Vẫn 'nóng' lạm thu đầu năm học

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Vấn đề thu, chi đầu năm học không là “chuyện mới”. Dù đã có chỉ đạo sát sao từ Sở Giáo dục và Đào tạo, tình trạng lạm thu vẫn diễn ra với nhiều hình thức khác nhau.

Nỗi niềm học sinh đầu cấp

Con mới vào lớp 1 nhưng số tiền mà chị Lê Thị B (phường Hưng Phúc - thành phố Vinh) đã đóng gần 1 triệu đồng cho quỹ phụ huynh để mua sắm cơ sở vật chất. Số tiền này, chị không rõ thu, chi như thế nào nhưng được Hội cha mẹ phụ huynh của lớp thống kê để mua khá nhiều thứ; đó là lắp 2 máy điều hòa cho phòng học, đóng tủ cho các con ở lớp, mua sắm đồ dùng phục vụ bán trú như chăn, gối và một phần để thay bảng trượt trong lớp học.

Nói về các khoản đóng góp này, chị B cho biết thêm: Tất cả các khoản đều được hội phụ huynh đứng ra thu và tự lắp đặt cho các con ở trong lớp. Một số khoản thu tôi thấy có thể chấp nhận như điều hòa, quạt mát cho các con. Nhưng như khoản thu để mua bảng trượt, tôi thấy chưa hợp lý lắm vì rõ ràng đây là điều tối thiểu cần phải có ở các lớp học và nhà trường có thể sử dụng các nguồn thu khác hoặc nguồn chi thường xuyên, nguồn tiết kiệm của nhà trường để thực hiện.

Những khoản thu trái quy định đầu năm khiến nhiều phụ huynh vất vả. Ảnh: MH

Những khoản thu trái quy định đầu năm khiến nhiều phụ huynh vất vả. Ảnh: MH

Từ đầu năm học đến nay, số tiền mà gia đình anh Trần T (thành phố Vinh) chi các khoản đóng góp đầu năm cho con cũng lên đến tiền triệu. Điều anh băn khoăn đó là dù con anh đang học ở lớp được xem là mô hình tiên tiến thí điểm ở thành phố Vinh nhưng số tiền để chi mua sắm cơ sở vật chất trong lớp khá nhiều. Trong đó bao gồm tiền mua bảng mới, mua quạt, rèm cửa và cả CPU máy tính. Trong khi đó, với mức học phí khá cao, anh cho rằng, nhà trường cần có trách nhiệm trang bị đầy đủ cơ sở vật chất để đảm bảo điều kiện dạy học tối thiểu.

Để tạo điều kiện cho các con, gần như một “quy định ngầm” diễn ra nhiều năm nay ở không ít trường học, đó là phụ huynh sẽ mua sắm và đầu tư cơ sở vật chất cho các lớp học. Điều này, đè nặng lên phụ huynh có con học đầu cấp.

Tại Trường Tiểu học Hồng Sơn (TP. Vinh), một phụ huynh có con mới vào lớp 1 “tá hỏa” khi trong thông báo của buổi họp phụ huynh, ngoài tiền quỹ lớp 400.000 đồng/học sinh, phụ huynh còn phải đóng thêm 1 triệu đồng tiền mua điều hòa, quạt trần, sửa bàn ghế. Ngoài ra mỗi phụ huynh còn phải nộp 150.000 đồng tiền vệ sinh/năm. Đó là chưa kể số tiền mua sắm đầu năm 150.000 đồng đã nộp trước đó để mua quạt tường, dụng cụ học tập và chăn gối. Phụ huynh này cũng băn khoăn, số tiền này có thể với nhiều gia đình là không lớn nhưng nếu cộng thêm nhiều khoản thu khác đầu năm sẽ là một “gánh nặng” không nhỏ cho nhiều gia đình lao động.

