đến từ các trường học trên địa bàn. Ảnh: Mỹ Hà
Hội thảo khoa học có sự tham gia của đại diện các sở, ban, ngành và đông đảo cán bộ, giáo viên đến từ các trường học trên địa bàn. Ảnh: Mỹ Hà

Tuy nhiên, cũng theo lãnh đạo Sở GD&ĐT, thời gian qua, việc triển khai sáng kiến kinh nghiệm ngày càng khó khăn. Quá trình thực hiện vẫn còn có sự đối phó, “đạo” sáng kiến kinh nghiệm để xếp thi đua. Điều này, nếu làm không đúng sẽ là “phi giáo dục” và “phản tác dụng”.

Bên cạnh đó, một số cán bộ, quản lý, giáo viên, nhân viên chưa nhận thức sâu sắc hiệu quả của hoạt động đúc kết sáng kiến kinh nghiệm trong việc nâng cao chất lượng công tác quản lý, giáo dục trong các nhà trường.

Để công tác đúc kết kinh nghiệm có hiệu quả thì cần phải sát với thực tế và không chạy theo thành tích. Ảnh: Mỹ Hà
Để công tác đúc kết kinh nghiệm có hiệu quả thì cần phải sát với thực tế và không chạy theo thành tích. Ảnh: Mỹ Hà

Vì vậy, vẫn có nhiều trường hợp chưa thật sự lấy kinh nghiệm từ bản thân mình để đúc kết thành sáng kiến mà còn lấy ý tưởng của các đồng nghiệp, các sáng kiến kinh nghiệm trên mạng xã hội để "xào nấu" thành sản phẩm riêng.

Hoạt động này ở một số đơn vị còn mang tính chiếu lệ, đối phó… Việc áp dụng triển khai kết quả các sáng kiến kinh nghiệm có nơi, có lúc ở một số cơ sở giáo dục chưa được chú ý đúng mức. Không ít trường hợp viết sáng kiến kinh nghiệm để làm thi đua khen thưởng chứ chưa xuất phát từ niềm đam mê khoa học và xuất phát từ thực tiễn.

Từ việc đánh giá đúng thực trạng trên, hội thảo cũng đã có nhiều ý kiến chia sẻ nhằm nâng cao chất lượng hoạt động đúc kết sáng kiến kinh nghiệm. Đồng thời, đề xuất các giải pháp để áp dụng các sáng kiến kinh nghiệm vào trong các nhà trường, góp phần thực hiện thành công công cuộc đổi mới của ngành giáo dục.

Mỗi năm ở Nghệ An có khoảng trên 80% số trường THPT và 100% số phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức cho cán bộ quản lý và giáo viên tham gia hoạt động đúc kết sáng kiến kinh nghiệm.

Tính từ năm học 2013 - 2014 đến nay, các đơn vị trực thuộc của Sở có 1.961 sáng kiến kinh nghiệm. Trong đó có 851 sáng kiến đạt cấp ngành (43,4%) và 242 sáng kiến dự xét cấp tỉnh (12,3%).

Mỹ Hà

TIN LIÊN QUAN

Tin mới