Vận dụng công trình sáng tạo khoa học vào nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

(Baonghean) - PGS.TS Cao Trường Sinh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Vinh có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An về việc áp dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân. 

P.V: Thưa PGS.TS Cao Trường Sinh, ông có thể cho biết động lực nào đã thôi thúc ông triển khai đề tài khoa học “Nghiên cứu biến đổi huyết áp và hiệu quả điều trị của Lercanidipine ở bệnh nhân nhồi máu não có tăng huyết áp bằng theo dõi huyết áp lưu động 24 giờ”?

PGS.TS Cao Trường Sinh: Đó là từ niềm đam mê nghiên cứu khoa học, luôn mong muốn tìm ra cái mới và cũng xuất phát từ chứng kiến tình cảnh người bệnh, đặc biệt là những người bị tai biến mạch máu não, trong đó có nhồi máu não dẫn tới các di chứng liệt nửa người, đi lại sinh hoạt khó khăn, có người nằm một chỗ loét và mảng mục rất đau đớn, để lại gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Tôi và cộng sự quyết định triển khai đề tài “Nghiên cứu biến đổi huyết áp và hiệu quả điều trị của Lercanidipine ở bệnh nhân nhồi máu não có tăng huyết áp bằng theo dõi huyết áp lưu động 24 giờ" là với mong muốn thông qua phương pháp đo này để dự báo cho những người bệnh có tăng huyết áp chưa bị tai biến có biện pháp dự phòng không bị tai biến, những bệnh nhân bị tai biến rồi thì không bị tái phát bằng cách theo dõi và dùng thuốc điều trị huyết áp có tác dụng kéo dài.

Kíp mổ gắp dị vật cho bệnh nhi tại Phòng khám đa khoa thực hành (Trường Đại học Y khoa Vinh) được dư luận đánh giá cao.
Kíp mổ gắp dị vật cho bệnh nhi tại Phòng khám đa khoa thực hành (Trường Đại học Y khoa Vinh) được dư luận đánh giá cao.

P.V: Quá trình triển khai đề tài khoa học này, chắc ông và cộng sự đã trải qua rất nhiều khó khăn?

PGS.TS Cao Trường Sinh: Đúng vậy! Chúng tôi đã rất vất vả để triển khai đề tài. Xác định để một đề tài khoa học thành công thì yếu tố thực tiễn được đặt lên hàng đầu, chúng tôi đã tổ chức triển khai thực hiện tại Phòng khám Trường Đại học Y khoa Vinh và khoa Thần kinh Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An từ năm 2009 đến nay bằng cách cho bệnh nhân nhồi máu não giai đoạn cấp có tăng huyết áp mang máy theo dõi huyết áp lưu động 24 giờ.

Từ diễn biến huyết áp sau khi mang máy sẽ tiên lượng được cho bệnh nhân để tiếp tục điều trị, nằm viện hay can thiệp hoặc chuyển tuyến. Tiến hành dùng thuốc điều trị huyết áp cho bệnh nhân trong và sau giai đoạn cấp tùy theo mức độ huyết áp của bệnh nhân sau khi đã loại trừ tăng huyết áp phản ứng và các trường hợp phải điều trị tăng huyết áp cấp cứu. Sau 6 năm tổ chức triển khai thực hiện, kết quả thu được như sau: 

Thứ nhất, về giá trị khoa học đã chứng minh và xác định được tỷ lệ tăng huyết áp phản ứng ở bệnh nhân nhồi máu não. Xác định sự dao động của huyết áp ở bệnh nhân nhồi máu não. Xác định được biến đổi các thông số huyết áp lưu động 24 giờ ở bệnh nhân nhồi máu não có tăng huyết áp như tỷ lệ có trũng, không trũng tỷ lệ vọt huyết áp sáng sớm và quá tải huyết áp.

Chứng minh được hiện tượng vọt huyết áp sáng sớm là nguyên nhân gây nhồi máu não. Đánh giá hiệu quả của Lercanidipine có so sánh với Amlodipine bằng phương pháp đo lưu động 24 giờ, xác định tỷ lệ đáy đỉnh, chỉ số êm dịu của thuốc để khuyến cáo sử dụng. Xác định được giờ dùng thuốc phù hợp thông qua diễn biến huyết áp trong ngày.

Thứ hai, về khả năng, quy mô áp dụng vào thực tế: Kỹ thuật theo dõi huyết áp lưu động 24 giờ là một thăm dò tim mạch kỹ thuật cao không xâm nhập nhưng dễ sử dụng, chỉ cần một máy mang trên cánh tay trong 24h và một phần mềm với trị giá toàn bộ khoảng 70 triệu đồng.