Tất cả các khoản thu phải được công khai đến toàn bộ phụ huynh. Trong ảnh: Buổi họp phụ huynh của Trường THPT Thanh Chương 3. Ảnh: PV
Tất cả các khoản thu phải được công khai đến toàn bộ phụ huynh. Trong ảnh: Buổi họp phụ huynh của Trường THPT Thanh Chương 3. Ảnh: PV

Qua trao đổi, bà Nguyễn Thị Phương Liên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồng Sơn cho biết: Năm nay trường chúng tôi được phê duyệt 404.000.000 đồng tiền xã hội hóa để mua sắm thiết bị dạy học và bổ sung cơ sở vật chất. Qua quá trình triển khai, chúng tôi không chủ trương cào bằng, nhưng có đề nghị một số lớp có điều kiện nộp xã hội hóa nhiều hơn để hỗ trợ những lớp khó khăn và thường là lớp 1 sẽ nhiều hơn các lớp còn lại. Trường hợp phụ huynh này phản ánh là ở lớp 1D và chúng tôi đã yêu cầu giáo viên chủ nhiệm và hội phụ huynh lớp rút kinh nghiệm, không nộp cào bằng. Riêng khoản tiền vệ sinh thu sai, chúng tôi yêu cầu lớp trả lại cho toàn bộ phụ huynh.

Khó tránh tình trạng “lạm thu” đầu năm học

Trường THPT Quỳnh Lưu 2 có hơn 1.500 học sinh ở cả ba cấp học. Từ năm học trước, do thiếu các phòng chức năng nên nhà trường đã xây thêm dãy phòng học mới để làm phòng thực hành với tổng số tiền khoảng 2 tỷ đồng. Theo lãnh đạo nhà trường, vì điều kiện hiện nay, trường chưa được cấp ngân sách để bổ sung nguồn xây dựng cơ sở vật chất, nên toàn bộ số tiền xây phòng học chức năng nhà trường dự kiến sẽ vận động phụ huynh, với tổng số tiền mỗi năm khoảng trên 600 triệu đồng.

Việc xã hội hóa vẫn được một số trường thực hiện cào bằng. Ảnh: MH

Việc xã hội hóa vẫn được một số trường thực hiện cào bằng. Ảnh: MH

Việc thu tiền xã hội hóa ở các trường học theo quy định trước khi triển khai nhà trường phải lập kế hoạch và được Sở Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Tuy nhiên, vào giữa tháng 9, tại cuộc họp phụ huynh toàn trường, Trường THPT Quỳnh Lưu 2 đã tiến hành phổ biến việc thu các khoản tiền đầu năm đến tất cả phụ huynh. Ngay sau đó, tại cuộc họp của Ban chấp hành hội cha mẹ học sinh do nhà trường tổ chức cũng đã thống nhất để “động viên” khối 10 mỗi em khoảng 480.000 đồng, khối 11 khoảng 430.000 đồng và khối 12 khoảng 380.000 đồng. Các đối tượng chính sách sẽ được miễn.

Cùng với khoản thu xã hội hóa, Trường THPT Quỳnh Lưu 2 cũng “động viên” phụ huynh lớp 10 và lớp 11 mua bảo hiểm thân thể cho học sinh với mức phí là 200.000 đồng/năm học. Nhưng nếu học sinh mua 3 năm thì sẽ được giảm còn 480.000 đồng. Các khoản thu này đều được thể hiện bằng văn bản, dù trước đó theo quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo việc thu xã hội hóa, vận động tài trợ không được thực hiện “cào bằng”, phải thực hiện đúng theo quy định. Bên cạnh đó, việc vận động phụ huynh mua bảo hiểm thân thể là trái với các văn bản hướng dẫn dù đó chỉ là “tự nguyện” hay động viên.

