Về nơi cán bộ phải là 'vận động viên nhiều môn phối hợp'

(Baonghean)- 'Phải biết chèo thuyền, leo núi, vượt sông, phi xe máy trên vách đá cheo leo, chặt cây rừng, dựng lán... như vận động viên nhiều môn phối hợp mới trụ được ở đây' - anh Lô Văn Chiến - Chủ tịch xã Hữu Khuông (huyện Tương Dương, Nghệ An) chia sẻ.

Đến thời điểm hiện nay, Hữu Khuông (Tương Dương) là xã duy nhất trong tỉnh chưa có đường ô tô về trung tâm. Nằm giữa lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, Hữu Khuông trở thành một “ốc đảo”, tách biệt với các xã trong vùng. Đời sống của đồng bào Thái, Mông và Khơ mú ở đây còn nhiều khó khăn, điều kiện công tác của cán bộ cũng không ít gian nan, vất vả.

Cách đây chưa lâu, tôi có dịp lên Hữu Khuông, thời điểm ấy xã triển khai chiến dịch mở đường giao thông về bản Huồi Pủng – bản nằm cách xa trung tâm 7km. Gần như toàn bộ lực lượng cán bộ xã đều được huy động cho chiến dịch. Tôi cùng lên con thuyền nhỏ chở lương thực, thực phẩm và các loại nhu yếu phẩm nhằm hướng dãy núi phía xa.

1.	Cán bộ xã Hữu Khuông (Tương Dương) trên đường vào bản công tác
Cán bộ xã Hữu Khuông (Tương Dương) trên đường vào bản công tác. Ảnh: Công Kiên

Hơn 30 phút, con thuyền cập bờ, mọi người cùng xuống thuyền và khiêng vác đồ đạc lên rừng hạ trại. Đường đi là một lối mòn nhỏ bên mép suối, vừa lởm chởm, gập ghềnh; vừa quanh co, khúc khuỷu; vừa dốc và trơn. Mỗi người được phân công mang vác một thứ, riêng tôi được ưu tiên chỉ mang túi đồ nghề của mình.

Trời nắng gắt, đi được chừng nửa cây số, tôi đã phải thở bằng miệng, đi thêm đoạn nữa thở cả bằng ai. Đành phải nói mọi người cứ đi trước cho kịp thời gian dự kiến, còn tôi sẽ bám theo dấu chân mới, vừa đi vừa nghỉ. Chủ tịch Lô Văn Chiến không yên tâm, anh đi chậm lại, chặt một cây nhỏ cho tôi làm gậy chống cho đỡ mệt và mang giúp túi đồ nghề.

Đến nơi, mọi người đã chặt cây rừng dựng lán chỉ huy công trường. Nhìn cảnh những cán bộ xã tay cầm dao thoăn thoắt đốn cây, chẻ nứa và buộc lạt chắc hẳn không ít người nghĩ rằng họ là những nông dân chính hiệu. Dựng xong lán, mỗi người được phân công về từng bản đôn đốc và cùng bà con mở đường.

2.	Cán bộ huyện Tương Dương và xã Hữu Khuông kiểm tra việc mở đường về bản Huồi Pủng
Cán bộ huyện Tương Dương và xã Hữu Khuông kiểm tra việc mở đường về bản Huồi Pủng. Ảnh: Công Kiên

Nắng chang chang, từ trên cao nhìn xuống, từng tốp người hối hả mở đường. Có mặt ở đoạn đường do bản Tủng Hốc đảm nhiệm, cùng với bà con dân bản, chị Pịt Thị Thỏa – Phó Chủ tịch UBND xã vừa đo đạc, vừa cầm xuổng bạt đường, hiệu suất làm việc không hề thua kém bà con. Chị trò chuyện: “Là người địa phương, sinh ra và lớn lên ở đây nên em việc này quen lắm, cuối tuần về nhà vẫn làm như thường”.

Đêm đốt lửa quanh lán, vừa để có ánh sáng cho các sinh hoạt, vừa xua muỗi và thú rừng. Rừng đêm vắng lặng, có thể nghe rõ tiếng giọt nước rỉ qua kẽ đá, tiếng muỗi vo ve như giàn đồng ca và cả tiếng con chim lẻ loi tìm bạn ở bên kia vách núi. Càng khuya trời càng lạnh, tôi mở điện thoại, không một vạch sóng, nằm bên anh Chiến bắt đầu chuyện trò.

Anh Chiến quê ở xã Tam Thái, đã 12 năm gắn bó với Hữu Khuông, từ cán bộ địa chính đến Phó Bí thư, rồi Bí thư Đảng ủy, khóa này chuyển sàng làm Chủ tịch UBND xã. Đến ngày cuối tuần phải đi thuyền máy, rồi đi xe lai về nhà. Cũng có khi bận rộn, cả tháng mới về nhà được một vài ngày khiến con trẻ giận dỗi.

