Về Con Cuông, ấm nồng rượu men lá

(Baonghean.vn) - Cữ này, lên với đồng bào Thái ở huyện Con Cuông, chạm môi nhấp thử ly rượu men lá để cảm nhận được cái thơm nồng, ngọt hậu như hương vị núi rừng len trong những buổi Đông lạnh miền sơn cước…

ĐẬM VỊ NÚI RỪNG

Khâu làm men rất kỳ công. Mỗi viên men lá gồm 20-25 loại lá rừng khác nhau, mỗi loại là một vị thuốc quý trong dân gian đồng bào Thái Con Cuông. Ảnh: Thanh Phúc
Khâu làm men lá rất kỳ công. Ảnh: Thanh Phúc

Những ngày này, làng nghề nấu rượu men lá bản Xiềng, xã Đôn Phục (Con Cuông) tất bật vào vụ Tết. Thời điểm này, vào bất cứ nhà nào trong làng cũng bắt gặp cảnh người dân đang chẻ củi, đắp lò, đỏ lửa suốt ngày để chưng cất rượu phục vụ dịp Tết. Rượu men lá bản Xiềng được người tiêu dùng ưa chuộng bởi hương vị đặc trưng được tạo nên từ những viên men lá. 

Men nấu rượu được làm từ lá rừng là các vị thuốc Bắc với bột gạo. Mỗi mẻ men cần đến 20-30 loại cây, lá rừng khác nhau, là những loại lá thuốc có lợi cho sức khỏe. Những loại lá này phải vào rừng sâu, trèo đèo, lội suối để thu hái.

Bà Vi Thị Hồng, năm nay 60 tuổi, người chuyên nấu rượu men lá ở bản Xiềng cho biết: “Để hái được đủ các loại lá về làm men phải mất 3-4 ngày đi rừng. Trước đây, rừng còn nhiều, cây rừng phong phú, các loại lá cũng dễ tìm hơn. Giờ, muốn lấy được lá phải đi sâu, đi xa. Có những loại lá là thân dây leo, bám vào các cây cổ thụ, có những loại mọc chênh vênh bên vách núi nên chỉ có đàn ông mới thu hái được. Nay, do nhu cầu làm men nấu rượu tăng nên các hộ đã có ý thức khoanh nuôi, bảo vệ và đưa nhiều loại cây rừng về trồng trong vườn nhà để tiện thu hái”.

Để có gia vị làm men lá, người dân bản Xiềng phải trèo đèo, lội suối tìm các loại lá rừng. Ảnh: Thanh Phúc
Mỗi viên men lá gồm 20-25 loại lá rừng khác nhau, mỗi loại là một vị thuốc quý trong dân gian của đồng bào Thái Con Cuông. Ảnh: Thanh Phúc

Lá rừng rau khi thu hái về thì rửa sạch, băm nhỏ, có nắng thì ngày hong nắng, đêm phơi sương, còn những ngày mưa lại được hong khô bằng khói bếp. Sau khi phơi khô, lá thì giã mịn bằng cối đá xanh, dùng rây rây lại thật kỹ; thân cây thì nấu sắc lấy nước để ngâm gạo. Gạo làm men phải là thứ nếp nương thơm, gặt khi đủ độ chín, phơi khô sạch sẽ, xát lấy gạo, đem ngâm với nước lá cây rừng 1 ngày, vớt ra nghiền thành bột. Bột này đem trộn đều với nước lá và nặn thành những viên men. Phía ngoài phủ một lớp “bột áo” để men không bị bám dính, không bị nát. 

Mỗi mẻ cơm rượu được ủ 20-25 ngày rồi mới đem chưng cất thành rượu. Ảnh: Thanh Phúc
Mỗi mẻ cơm rượu được ủ 20-25 ngày rồi mới đem chưng cất thành rượu. Ảnh: Thanh Phúc

Men sau khi đã được nặn sẽ xếp ra một cái nong to có trải rơm khô bên dưới, xếp men xong tiếp tục phủ một lớp rơm lên trên, vào mùa Hè phủ thêm một lớp chăn mỏng, sau 1 ngày là ra men, còn vào mùa Đông thời tiết lạnh hơn cần phải ủ 2 ngày (phải tủ thêm rơm, phủ chăn bông lên trên) mới ra được men. Men sau khi ủ xong đem trải đều trên nong để chỗ thoáng mát cho khô dần hoặc đem ra phơi nắng ít nhất là 5 – 7 ngày mới dùng để nấu rượu.

