Về Nghệ An thưởng thức 'lộc trời'

(Baonghean.vn) - Nếu có dịp về Nghệ An, đặc biệt là miệt biển Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai... trong khoảng thời gian từ tháng Giêng đến tháng Năm âm lịch, bạn sẽ được thưởng thức một món rau góp phần làm nên “thương hiệu” của vùng đất này. Đó là rau nhót - "lộc trời" dành riêng cho người dân miền chân sóng.
Theo mẹ ra đồng rau Nhót ven đê. Ảnh: Nhật Thanh
Theo mẹ ra đồng rau nhót ven đê là hình ảnh quen thuộc với nhiều đứa trẻ ở một số vùng quê Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai... Ảnh: Nhật Thanh
Rau nhót là loại rau dại thường có thân màu tím, lá giống hoa mười giờ, mọc ven các cánh đồng muối, ven các đầm nuôi tôm cá nước lợ hoặc ven sông. Loại rau này có từ bao giờ cũng chẳng ai rõ. Chỉ biết rằng, khi lớn lên, chúng tôi đã thấy nó hiện diện tự thuở nào. Không ai trồng, ai chăm mà rau cứ mọc tốt tươi, thế nên nhân dân vùng đất địa đầu xứ Nghệ đều nghĩ đó là “lộc trời cho”. Phải chăng là đó là một sự bù đắp của thiên nhiên đối với vùng đất lắm mưa nhiều nắng này?
Rau nhót mọc thành từng khóm, phải cúi người nhẫn nại suốt nhiều giờ đồng hồ mới
Rau nhót mọc thành từng khóm, phải cúi người nhẫn nại suốt cả giờ đồng hồ mới hái được đầy rổ rau mang về. Ảnh: Nhật Thanh
Có lẽ trong kí ức của nhiều người vùng đất Quỳnh Lưu, Hoàng Mai, rau nhót gắn liền với một thời kì xa khó. Những tháng ngày cuộc sống còn khó khăn, rất nhiều người đã đi hái rau nhót, mà đông nhất là phụ nữ và trẻ em. Một buổi đi học, thời gian còn lại có nhiều đưa trẻ đã gom lại niềm vui thơ trẻ mà ra những cánh đồng muối để hái rau vừa để ăn, vừa để bán.
Nhờ những rổ rau nhót được bán đi, gom góp suốt mùa mới có thể đủ tiền mua sách đi học hoặc một chút đồ dùng vì rau nhót thường rẻ. Với những gia đình thực sự khó khăn, bữa cơm có đĩa nộm rau nhót trộn chút lạc có thể làm cho những đứa trẻ thấy “đủ” hơn, có thể cùng nhau đi qua những ngày khó, để có thể tiếp tục giấc mơ được đến trường trong những ngày tháng ấy. 
Rau nhót có thể thu hoạch quanh năm, nhưng tốt nhất vào giữa xuân, đầu hè. Ảnh: Nhật Thanh
Rau nhót có thể thu hoạch quanh năm, nhưng tốt nhất vào giữa xuân, đầu hè. Ảnh: Nhật Thanh
Sự đặc biệt của rau nhót không chỉ ở đặc điểm tự nhiên mà còn ở cách chế biến. Hầu như người ta không nấu canh, không xào mà chủ yếu dùng làm nộm. Mà cách làm nộm cũng thật lạ lùng. Rau làm sạch sẽ, phải luộc qua ít nhất 2 - 3 lần để rau chín và bớt mặn. Khi trộn nộm thì phải vắt bớt cho ráo nước, trộn cùng chút rau thơm, lá chanh, đường, ớt và chút lạc rang. Có hai điều cần chú ý là phải luộc rau và không được thêm muối.

Khi thưởng thức, có thể ăn kèm bánh đa, bánh mướt, bún hoặc đơn giản nó là một món sạch lành trong bữa cơm gia đình. Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận thấy cái giòn giòn của rau nhót, vị thơm của các loại rau thơm, vị bùi bùi của lạc và chua chua cay cay không thể thiếu của món nộm chuẩn vị. Tất cả hòa quyện tạo nên sự đậm đà của món nộm đậm chất Nghệ này. Có lẽ sự đậm đà không chỉ bởi sự mặn mòi của nắng gió đọng lại trong từng cọng rau. Mà sự đậm đà đó còn gắn liến với sự nhọc nhằn của người dân nơi đây, gắn liền với kí ức vừa êm đềm vừa dữ dội của bao người sống ven những đồng muối. 

Đĩa nộm rau nhót xanh ngắt cho bữa ăn gia đình thêm hương vị thơm ngon. Ảnh: Nhật Thanh
Đĩa nộm rau nhót xanh ngắt cho bữa ăn gia đình thêm hương vị thơm ngon. Ảnh: Nhật Thanh
Bây giờ mọi người ăn rau nhót với nhiều tâm thế khác nhau. Với người dân vùng đất địa đầu xứ Nghệ, đĩa rau nhót trong những ngày hè sẽ làm cho bữa cơm hài hòa hơn giữa những món ăn đầy chất đạm. Không chỉ thế, nó còn xuất hiện trong những bàn tiệc. Điều đó làm cho thân phận của loài “rau dại” đã bớt tủi, bớt hờn.
Với những người từng gắn với những cánh đồng muối, những đầm tôm đầm cá thì ăn rau nhót là một cách tìm về với kí ức tuổi thơ. Một tuổi thơ với những ngày hè bỏng rát, với những tiếng thở dài của mẹ khi bữa cơm của cả nhà chẳng có gì ngoài vài con cá nhỏ, đĩa rau và có lúc là tiếng cười vỡ òa khi cuối ngày hái được một rổ rau nhót đầy. Còn với người dân phố thị, ăn rau nhót như là đang thưởng thức một thứ quà quê vừa sạch vừa đậm tình đậm nghĩa. 
Rau nhót có màu xanh tự nhiên, mềm, vị hơi mặn. Khi luộc xong, vắt nước và chế biến như các loại nộm... Ảnh: Nhật Thanh
Rau nhót ngày nay dường như đã chẳng phải là thực phẩm của một thời nghèo khó, mà đã "vươn" lên thành đặc sản trong bữa ăn thành thị. Ảnh: Nhật Thanh
Giữa tiết trời cuối xuân đầu hạ, rau nhót sẽ phát triển nhanh hơn. Ven những cánh đồng muối, ven những bãi sông, chúng tôi thấy hình ảnh những người phụ nữ cứ nhẫn nại hái từng cọng rau. Rồi những rổ rau ấy sẽ được bán, dù giá trị kinh tế không quá cao nhưng hẳn rằng, cứ chắt chiu, bòn nhặt sẽ giúp những bữa cơm thêm ngon, sẽ làm cho thứ “lộc trời” ấy đến được đến với nhiều người ở khắp dọc dài đất nước!

Tin mới