Liên quan đến việc thu chi đầu năm của nhà trường, ông Vũ Ngọc Tuấn - Hiệu trưởng Trường THPT Quỳnh Lưu 2 nói: “Đây là kế hoạch của nhà trường đã đề ra và chỉ mới dự kiến nhưng chưa thu vì phải chờ phê duyệt của Sở”. Tuy nhiên, qua thực tế, nhiều phụ huynh có con đang học ở trường cũng cho biết, thường sau buổi họp phụ huynh đầu năm học, nhiều phụ huynh đã đóng tiền cho con. Về phần bảo hiểm thân thể, nhiều phụ huynh cũng băn khoăn bởi hầu hết các trường nếu có thu chỉ 100.000 đồng/năm. Nhưng ở Trường THPT Quỳnh Lưu 2 mức thu là gấp đôi và liệu nhà trường đưa ra trong cuộc họp phụ huynh có phải là một cách “tự nguyện”, “động viên” nhưng lại trên tinh thần bắt buộc hoặc khuyến khích phụ huynh thực hiện.

Dãy nhà chức năng với tổng kinh phí xây dựng gần 2 tỷ đồng được Trường THPT Quỳnh Lưu 2 huy động xã hội hóa trong 3 năm. Ảnh: MH

Dãy nhà chức năng với tổng kinh phí xây dựng gần 2 tỷ đồng được Trường THPT Quỳnh Lưu 2 huy động xã hội hóa trong 3 năm. Ảnh: MH

Ông Trần Xuân Nhương - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quỳnh Lưu cho biết: Dù đã có rất nhiều văn bản hướng dẫn nhưng hàng năm vẫn có tình trạng một số trường học thu các khoản thu trái quy định. Do đó, năm nay chúng tôi quán triệt đến từng hiệu trưởng, từng giáo viên. Đặc biệt, huyện nghiêm cấm các trường tự ý thu các khoản thu xã hội hóa nếu chưa có sự đồng ý của phòng và của các đơn vị liên quan.

Tại huyện Yên Thành, Phòng Giáo dục và Đào tạo của huyện cũng mới yêu cầu một hiệu trưởng của một trường mầm non phải viết kiểm điểm và xử lý nghiêm tình trạng thu trái quy định, trả lại tiền cho phụ huynh nếu đã thu tiền sau khi nhiều phụ huynh phản ánh có tình trạng “lạm thu”. Trong số này, có tiền chi để làm vệ sinh trường lớp, vận động phụ huynh đóng góp tiền để mua đồ dùng dạy học và tiền mua sắm cây cảnh trang trí.

Ông Trần Xuân Tĩnh - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Thành cũng cho biết: Chúng tôi quán triệt đến từng nhà trường về vấn đề thu chi đầu năm và xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm để xảy ra dư luận xấu trong xã hội.

Nói thêm về vấn đề thu chi đầu năm học, ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Chúng tôi yêu cầu tất cả các Phòng Giáo dục và Đào tạo lập đường dây nóng và thông báo công khai đường dây nóng trên cổng thông tin điện tử để nhân dân phản ánh. Đặc biệt là xử lý nghiêm người đứng đầu các cơ sở giáo dục để xảy ra tình trạng thu trái quy định, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Nếu cơ sở giáo dục nào thu không đúng quy định thì phải trả lại và thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm trước pháp luật và các cơ quan quản lý. Sở cũng sẽ thành lập đoàn kiểm tra để kiểm tra công tác thu chi ở các nhà trường”.

Để hạn chế tình trạng lạm thu đầu năm học, từ cuối tháng 8 đến nay, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã ban hành 3 văn bản chi tiết, về hướng dẫn các khoản thu đầu năm học và chấn chỉnh tình trạng lạm thu. Gần đây nhất, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các cơ sở giáo dục trực thuộc, Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố Vinh chỉ đạo các cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền thực hiện công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục và công tác thu, chi tài chính.

Bên cạnh đó, phải cam kết không thu các khoản trái quy định, không tùy tiện đặt ra các khoản thu, các loại quỹ trái quy định trong trường học, tiết giảm chi phí hoạt động chưa cấp bách, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục. Sở cũng nghiêm cấm các cơ sở giáo dục lợi dụng Ban đại diện cha mẹ học sinh dưới hình thức "tự nguyện" thu từ cha mẹ học sinh để mua sắm máy móc, trang thiết bị, quà tặng nhà trường và thầy cô giáo.

Tin mới