Vẹn nguyên ký ức

Tôi là một trong những người đầu tiên được về làm báo Nghệ An khi báo mới ra đời (năm 1961). Khi ấy, tôi vừa học xong Trường Cao đẳng Sư phạm. Và có thể nói, trọn vẹn đời thanh niên sôi nổi của mình, tôi đã gắn bó với mái nhà thiết thân ấy.

Tôi đã bắt đầu cuộc đời viết báo với…ca dao và thơ châm. Một cậu sinh viên lơ ngơ, chưa biết đến viết báo, mới chỉ biết làm những bài vè (ca dao tuyên truyền) với những tác phẩm đầu tiên bằng hộp diêm để lấp chỗ trống trên báo. Sau này báo ra mục “To nhỏ bảo nhau” thì tôi được phân công phụ trách.

Đội ngũ Báo Nghệ An những thời kỳ đầu
Đội ngũ Báo Nghệ An những thời kỳ đầu

Cũng như bao nhiêu bạn trẻ khác, trái tim hăm hở viễn tưởng của tôi nghĩ viết báo cũng đơn giản là việc…sáng tác. Nhưng rồi, tôi đã vỡ lẽ ra rất nhiều điều sau khi được tỉnh điều “đi cơ sở” để “rèn phóng viên mới”. Tôi khăn gói lên đường đi trải nghiệm thực tế 3 tháng ở HTX Ba Tơ tại Hưng Tây, Hưng Nguyên (lừng danh với tên tuổi của Anh hùng Cao Lục). Dù là con nhà nông, nhưng quê tôi vốn không có đất sản xuất nông nghiệp, 3 tháng tại đây ăn, ở cùng bà con xã viên, tôi biết cấy giăng dây thẳng hàng, biết nuôi bèo hoa dâu…và cũng biết tranh luận rất nhiều vấn đề về nông nghiệp. Ấy vậy mà khi viết bài, tôi vẫn còn có lỗi sai, chưa phân biệt được đa canh với quảng canh. Tôi nhớ khi đọc bài viết này, Bí thư Tỉnh ủy khi đó là đồng chí Võ Thúc Đồng đã gạch chân những lỗi sai dù nhỏ nhặt mà ngớ ngẩn ấy của tôi.

Vẫn chưa hết, sau 3 tháng tôi chắc mẩm mình thế là “đủ trưởng thành”, ai dè, tỉnh lại tiếp tục điều tôi đi tham gia cải tiến quản lý hợp tác xã ở Quỳnh Lưu. Tôi được phân về xã Quỳnh Ngọc, cùng với BCH Đảng ủy xã chỉ đạo, vận động di dân. Tôi vẫn nhớ mãi những tháng ngày ấy, còn gì vất vả hơn việc vận động người khác nghe, thấu hiểu. Chủ trương di dân, giãn dân là đúng đắn, nhưng rồi nơi chôn rau cắt rốn, nơi gắn bó với mình bao nhiêu kỷ niệm, bao nước mắt, mồ hôi…đâu có phải dễ mà rời xa. Tôi còn nhớ những giọt nước mắt của bà con, những người chấp nhận dỡ nhà mình để đi về nơi khác. Bản thân tôi, trong chuyến ấy cũng vác hộ cột nhà một người dân mà trong lòng trĩu nặng nỗi niềm. Bây giờ, vùng đất mà chúng tôi vận động người dân dời đến là vùng Ngọc Sơn hiện tại. Thấy bà con làm ăn khấm khá, có nhiều thay đổi mà lòng tôi vui khôn xiết.

Và với tôi, đáng nhớ nhất trong đời làm báo là những năm chiến trang chống Mỹ. Chúng tôi đã viết trong mưa bom, bão đạn. Những trang viết còn nguyên mùi khói súng. Nhớ lần giặc ném bom Sân bay Cát Mộng (Nghĩa Đàn), tôi được phân công lên đó đưa tin, viết bài. Giặc ném bom buổi chiều, thì tối đó tôi nhờ xe quân sự của tỉnh lên đường. Quãng đường vào sân bay tối đó, chúng tôi phải đi qua những đoạn rừng già thâm u. Đột nhiên trên con đường nhỏ gập ghềnh trước ánh đèn xe hiện ra một quả bom cắm ngay giữa đường. Tiến thoái lưỡng nan, không thể có con đường nào khác để quay ra, nếu bạt rừng để làm một con đường mới cạnh đó cũng không khả thi, sợ sẽ kích động đến quả bom. Quyết định cuối cùng được đưa ra: Vẫn đi, và xe lách để chui qua cánh bom. May mắn thay, chúng tôi đã thoát khỏi an toàn.