3.	Đồng chí Phạm Trọng Hoàng – Bi thư Huyện ủy Tương Dương tặng quà cán bộ và nhân dân xã Hữu Khuông nhân chiến dịch mở đường về Huồi Pủng
Ông Phạm Trọng Hoàng – Bi thư Huyện ủy Tương Dương tặng quà cán bộ và nhân dân xã Hữu Khuông nhân chiến dịch mở đường về Huồi Pủng. Ảnh: Công Kiên

Mà cán bộ Hữu Khuông, dù là người ở nơi khác hay ở địa phương hầu hết đều phải nghỉ lại ở khu tập thể. Bởi lẽ, trừ những người ở Con Phen (bản trung tâm), còn ở các bản khác đều phải đi thuyền cả tiếng đồng hồ hoặc đi bộ ít nhất nửa ngày nên đi về trong ngày là điều không thể. Cái này, gần như chỉ có ở Hữu Khuông...

Chừng ấy thời gian, anh Chiến đúc rút rằng, muốn “trụ” được ở đất Hữu Khuông phải biết lái thuyền và đi bộ cả ngày trời, chạy được xe máy trên dốc cheo leo và uống rượu không biết say. Những yêu cầu gắt gao ấy ai cũng phải tuân theo, và hầu hết cán bộ ở Hữu Khuông, cả nam và nữ đều đáp ứng được, nhưng phải qua quá trình “rèn luyện” lâu dài và vất vả.

Có lần, anh chiến lên bản Chà Lâng, bản xa nhất, nơi có khoảng 40 hộ người Mông cư trú để kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử. Người Mông vốn hiếu khách, lại quý cán bộ nên gia đình nào cũng chuẩn bị cơm, thịt gà và rượu để thết đãi. Ăn cơm tối tại nhà trưởng bản, nhà bên cạnh mời sang, rồi nhà bên cạnh nữa, cứ thế cả bản đến mời.

Nếu không nhận lời bà con sẽ “không ưng cái bụng”, buộc lòng phải đi hết từng nhà, đến chỉ uống một vài ly rượu, không còn đủ sức để ăn. Sáng hôm sau, khi trời chưa bình minh đã có người tìm đến, lại cạnh giường gọi: “Cán bộ ơi, dậy sang nhà ta ăn sáng!”.

Con đường từ trung tâm xã Hữu Khuông về bản Huồi Pủng dài hơn 7km đã được mở. Ảnh: Công Kiên
Con đường từ trung tâm xã Hữu Khuông về bản Huồi Pủng dài hơn 7km đã được mở. Ảnh: Công Kiên

Anh Lô Văn Bốn – công an viên kiêm bưu tá xã cũng còn thức và góp vào câu chuyện về những gian nan, vất vả của những cán bộ, công chức nơi đây. Đó là lần đưa báo và công văn vào bản Tủng Hốc, giữa đường gặp cơn lốc lớn, gió thốc ào ào, cây cối đổ ngổn ngang, mưa đá “lia” vào mặt. Sinh ra ở miệt rừng, và không phải lần đầu gặp tình huống này nên anh kịp thời lấy lại được bình tĩnh.

Trước tiên là buộc chặt gói báo, công văn, giấy tờ vào túi ni lông rồi cho vào trong một hốc cây lớn, đề phòng khả năng bị gió cuốn hoặc nước đẩy trôi. Xong, anh tìm một gốc cây vừa tầm ôm, đứng sát bên cạnh để không bị gió quật ngã. Chừng 10 phút sau, cơn lốc tan, anh lại chỗ hốc cây mở gói báo, công văn và thực sự vui mừng vì nó nguyên vẹn, không bị thấm nước.

Xã Hữu Khuông có 35 cán bộ, trong đó 10 người ở địa phương, còn lại đều đến từ các xã khác. Và chỉ có 5 người ở bản Con Phen về nhà được trong ngày, 30 người còn lại phải ở khu tập thể, đầu tuần đi, cuối tuần về. Mỗi lần lên đều mang theo gạo và các loại thực phẩm dự trữ, lâu ngày không về được buộc phải nhờ những người lái thuyền ra mua giúp...

Vì thế, còn bao câu chuyện, bao kỷ niệm về những gian khổ, khó nhọc của những người đang công tác ở “ốc đảo” Hữu Khuông, xin được kể vào một dịp khác. Hôm sau, khi lấy đủ tư liệu và hình ảnh, tôi rời lán chỉ huy để về xuôi, mọi người tiếp tục với chiến dịch...

Công Kiên

TIN LIÊN QUAN

Tin mới