Về nơi thờ Quốc Mẫu Âu Cơ nghe tích cổ

(Baonghean.vn) - Nằm cạnh đô thị biển Cửa Lò, những ngày này, xã Nghi Khánh (Nghi Lộc) đang chuyển mình vào mùa du lịch. Vùng quê này bắt đầu mang dáng dấp của đô thị nhưng vẫn lưu giữ được những nét của làng quê cổ truyền, là nơi chứa đựng nhiều dấu tích lịch sử, nơi có đền thờ Mẫu Âu Cơ.

Về làng cổ Long Đông

Long Đông là một làng thuần nông của xã Nghi Khánh (Nghi Lộc), có lích sử hàng trăm năm, cây đa cổ thụ đầu làng là một “nhân chứng”. Các bậc cao niên của làng cho biết, cây đa có từ lâu đời, thời còn bé đã thấy cây đa đứng sừng sững đầu làng. Cây đa được trồng từ thuở lập làng, qua hàng trăm năm đã chứng kiến bao thăng trầm của cuộc sống.

Cách đó không xa, có một cái giếng lớn nằm sát bên đường làng. Thành giếng được ghép bởi những phiến đá lớn, được cắt phẳng, vuông thành sắc cạnh, qua hàng trăn năm đã đẫm màu rêu, phía dưới được ghép bằng những viên đá lấy về từ ngoài biển. Cũng như cây đa và đền Tổ Ác, giếng làng Long Đông đã có từ lâu đời, từng là nơi sinh hoạt của cộng đồng, cung cấp nguồn nước sạch cho làng.

Dưới tán cây đa có một mô đất được kè bằng đá, là vết tích của đền Tổ Ác, nơi thờ Tổ Ác Đại vương. Tương truyền, xưa có một học trò nghèo, luôn quyết tâm dùi mài kinh sử. Một hôm, đang leo lên cây đa bắt tổ quạ, không may đúng lúc gió mạnh, chàng bị rơi xuống rồi chết. Lập tức, mối đùn thành mộ, dân làng thấy thiêng nên lập đền thờ, đặt tên là đền Tổ Ác (tổ quạ) để ghi nhớ câu chuyện của người học trò nghèo.

Thành giếng cổ được ghép bằng những phiến đá lớn và được cắt phẳng. Phía dưới được ghép nằng những hòn đá lấy từ biển.
Thành giếng cổ được ghép bằng những phiến đá lớn và được cắt phẳng. Phía dưới được ghép nằng những hòn đá lấy từ biển.

Theo các nguồn tư liệu lịch sử, vùng đất Nghi Khánh xưa kia là biển, qua hàng nghìn năm với mấy lần biển tiến, biển lùi, tạo nên những hòn núi, bãi bồi và cồn cát xen lẫn đầm lầy và lạch nước. Người khắp nơi tìm đến đây khai phá, gia phả các dòng họ cư trú lâu đời đều ghi rõ đầu thế kỷ XIV, vùng đất này còn khá hoang sơ, cư dân còn thưa thớt, về sau các dòng họ về đây quần tụ.

Thăm đền thờ Mẫu Âu Cơ

Từ Long Đông, chúng tôi xuôi về làng Khánh Đền, nơi có đền Cửa thờ Mẫu Âu Cơ, được UBND tỉnh công nhận Di tích lịch sử - văn hóa. Không gian toát lên vẻ thanh bình và tĩnh lặng, xung quanh là làng mạc trù phú và nương ngô, ruộng lúa xanh mướt một màu. Đền Cửa là “điểm nhấn” về nét đẹp cổ kính, linh thiêng của làng Khánh Đền.

Nét trầm mặc và linh thiêng của đền Cửa- nơi thờ Mẫu Âu Cơ.
Nét trầm mặc và linh thiêng của đền Cửa - nơi thờ Mẫu Âu Cơ.

Đền tọa lạc ở một vị trí đẹp, hướng về phía Đông Nam, gồm 3 tòa: thượng, trung và hạ điện. Từ bao đời nay, người dân quan điệm đền Cửa là nơi chung đúc khí thiêng sông núi, là nơi hội tụ vận khí của một vùng. Thế nên, trong đền còn lưu giữ câu đối: “Thánh cung vạn tuế tinh thần tại/ Thượng Xá ức niên tú khí tồn” (Cung thờ thánh thần tồn tại mãi mãi/ Tú khí Thượng Xá hun đúc muôn đời).

Phả đền ghi rõ vào thời Trần, triều đình cử Thượng tướng Trần Quang Khải vào miền biên viễn xứ Nghệ lập căn cứ để chặn đường tiến quân bằng đường thủy của quân xâm lược Nguyên – Mông. Khi thuyền cập bến Cửa, thấy cảnh núi non, biển trời hùng vỹ, là vị tướng có tâm hồn nghệ sỹ, lại có con mắt chiến lược, Trần Quang Khải liền truyền lệnh lập doanh trại.

Hát ví giặm mời bạn trong Lễ hội Đền Cửa. Ảnh: Thành Chung
Hát ví giặm mời bạn trong Lễ hội Đền Cửa năm 2015. Ảnh: Thành Chung

Với quyết tâm đánh đuổi giặc xâm lăng, quân sỹ nhà Trần ngày đêm luyện võ, thanh thế vang khắp các vùng. Để binh lính vững lòng nơi vùng biên ải xa xôi, Trần Quang Khải đã cho dựng ngôi đền thờ quốc mẫu Âu Cơ ở bến Cửa, như là một “điểm tựa” tinh thần, đồng thời nhắc nhở, khích lệ mọi người về dòng dõi Lạc Hồng, về truyền thống dựng nước và giữ nước.

Trần Quan Khải đánh thắng quân Nguyên - Mông tiến vào nước ta bằng đường thủy, góp phần làm nên thắng lợi vang dội của triều đình nhà Trần, khẳng định sức mạnh, tinh thần và trí tuệ của đất nước Đại Việt. Sau này, các dòng họ tìm về đây khai hoang, lập làng, bà con tiếp tục tu bổ và chăm sóc đền Cửa để Quốc Mẫu Âu Cơ chở, che và phù hộ cuộc sống yên lành.

Hội thi kéo co gợi nhắc hào khí của vua tôi nhà Trần chống giặc Nguyên - Mông. Ảnh: Thành Chung
Hội thi kéo co gợi nhắc hào khí của vua tôi nhà Trần chống giặc Nguyên - Mông. Ảnh: TC

Về sau, người dân Nghi Khánh còn phối thờ thần Cao Sơn Cao Các; Tam Tòa Thánh Mẫu; Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải; tướng quân Ninh Vệ; Quận công Nguyễn Cảnh Quế và nho sư Phùng Thời Tá. Trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, đền Cửa là nơi trú chân của 2 chiến sỹ cách mạng, 2 người con ưu tú của quê hương là Nguyễn Duy Trinh và Hoàng Văn Tâm.

Nằm trên địa bàn xã Nghi Khánh, đền Cửa cách Thị xã Cửa Lò không xa, chung quanh có nhiều di tích lịch sử nổi tiếng như đền Nguyễn Xí, đền Nguyễn Sư Hồi, rất thuận tiện cho du khách tìm về chiêm ngưỡng, hiểu thêm lịch sử của một vùng quê.

Công Kiên

TIN LIÊN QUAN

Tin mới