Kỷ niệm về trận đầu đánh Mỹ ngày 5/8/1964, giữa khói bom nghi ngút, cả tòa soạn báo chia làm nhiều mũi để viết bài, kịp ra một bài tường thuật. Chúng tôi, mỗi người đến với một địa điểm. Tôi từ cơ quan đi đến đơn vị pháo cao xạ gần Sân bay Vinh bây giờ nghe máy bay giặc quần đảo trên đầu, được một đoạn lại chui vào hầm bên đường trú ẩn. Vất vả, gian nan là thế, mà chúng tôi vẫn kịp làm bài tường thuật cho số báo hôm sau. Tổng Biên tập Nguyễn Hường còn nói tôi làm câu ca dao để in cùng số báo, đó là câu: “Thằng Mỹ có trăm máy bay/ Thì choa đây có triệu tay súng trường/ Bủa vây lưới lửa mười phương/Thì con hổ Mỹ như rơm cháy vèo”.

Những vất vả thời chiến thì nhiều lắm. Có lần tôi đi công tác Diễn Châu, bom Mỹ dội đường, cầu hỏng hết. Có đoạn cầu bắc qua sông chỉ có 2 thanh tà vẹt. Tôi vác xe đạp, đang đi qua thì máy bay rà xuống trên đầu. Đành đứng im như thế trên 2 thanh sắt, chông chênh giữa sông chờ chúng bay đi. Lần khác đi Quỳnh Lưu, viết về sản xuất nông nghiệp, vừa mới trò chuyện rôm rả với nhóm thợ cấy tôi gặp trên đồng, rời đi được 200m thì nghe tiếng nổ. Tôi quay lại thì gặp cảnh bom rơi, một người trong nhóm thợ cấy ấy đã chết, những người khác bị thương.

Đi, gặp gỡ, chứng kiến cuộc đời sôi động, những gian khổ không còn thấm tháp gì nữa. Chúng tôi đã hăm hở làm báo, hăm hở sống. Cơ quan sơ tán từ Vinh lên Hưng Nguyên, Nam Đàn, Đô Lương rồi lại về Vinh, chúng tôi là những người tự tay dựng lại “mái nhà chung” của mình trên những mảnh đất đã qua. Còn nhớ, lần chuyển cuối cùng về Vinh, anh Nguyễn Tường hồi đó là trưởng phòng trị sự đã tự tay đi mua nứa, kết bè xuôi về sông Cửa Tiền và anh em trong tòa soạn đã ùa ra vác nứa lên bờ, dựng lại tòa soạn của mình. Sống tập thể cùng nhau, chịa ngọt, sẻ bùi, góp ý với nhau từ cái nhỏ nhất. Ngày cưới anh Lê Quý Kỳ- phóng viên của báo, chúng tôi cùng đào hầm tổ chức (ngày ấy báo sơ tán ở Nam Đàn).

Tập thể Báo Nghệ An đã lớn mạnh từ những điều giản dị như vậy. Mãi trong tôi hình ảnh những trang bản thảo được đọc kỹ càng, tổng biên tập đắn đo, cân nhắc từng chữ được viết ra, được đem in. Ngày ấy anh Huy Chuyên làm Thư ký tòa soạn, mang bệnh nặng mà vẫn bám tòa soạn sắp chữ hàng đêm. Thật cảm ơn những tháng ngày lận đận mà đầy yêu thương ấy. Cảm ơn thời thanh niên sôi nổi làm Báo Nghệ An đã cho tôi cơ hội trải nghiệm, trưởng thành.

Với tôi, cuộc đời làm báo, công tác ở Báo Nghệ An có bao nhiêu điều đáng để kể đến, bao nhiêu kỷ niệm, nhưng có lẽ điều đọng lại lớn nhất của tôi khi về nghỉ hưu, ấy là sự ấm áp tình người.