Rượu được nấu bằng nước suối trong, củi đun phải là loại gỗ chắc, đượm lửa, đun đều tay. Ảnh: Thanh Phúc
Rượu được nấu bằng nước suối trong, củi đun phải là loại gỗ chắc, đượm lửa, đun đều tay. Ảnh: Thanh Phúc

Gạo nếp nương đồ thành xôi, xới tung ra nống, chờ nguội rồi giã men lá thật mịn rắc vào, ủ chừng 25-30 ngày thì đem chưng cất thành rượu. Nước nấu rượu là loại nước suối đầu nguồn trong và ngọt. Củi nấu rượu là loại củi chắc, khô đượm lửa. Khi nấu phải đun đều lửa, lửa nhỏ thì không đủ hơi nóng để ra rượu, lửa to dễ bị trào, sục chua, khê. Rượu men lá trở nên quý vì cách làm kỳ công từ khâu kiếm nguyên liệu, cách làm men và cách nấu. Trong đó, khâu làm men là công phu nhất, đòi hỏi độ kiên trì, chịu khó và kinh nghiệm, bí quyết riêng của mỗi gia đình. Mỗi viên men lá là vị thuốc quý, rất lành, tạo nên hương vị đặc trưng riêng của rượu bản Xiềng. 

XÂY DỰNG RƯỢU MEN LÁ THÀNH SẢN PHẨM OCOP

Ở bản Xiềng có 3 tổ nấu rượu với 41 hộ tham gia. Nghề nấu rượu đem lại thu nhập khấm khá cho người dân bản Xiềng. Ảnh: Thanh Phúc
Ở bản Xiềng có 3 tổ nấu rượu với 41 hộ tham gia. Nghề nấu rượu đem lại thu nhập khấm khá cho người dân bản Xiềng. Ảnh: Thanh Phúc

Nấu rượu men lá là nghề truyền thống bao đời nay của đồng bào Thái bản Xiềng. Rượu chủ yếu được các tư thương thu mua nhập cho các nhà hàng, các mối hàng quen ở thành phố Vinh và Hà Nội. Những năm gần đây, nghề  làm rượu men lá bản Xiềng phát triển mạnh, thị trường tiêu thụ được mở rộng. Đến nay, bản Xiềng có 41 hộ với 48 lao động tham gia làm nghề. Làng có 3 tổ nấu rượu tập trung tại 3 hộ gia đình, luôn có từ 30-40 lao động. Với công suất bình quân khoảng 200-300 lít rượu/ngày; mỗi tháng bình quân từ 6-7 nghìn lít đã mang lại thu nhập cho các hộ làng nghề là hơn 28 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân mỗi lao động là 18 triệu đồng/người/năm. 

Cuối tháng 10/2021, Hội đồng thẩm định công nhận làng nghề truyền thống của tỉnh đã thẩm định và công nhận làng nấu rượu men lá bản Xiềng đáp ứng đủ các tiêu chí cấp bằng công nhận làng nghề cấp tỉnh.

Trung bìn
Rượu được cất trữ trong chum sành, xử lý độc tố trước khi cung ứng ra thị trường. Ảnh: Thanh Phúc

Ông Lữ Ngọc Chi - Phó Chủ tịch UBND xã Đôn Phục cho biết: “Được công nhận làng nghề là niềm vinh dự của bà con, là cơ hội để bảo tồn, phát huy nghề truyền thống, phát triển kinh tế từ nghề. Để tạo dựng thương hiệu riêng cho rượu men lá bản Xiềng, chính quyền đã chỉ đạo, hướng dẫn bà con sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng chất lượng sản phẩm, đồng thời đầu tư vào việc cải tiến mẫu mã, cách đóng gói và hoàn thiện tem, nhãn mác, đăng ký bảo hộ sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá rượu men lá bản Xiềng trên các trang Facebook, Zalo và thành lập trang Website, hướng dẫn người dân tiếp cận bán hàng qua kênh online. Mặt khác, từng bước xây dựng rượu men lá bản Xiềng thành sản phẩm OCOP của địa phương”.

Rượu men lá bản Xiềng được khách hàng tìm đến tận nơi đặt mua. Ảnh: Thanh Phúc
Rượu men lá bản Xiềng được khách hàng tìm đến tận nơi đặt mua. Ảnh: Thanh Phúc

Điều đáng mừng, các hộ tham gia làng nghề rất có ý thức trong việc giữ thương hiệu, chất lượng sản phẩm. Bởi theo họ, nếu đánh mất đi hương vị đặc trưng, làm mất đi chất lượng là sẽ bị thị trường tẩy chay, là tự mình “đổ bỏ bát cơm của mình”.

Bà Vi Thị Hồng - Tổ trưởng Tổ nấu rượu men lá bản Xiềng cho biết: “Các hộ có quy định bất thành văn với nhau rằng, men ủ cơm rượu phải là men lá rừng thứ thiệt, cơm nấu rượu phải là nếp nương và quá trình ủ, nấu không sử dụng bất cứ hóa chất, phụ gia nào khác. Đồng thời, cũng nghiêm cấm việc pha trộn rượu của các nơi khác vào để bán ra thị trường”. Do đó, các hộ làm nghề, ngoài tự trọng của nghề, ngoài giữ gìn danh tiếng làng nghề truyền thống, thì cái họ hướng đến là đem thương hiệu rượu men lá bản Xiềng đi xa hơn, tiếp cận được thị trường lớn hơn… tạo sinh kế bền vững từ nghề.

Tin mới