Ngoài việc áp dụng để theo dõi biến đổi huyết áp ở bệnh nhân nhồi máu não còn được chỉ định rộng hơn ở một số loại bệnh lý khác như xuất huyết não, tăng huyết áp nguyên phát, tăng huyết áp mới mắc, phụ nữ có thai, bệnh nhân đái tháo đường, đặc biệt quan trọng nhất là xác định bệnh nhân có hiện tượng tăng huyết áp áo choàng trắng và hiệu ứng áo choàng trắng để quyết định việc có nên dùng thuốc hay điều chỉnh lối sống ở bệnh nhân tăng huyết áp áo choàng trắng và có nên tăng liều hay phối hợp thuốc ở bệnh nhân có hiệu ứng áo choàng trắng.

Thứ ba, quy mô áp dụng: Kỹ thuật theo dõi huyết áp lưu động 24 giờ ngoài việc áp dụng tại Phòng khám Đa khoa Đại học Y khoa Vinh, khoa Thần kinh Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An còn được áp dụng tại khoa Tim mạch, khoa Nội tiết đái tháo đường, khoa Sản, khoa Thận tiết niệu và khoa Nội của các bệnh viện huyện và các phòng khám đa khoa khu vực. Đặc biệt kỹ thuật này được đưa vào giảng dạy tại Trường Đại học Y khoa Vinh cho các bác sỹ và điều dưỡng đa khoa.

P.V: Ông có thể cho biết cụ thể kết quả trước và sau khi áp dụng  kỹ thuật theo dõi huyết áp lưu động 24 giờ ở bệnh nhân nhồi máu não có tăng huyết áp?

PGS.TS Cao Trường Sinh: Trước khi áp dụng, các bác sỹ không biết được diễn biến huyết áp của bệnh nhân trong ngày; chỉ biết được một cách sơ bộ thông qua một số lần đo hoặc qua monitor nhưng không thể biết được một số đặc tính sinh học của huyết áp, nên việc chọn thời điểm cho thuốc, chọn thuốc nào, nên cho hay không hạ huyết áp bao nhiêu là đủ để không gây tụt huyết áp ảnh hưởng đến tính mạng của bệnh nhân.

Bởi vậy, không có cơ sở lý luận và thực tiễn để cho thuốc hạ huyết áp ở bệnh nhân nhồi máu não, do đó đã có một số bệnh nhân tụt huyết áp quá mức mà không biết, hoặc là liều lượng thuốc phải tăng hơn, không đánh giá đúng hiệu quả hạ huyết áp của thuốc nên thời gian điều trị kéo dài hơn gây tốn kém cho bệnh nhân và bệnh viện về số ngày giường điều trị.

Đặc biệt không thể biết được trong số bệnh nhân nhồi máu não có tăng huyết áp, bệnh nhân nào có tăng huyết áp thực sự, bệnh nhân nào có tăng huyết áp phản ứng nhất thời khi bị nhồi máu não, nên hầu hết các bệnh nhân đều dùng thuốc điều trị tăng huyết áp trong giai đoạn cấp cũng như sau giai đoạn cấp và sau khi ra viện. Ngoài ra, bệnh nhân tăng huyết áp khó điều trị có tiền sử nhồi máu não thường phải đi Hà Nội để mang máy xác định diễn biến huyết áp, nhịp sinh học huyết áp gây tốn kém cho bệnh nhân và người nhà. 

Sau khi áp dụng đề tài, với hơn 11% bệnh nhân có tăng huyết áp phản ứng khi bị nhồi máu não hay xuất huyết não không cần phải dùng thuốc hạ huyết áp trong giai đoạn cấp cũng như sau giai đoạn cấp. Số bệnh nhân có tăng huyết áp phản ứng có tiên lượng tốt hơn nên thời gian nằm viện được rút ngắn, trung bình mỗi bệnh nhân rút ngắn được 1/3 thời gian điều trị. Điều quan trọng là đã làm lợi cho Nhà nước hàng trăm triệu đồng.

Hiện nay đề tài vẫn đang được áp dụng tại Phòng khám Đa khoa Trường Đại học Y khoa Vinh. Tại phòng khám đã có khoảng 300 người được mang máy theo dõi và chứng tỏ rất hữu ích đối với bệnh nhân bị tăng huyết áp, vì chỉ có phương pháp này mới theo dõi huyết áp trong ngày, ban đêm và phát hiện được các cơn tăng huyết áp để đề phòng tai biến mạch máu não.

Đề tài không những góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân thông qua việc áp dụng kỹ thuật cao và góp phần vào công tác giảng dạy đào tạo của Trường Đại học Y khoa Vinh.

P.V: Cảm PGS,TS về cuộc trao đổi!

Thanh Thủy  -  Lương Mai 

TIN LIÊN QUAN

Tin mới