Về Kim Liên, tháng Năm...

(Baonghean) - Tháng Năm, về Kim Liên (Nam Đàn) quê Bác trong ánh nắng chan hòa, ai cũng cảm nhận được sự trong lành của khí trời và cảnh vật. Mùa gặt đã xong, nghe dậy lên mùi rơm, rạ từ những cánh đồng. Nghe thoang thoảng đâu đây mùi hương tinh khôi tỏa ra từ những hồ sen đang kỳ nở rộ.
Trên khắp các ngả đường ngập tràn sắc cờ, biểu ngữ chào mừng kỷ niệm 129 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Lễ hội Làng Sen. Dòng người từ khắp mọi miền cùng về đây trong một niềm vui chung, niềm vui hội ngộ trên quê hương Bác Hồ muôn vàn kính yêu, vị cha già của dân tộc.  
Làng Sen Quê Bác đón du khách thập phương về thăm. Ảnh: P.V
Làng Sen Quê Bác đón du khách thập phương về thăm. Ảnh: P.V
Dòng người tấp nập về thăm quê Nội làng Sen, nơi còn lưu giữ nhiều dấu tích của tuổi thơ Bác Hồ và các thành viên trong gia đình. Các cán bộ thuyết minh phải làm việc hết “công suất” nhưng vẫn say sưa, nhiệt tình với nhiệm vụ giới thiệu về các hiện vật, gia đình và quê hương của Người. Trong dòng người đông đúc, không ít người lặng lẽ rút khăn thấm những giọt nước mắt. 
Ban quản lý khu Di tích Kim Liên cho biết, có hàng vạn du khách hành hương về quê Bác. Ảnh: Huy Thư
Ban quản lý khu Di tích Kim Liên cho biết, có hàng vạn du khách hành hương về quê Bác. Ảnh: Huy Thư
Có một người phụ nữ xấp xỉ tuổi 70, dáng người nhỏ nhắn, bàn tay bưng chiếc đĩa bày một quả dừa, quả xoài, măng cụt, vẻ mặt toát lên niềm thành kính. Người phụ nữ ấy có tên là Nguyễn Thị Thu, nhà ở tận Bến Tre – quê hương của phong trào “Đồng khởi” một thời. Khi hỏi chuyện, bà Thu vui vẻ đáp với một âm điệu mộc mạc, chân chất của vùng miền Tây Nam Bộ: “Hồi tôi còn nhỏ, đất nước còn chiến tranh, ở quê trong đó ai cũng cất dành các loại quả ngon nhất chờ Bác vào thăm để đem tặng. Nhưng rồi ước nguyện không thành, Bác ra đi khi hai miền chưa thống nhất... Nay tôi thay mặt bà con chòm xóm ra đây dâng lên Bác hương vị quê nhà và cả tấm lòng thành kính, biết ơn...”. 
Du khách chăm chú lắng nghe giới thiệu về tuổi thơ, gia đình và quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh.  Ảnh: C.K
Nhiều du khách xúc động khi nghe thuyết minh kể về quãng đời thơi ấu của Người. Ảnh: C.K
Trong khuôn viên di tích gia đình cụ Nguyễn Sinh Sắc, ông Trần Xuân Thành – một cựu chiến binh đến từ tỉnh Hưng Yên ngắm nhìn không thôi các hiện vật trong ngôi nhà tranh bình dị. Đôi mắt rưng rưng xúc động, bước chân bồi hồi, ông Thành bộc bạch: “Về quê Bác, tôi thực sự thấy rất đỗi gần gũi và thân quen, ngỡ như quê mình vậy. Dù thơ văn, sách báo và ti vi đã nói rất nhiều về cảnh vật nơi đây, về vườn rau, hàng rào dâm bụt, mái nhà tranh đơn sơ... nhưng khi đặt chân lên mảnh đất này, lòng không khỏi bâng khuâng, có lúc không kìm nén được niềm xúc động…”. 
Ảnh Hồ Phương
Du khách chăm chú lắng nghe giới thiệu về tuổi thơ, gia đình và quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Hồ Phương
Ở quê Ngoại Hoàng Trù, có một đoàn khách tham quan đến từ quê lúa Thái Bình, mọi người đều chăm chú lắng nghe lời giới thiệu của cán bộ thuyết minh. Đến đoạn nói về khung cửi bà Hoàng Thị Loan thường ngồi dệt và chiếc võng đay giản dị trong ngôi nhà tranh, một du khách xúc động chia sẻ: “Phải chăng tuổi thơ nghèo và cuộc sống giản dị đã làm nên một Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hướng đến những người nghèo, luôn nhớ đến đồng bào nơi vùng sâu, vùng xa… còn nhiều khó khăn...”. 
Về quê Kim Liên, tham quan quê Nội và quê Ngoại của Người, nhiều người dành thời gian ghé thăm di tích núi Chung – ngọn núi gắn với những năm tháng tuổi thơ của Bác. Nơi đây thuở ấu thơ Người từng vui đùa và chơi trò đánh trận giả cùng với những người bạn đồng trang lứa. Dịp này, nhiều du khách cũng đã có hành trình lên dãy Đại Huệ - nơi bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu của Bác Hồ yên nghỉ để dâng một nén hương lòng. 
Chị Bùi Thị Đảm – cán bộ Phòng Tuyên truyền – giáo dục Khu Di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên chia sẻ: “Những ngày này, lượng khách về tham quan rất đông, phần lớn các đoàn đều đăng ký phục vụ và thuyết minh nên công việc rất bận rộn. Dù vậy, ai cũng cảm thấy vui vẻ, phấn khởi vì được khách quan tâm lắng nghe và chia sẻ niềm xúc động”.  
Xã Kim Liên (Nam Đàn) - quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: GooleMap
Xã Kim Liên (Nam Đàn) - quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: GooleMap
Về quê Bác để được biết thêm về những năm tháng tuổi thơ, gia đình và quê hương của Người, dịp này du khách còn được tham dự Lễ hội Làng Sen, để được nghe những khúc ca về Người. Cùng với các hoạt động thi đấu thể thao, trưng bày tranh, ảnh và chiếu phim, có thể nói điểm nhấn của Lễ hội Làng Sen chính là chương trình Liên hoan “Tiếng hát Làng Sen” của các đội văn nghệ quần chúng đến từ các huyện.
Các diễn viên quần chúng là những người hàng ngày gắn bó với ruộng đồng, với cây lúa, cây ngô và luống khoai. Hôm nay đến đây bằng sự nhiệt tình, niềm đam mê và lòng tự hào đã cất vang những khúc ca về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về sự đổi thay của quê hương, đất nước và thể hiện niềm tin hướng tới ngày mai. Họ đến đây để dâng lên Bác những lời ca, tiếng hát mộc mạc nhưng thắm đượm nghĩa tình.
Các hiện vật nhuốm màu thời gian đã đem đến cho du khách những cảm nhận sâu sắc về quê hương, gia đình và Bác kính yêu. Ảnh: Huy Thư
Các hiện vật nhuốm màu thời gian đã đem đến cho du khách những cảm nhận sâu sắc về quê hương, gia đình và Bác kính yêu. Ảnh: Huy Thư

