'Vết sẹo' khó lành của Tây Ban Nha

(Baonghean) - Căng thẳng và chia rẽ lại một lần nữa dấy lên trong xã hội Tây Ban Nha khi chính quyền xứ Catalonia cho biết, sẽ thông qua các kế hoạch về việc tổ chức trưng cầu ý dân vào ngày 1/10 tới liên quan đến việc tách khỏi Tây Ban Nha. Dù kiên quyết bác bỏ nhưng chính quyền Tây Ban Nha thực sự đứng trước thách thức lớn trong việc hàn gắn “vết sẹo” vốn không thể liền. 

Cuộc trưng cầu mang tính ràng buộc

Kể từ năm 2014, chính quyền Tây Ban Nha đã áp dụng tất cả các biện pháp từ “nhu” đến “cương” nhằm ngăn chặn một cuộc ly khai ở xứ Catalonia. Chính quyền trung ương một mặt trao cho Catalonia mức độ tự trị cao hơn, được hưởng nhiều quyền tự quyết về hành chính, mặt khác mạnh tay với những người khởi xướng các cuộc trưng cầu mà điển hình là vụ xét xử cựu lãnh đạo xứ Catalonia Artur Mas vì tội bất tuân dân sự liên quan đến cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập hồi năm 2014.

Thế nhưng, cuộc đấu tranh đòi quyền tự trị rộng rãi hơn và thậm chí là nền độc lập hoàn toàn khỏi Tây Ban Nha cho xứ Catalonia không hề lắng xuống. Dự kiến, một cuộc trưng cầu ý dân đòi độc lập cho vùng đất này sẽ được tổ chức vào ngày 1/10 tới.

Người dân Catalonia biểu tình đòi tách khỏi Tây Ban Nha. Ảnh: El Pais
Người dân Catalonia biểu tình đòi tách khỏi Tây Ban Nha. Ảnh: El Pais

Khác với cuộc trưng cầu ý dân chỉ mang tính biểu tượng cách đây gần 3 năm, lần này chính quyền vùng Catalonia mong muốn cuộc trưng cầu sẽ mang tính ràng buộc về việc tách ra khỏi chính quyền trung ương Tây Ban Nha. Các cuộc thăm dò ý kiến hiện nay cho thấy khoảng một nửa dân số Catalonia thích độc lập hơn và gần 75% những người được hỏi đều ủng hộ tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân.

Câu hỏi đặt ra là vì sao nhiều người Catalonia ủng hộ và nung nấu ý định ly khai khi vùng đất này vốn đang được hưởng quy chế tự trị cao?

Với dân số 7,5 triệu người và nền kinh tế năng động bên bờ Địa Trung Hải, Catalonia là một trong những vùng phát triển nhất ở Tây Ban Nha. Catalonia có ngôn ngữ và văn hóa riêng nên từ lâu đã nuôi ý định tách ra thành một nhà nước độc lập.

Tuy vậy, làn sóng của chủ nghĩa ly khai thực sự bùng phát mạnh mẽ trong mấy năm trở lại đây. Động lực chính của làn sóng này là do ảnh hưởng từ cuộc suy thoái kinh tế kéo dài. Người dân vùng Catalonia cảm thấy bất công khi nhận ngân sách không tương xứng với tiền thuế đóng góp và vùng này còn phải chia sẻ gánh nợ với các khu vực hoạt động yếu kém của Tây Ban Nha trong khi lại đóng góp nhiều nhất cho ngân sách trung ương.

Nhiều người Catalonia tin rằng họ có thể xây dựng một nền kinh tế thành công theo một chừng mực nào đó sau khi độc lập khỏi Tây Ban Nha và thậm chí là phát triển hơn, nếu nhìn vào việc chính quyền Tây Ban Nha đã điều hành nền kinh tế suy thoái như thế nào kể từ năm 2008. 

Liệu có thành công?

Theo Hiến pháp Tây Ban Nha, Catalonia không được tự quyết định chuyện ly khai. Tức là chính quyền trung ương không bao giờ công nhận kết quả trưng cầu có hiệu lực pháp lý. Có vẻ như lần này, chính phủ của Thủ tướng Mariano Rajoy rất kiên quyết trong việc ngăn chặn một cuộc trưng cầu như vậy. Trong một cuộc họp báo đầu tuần này, ông Rajoy tái khẳng định cam kết sẽ không để cuộc trưng cầu ý dân đòi độc lập diễn ra vào ngày 1/10 tới. 

