Vận động, thuyết phục đương sự: Cách thi hành án hiệu quả!

(Baonghean) - Trong thi hành án dân sự, công tác tuyên truyền, vận động thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án tuy không phải là thủ tục bắt buộc, nhưng trên thực tế, việc này đã mang lại hiệu quả và được các cơ quan thi hành án chú trọng, nhất là các vụ án có nhiều tình tiết phức tạp.
Chi cục Thi hành án Nghi Lộc họp bàn phương án vận động thuyết phục thi hành án.
Chi cục Thi hành án Nghi Lộc họp bàn phương án vận động thuyết phục thi hành án.
Trong số các vụ việc thụ lý thời gian qua, cán bộ Chi cục Thi hành án huyện Nghi Lộc nhớ nhất là vụ án ly hôn giữa anh H và chị C ở xã Nghi Kiều. Theo bản án của tòa, sau khi ly hôn, anh H phải chia tài sản cho chị C 150 triệu đồng, nhưng, anh H không tự nguyện thi hành, thậm chí còn đi làm ăn xa, gây khó khăn trong công tác thi hành án.
Không nản lòng, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Nghi Lộc đã liên lạc, nhờ Công an TP Hà Nội xác minh nơi làm việc, đồng thời gửi giấy triệu tập, yêu cầu cơ quan cho anh H về giải quyết. Sau nhiều lần kiên trì, anh H đã chấp hành có mặt tại địa phương, các chấp hành viên và cán bộ thi hành án kiên trì vận động, thuyết phục, phân tích để anh H thấy điều hay, lẽ phải. Tiếp đó, cơ quan thi hành án đã phối hợp với địa phương, mời đủ các tổ chức đoàn thể, có mặt vợ chồng anh H để bàn hướng giải quyết. Sau khi anh H tự đưa ra hướng giải quyết của mình, cơ quan thi hành án cũng đưa ra một phương án giải quyết hợp lý, làm anh H nhận rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình và đã tự nguyện viết đơn bàn giao đất ở cho người vợ, tương đương với số tài sản chị C được nhận sau ly hôn, trị giá 150 triệu đồng. Mới đây, gặp chúng tôi, chị C cho biết: Không phải lúc nào cũng có thể áp dụng những biện pháp mạnh, mà chính biện pháp vận động, thuyết phục có tình, có lý của các chấp hành viên mà vấn đề căng thẳng của gia đình tôi đã được giải quyết ổn thỏa. 
Tại Cục Thi hành án tỉnh, công tác vận động, giáo dục thuyết phục tự nguyện thi hành án luôn là hoạt động xuyên suốt trong quá trình giải quyết việc thi hành án, kể cả khi chấp hành viên đã ra quyết định cưỡng chế. Bà Lê Thị Hải - Chấp hành viên Cục Thi hành án tỉnh cho hay: Không ít trường hợp, phải đợi đến khi ra quyết định cưỡng chế thì người phải thi hành án mới chấp hành. Đơn cử như vụ vay nợ của bà N.M (TP Vinh) với Ngân hàng Công thương với số tiền cả gốc lẫn lãi lên đến 295 triệu đồng, song tài sản bảo lãnh (nhà đất) lại là của con bà. Khi Ngân hàng Công thương khởi kiện, bà N.M không chịu trả làm cho vụ việc kéo dài từ 2007 đến đầu năm nay. Suốt quãng thời gian đó, mặc dù chấp hành viên đã vận động, thuyết phục nhưng cả 2 mẹ con bà N.M đều không đồng ý trả nợ, thậm chí con bà N.M còn cho rằng “ai nợ thì người đó trả”. Mãi đến buổi họp bàn cưỡng chế, trước sự thuyết phục, làm trung gian của chấp hành viên, ngân hàng đã đồng ý giảm tiền trả ngân hàng cho bà N.M  xuống còn 120 triệu đồng, bao gồm cả tiền án phí và gia đình bà N.M đã đồng ý. 
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, phó phòng Nghiệp vụ và Tổ chức Thi hành án, Cục thi hành án tỉnh cho biết: Trong năm 2013 toàn tỉnh có 10.643 việc (chiếm 99,4%) được thi hành xong nhờ công tác vận động tự nguyện thi hành án. Ngành thi hành án chỉ phải ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với 51 trường hợp, giảm 48 trường hợp so với năm 2012. Sau khi ra quyết định cưỡng chế, có thêm 9 trường hợp đương sự tự nguyện thi hành án, nên số phải tổ chức cưỡng chế chỉ còn lại 42 trường hợp. 
Theo lãnh đạo Cục Thi hành án tỉnh, công tác vận động, hòa giải thành công sẽ mang lại lợi ích cho cả người được thi hành án và người phải thi hành án. Không chỉ thế, cơ quan thi hành án cũng thoát khỏi những gánh nặng, trong đó có gánh nặng về kinh phí, bởi mỗi khi thực hiện cưỡng chế phải huy động nhiều lực lượng chức năng lẫn phương tiện. Điều đáng quý là, khi đương sự tự nguyện thi hành án cũng có nghĩa là đã loại trừ được khả năng xảy ra chống đối, gây ảnh hưởng không tốt đến an ninh trật tự tại địa phương, cũng như các khiếu kiện phức tạp sau này.
Tuy nhiên, công tác vận động thuyết phục trong thi hành án dân sự không phải là việc dễ dàng. Theo ông Thái Văn Ngọc, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án Nghi Lộc, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật về thi hành án của các đương sự chưa cao, nhiều trường hợp chây ỳ, lẩn tránh nghĩa vụ phải thi hành, hoặc bỏ đi địa phương khác đã gây không ít khó khăn cho công tác thi hành án ở địa phương... Để đạt hiệu quả cao trong tuyên truyền, vận động đương sự thi hành án, cán bộ thi hành án phải tận tậm, nhiệt tình, am hiểu pháp luật, ngoài chấp hành viên của Chi cục Thi hành án, cần có sự phối hợp của các cơ quan chức năng, gồm Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án... Không chỉ thực hiện vận động, thuyết phục đối với đương sự, mà còn phải vận động những người thân và bà con hàng xóm của đương sự để tạo sự đồng thuận cao. Có như vậy, khi buộc phải áp dụng biện pháp cưỡng chế sẽ được quần chúng, nhân dân đồng tình, ủng hộ nên sẽ ít gây ra các sự việc phức tạp kéo dài.  
Bài, ảnh: Quảng An

Tin mới