Về hành động anh dũng và sự hy sinh của 3 chiến sĩ Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy

Chiều qua, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội xảy ra đám cháy tại 1 quán karaoke. Ngay lập tức, Đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an quận Cầu Giấy đã kịp thời triển khai các nghiệp vụ chữa cháy. Đám cháy được khống chế, 8 người được cứu sống, nhưng điều đáng buồn là 3 chiến sĩ cảnh sát đã hy sinh khi làm nhiệm vụ. Đây thực sự là mất mát to lớn với gia đình, đất nước và nhân dân.

Đứng trước sự hy sinh anh dũng đó, cộng đồng mạng đều bày tỏ sự tiếc thương sâu sắc. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đã gửi lời chia buồn sâu sắc tới lực lượng Công an nhân dân và gia đình 3 cán bộ, chiến sĩ trên.

Tuy nhiên, điều lạ lùng và buồn hơn nữa là một số tờ báo đã dùng 2 chữ “thiệt mạng” khi đăng tải tin bài, khiến cho câu văn trở nên vô tâm, khiếm nhã.

Vẫn biết rằng các phóng viên không cố ý cố tình khi viết như vậy, và sau đó những tờ báo nói trên đã chỉnh sửa lại tiêu đề, nhưng đây thực sự là một sự cẩu thả vô trách nhiệm, từ phóng viên đến ban biên tập cần phải rút ra bài học và chấn chỉnh kịp thời.

Thiệt mạng có nghĩa là chết một cách oan uổng, hư phí. Từ này có tính chất trung tính khi nói về cái chết. Nó không hàm chứa ý nghĩa mỉa mai như “toi mạng”, nhưng lại không biểu thị được cái chết mang ý nghĩa cao đẹp, và xứng đáng tôn vinh như từ “hy sinh”.

3 chiến sĩ PCCC bất chấp hiểm nguy, tinh thần sẵn sàng lăn xả, để cứu sống 8 sinh mạng con người, rõ ràng là sự hy sinh cao cả.

Từ “hy sinh” không trung tính như từ “thiệt mạng” mà nó thể hiện được ý nghĩa vì sự nghiệp chính nghĩa mà dâng hiến thân thể và sinh mệnh của bản thân để làm điều có lợi cho cộng đồng, xã hội.

Từ “hy sinh” vốn được cấu thành từ 2 chữ 犧 hy và 牲 sinh. Trong đó:

Hy: Danh từ chỉ con muông thuần sắc dùng để cúng tế.

Sinh: Danh từ chỉ con gia súc dùng để cúng tế.

Như vậy, với ý nghĩa gốc ban đầu, khi hy và sinh kết hợp với nhau, nó tạo thành nghĩa là: Con vật thuần sắc dùng để tế thần hoặc để minh thệ.

Sách Chu lễ, thiên Địa quan, chương Mục nhân có câu: 凡祭祀共其犧牲(周禮地官牧人) Phàm tế tự cộng kỳ hy sinh (Phàm là việc thờ cúng thì đều phải dùng hy sinh). Từ này được gắn với điển tích Vua Thành Thang (成湯; 1847 TCN – 1760 TCN) – người sáng lập triều Thương bên Tàu. Khi ông diệt nhà Hạ và lên làm vua, 5 năm liền đất nước đại hạn. Ông liền tự mình vào rừng dâu để cầu mưa. Ông cắt tóc, gọt móng tay, và lấy thân mình làm hy sinh tự phục trước miếu để cầu cúng. Người dân rất cảm kích việc đó. Sau đó trời mưa to rộng đến ngàn dặm.

Từ điển tích Vua Thành Thang tự làm hy sinh để cúng tế cầu mưa, sau này người ta dùng chữ hy sinh để chỉ người nào đó vì sự nghiệp chính nghĩa mà sẵn sàng xả thân để làm điều có lợi cho thiên hạ.

Đã là con người thì ai ai cũng ham sống mà không muốn chết. Đấy chính là 1 loại bản năng gọi là bản năng sinh tồn. Nó luôn tồn tại, và vượt lên tất cả những bản năng khác có sẵn trong mỗi bản thân chúng ta. Và khi bản thân đối diện với hiểm nguy hay cận kề cái chết, thì bản năng sinh tồn này trỗi dậy vô cùng mạnh mẽ và thôi thúc con người ta tìm mọi cách để tìm về vùng an toàn. Vậy nhưng đứng trước việc nghĩa và sự nguy hiểm của người khác, 3 chiến sĩ đã đặt bản năng sinh tồn của con người bình thường xuống thấp hơn bản năng được hy sinh vì đại nghĩa. Sự hy sinh của các anh xứng đáng được xã hội tôn vinh và ngàn đời ngưỡng vọng.

“Niệm hào kiệt vạn cổ anh phong,
Cầu anh hùng ngàn thu yên giấc”.

Bài: Vân Thắng
Ảnh minh họa: Tư liệu