Thủ hiến vùng Catalonia Carles Puigdemont (phải) kêu gọi tổ chức cuộc trưng cầu ý dân vào ngày 1/10 tới.  Ảnh Reuters
Thủ hiến vùng Catalonia Carles Puigdemont (phải) kêu gọi tổ chức cuộc trưng cầu ý dân vào ngày 1/10 tới. Ảnh: Reuters

Theo giới quan sát, kể cả khi vùng Catalonia có thể tổ chức một cuộc trưng cầu như vậy thì khả năng “ly khai” cũng khó nói. Tại Tây Ban Nha, Tòa án Hiến pháp có những công cụ pháp lý, còn chính phủ trung ương có công cụ chính trị và tài chính để ngăn cản Catalonia ly khai.

Bên cạnh đó, kết quả các cuộc thăm dò dư luận đều cho thấy số người ủng hộ và phản đối ly khai ở ngưỡng 50-50. Mặc dù kết quả cuộc bỏ phiếu hồi năm 2014 cho thấy có đến 80% người dân đồng ý với phương án đòi độc lập cho Catalonia nhưng không có nghĩa ở thời điểm này, còn số đó được bảo toàn.

Sau vụ tấn công khủng bố hồi tháng trước ở thành phố Barcelona, nhiều quan chức chính phủ Tây Ban Nha đưa ra thông điệp rằng “Không có Tây Ban Nha, Catalonia sẽ không an toàn”. Tuyên bố đó phần nào tác động đến tâm lý của nhiều người dân Catalonia trong bối cảnh an ninh và các mối đe dọa khủng bố ngày một khó lường. 

Tuy nhiên, mọi sự biến động đều khó lường. Nếu như cách đây 2 năm, không ai có thể tưởng tượng một ngày nước Anh sẽ rời khỏi Liên minh châu Âu hay ứng cử viên Marine Le Pen có thể vào đến vòng 2 cuộc bầu cử Tổng thống Pháp. Nhưng rồi tất cả đã thành hiện thực và vì thế biết đâu một ngày vùng Catalonia có thể độc lập? 

Vết nứt rộng thêm

Dù cuộc trưng cầu sắp tới có được diễn ra hay không và kết quả thế nào thì “vết nứt” chính trị của Tây Ban Nha đều có khả năng sẽ bị nới rộng thêm. Trên chính trường, từ lâu, phe đối lập đã không ngừng chỉ trích Thủ tướng Rajoy vì không “dẹp yên” ý định ly khai của xứ Catalonia. Trong xã hội, Thủ tướng Mariano Rajoy phải đứng trước thách thức lớn hơn trong việc xoa dịu phần còn lại của Tây Ban Nha, để tránh những ý định đòi độc lập tương tự Catalonia.

Theo giới quan sát, với Catalonia, nếu không thành công trong việc tổ chức một cuộc trưng cầu vào tháng 10 này, họ sẽ không từ bỏ ý định vốn đã ấp ủ từ rất lâu. Điều đó cũng có nghĩa gốc rễ chuyện ly khai không thể được giải quyết một cách triệt để. 

Chính phủ của Thủ tướng Rajoy nếu kiên quyết bác bỏ cuộc trưng cầu thì có thể phải lựa chọn cách tiếp cận “con đường thứ ba” của Đảng Xã hội đối lập, trong đó bao gồm việc cải cách hiến pháp để mang lại cho Catalonia nhiều quyền lực hơn và làm cho Tây Ban Nha mang tính chất liên bang cao hơn. Nói chung, tất cả những biện pháp đó đều khiến chính quyền Madrid lâm vào thế khó. 

Một khi Catalonia kiên quyết đòi độc lập và giành độc lập, đó không chỉ là “tai họa” cho Tây Ban Nha mà cho cả châu Âu. Đáng lo ngại hơn, nếu xu hướng ly khai thắng thế, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh và sự thịnh vượng chung của EU. Vì vậy, số phận xứ Catalonia không chỉ là bài toán khó cho Xứ sở Bò tót mà còn là mối quan ngại của cả châu Âu trong bối cảnh châu lục này đã quá “đau đầu” với câu chuyện Brexit.

Thanh Huyền

TIN LIÊN QUAN

Tin mới