“Ngoài việc tập trung phục vụ các hoạt động kỷ niệm 129 năm Ngày sinh nhật Bác, Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Liên còn tổ chức triển lãm tranh, ảnh về quê hương, cuộc đời và thân thế của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt, chúng tôi sẽ triển khai đưa di tích “Ao cá Bác Hồ” trong khuôn viên di tích vào phục vụ khách tham quan”. 

Ông Nguyễn Bảo Tuấn – Giám đốc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Liên

 Một đoàn du khách Pháp lần đầu tiên về với quê Bác. Ảnh: Huy Thư
Một đoàn du khách Pháp lần đầu tiên về với quê Bác. Ảnh: Huy Thư
Tháng Năm, dòng người vẫn tiếp tục hành hương về quê Bác. Về đây để có dịp tham dự Lễ hội Làng Sen, để dâng lên Người câu hát, lời ca và cả niềm kính yêu...
“Bên cạnh phối hợp và tham gia các hoạt động Lễ hội Làng Sen do tỉnh tổ chức, huyện Nam Đàn còn tổ chức nhiều hoạt động chào mừng kỷ niệm 129 năm Ngày sinh nhật Bác. Trước hết là Liên hoan Tiếng hát Làng Sen, thu hút 24 đơn vị trên toàn huyện tham gia. Cùng với đó là các hoạt động văn hóa – văn nghệ và thể thao như hội trại, giao lưu bóng chuyền, trò chơi dân gian và chiếu phim tại địa bàn 2 xã Nam Kim, Xuân Lâm. Dịp này, Đoàn Thanh niên xã Kim Liên sẽ tổ chức Hội thi thả diều, góp phần điểm tô cho nét bình yên trên quê hương Bác” - Ông Nguyễn Thiện Dũng – Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Nam Đàn. 

Tin mới