Tôi nhìn lại tất cả những gì mà cuộc đời mình đã có, không kể đến những gì thuộc về giá trị tinh thần, mà đến cả giá trị vật chất cũng mang dấu ấn đậm nét của…tình người trong báo.

Tôi nhớ những năm 2000, khi đó tôi vẫn đi cái xe đạp cà tàng, có lẽ tôi là người cuối cùng của cơ quan chưa có xe máy. Lúc này tôi đang làm việc tại Phòng Thư ký do chị Thúy Liên làm Trưởng phòng (sau này chị Liên làm Tổng Biên tập). Cả phòng bàn đi tính lại với tôi, phải mua xe máy để đi! Thấy tôi lắc đầu, mọi người bàn ép, nói thiếu tiền thì vay thêm cơ quan, rồi anh em sẽ đóng góp mỗi người một chút giúp tôi. Rồi mọi người góp thật. Cả phòng góp được 2 triệu đồng, tôi vay thêm cơ quan 5 triệu đồng, tôi có khoản tiết kiệm 8 triệu đồng, thế là đủ để mua cái xe đời 79, lên đời từ xe “đạp chân” lên xe “vặn tay” rồi.

Nhớ lần ra xuân cả cơ quan tổ chức đi chơi, tôi muốn tiện đó, mời mọi người về thăm nhà tôi tại Yên Thành. Kế hoạch đột xuất, nên nhà chẳng chuẩn bị được gì. Vịt nhà nuôi lại đi ăn ở đồng xa, thế là họa sỹ Hữu Tuấn của Báo được cắt cử cùng tôi ở nhà…bắt vịt. Hai chú cháu lôi bùn từ đầu đến chân mới bắt được vịt về, đến nhà lại không biết cắt tiết nên đành…cắt phăng đầu vịt. Bữa đó, chúng tôi đã làm nên một trận cười cho cả anh em của cơ quan và câu chuyện cắt đầu vịt còn lưu truyền mãi đến sau này.

Nhớ khi tôi làm được cái nhà mơ ước của mình ở quê, anh em trong cơ quan ra mừng nhà mới. Mấy anh đầu têu mừng tôi một màn gì độc đáo, nghịch ngộ. Thế là được cả đoàn hưởng ứng. Đoàn làm một cái cờ phướn, chị Cảnh thủ quỹ mua một cái chậu thau nhôm…để ra Yên Thành làm lễ “cắt băng khánh thành”. Khi gần đến cổng nhà tôi là cả đội cờ quạt, gõ chậu, hô vang khẩu hiệu. Tôi và cả nhà chỉ còn nước ôm bụng cười. Hôm đó, anh Bá Tân (khi đó là Trưởng phòng Kinh tế) có trồng tặng tôi một cây dừa làm kỷ niệm. Cây dừa rất lạ, mới cao quá đầu người đã cho quả. Nay con cháu tôi vẫn ăn quả từ cây dừa ấy, lúc nào cũng tấm tắc khen: Dừa Báo Nghệ An ngọt, mát!

Tôi cũng nhớ lần mình ra 2 cuốn sách “Chuyện đàn bà”, “Ngọc hoàng kỳ án”, mang sách lên tặng anh em trong cơ quan. Thế mà chị Hồng Toan (khi ấy là phóng viên Phòng Văn xã) nhận sách biếu của tôi, nhưng cả 2 lần đều tìm mọi cách để hỗ trợ tôi một chút ít. Tôi kiên quyết không nhận thì chị nói riêng: “Chú vất vả viết sách, lại bỏ tiền lương ra in, cháu xem như mua một vài cuốn giúp chú, có đáng là bao”. Chính sự chân tình ấy khiến tôi xúc động. Tôi biết chị thấu hiểu những khó khăn riêng có của mình.

Những câu chuyện nhỏ nhặt ấy, có thể sẽ chẳng đáng là gì với bao điều tôi có với tờ báo Nghệ An, nhưng lại là những điều còn mãi trong tôi, nhắc nhở tôi về nghĩa tình với tòa soạn, với từng con người đang sống, làm việc và tiếp nối chúng tôi xây dựng tờ báo hôm nay.