Vì đồng minh, Anh ôm “trái đắng” trong cuộc chiến ngoại giao với Nga?

Anh đang dần đánh mất lòng tin với các đồng minh trong EU khi không đưa được bằng chứng làm sáng tỏ cáo buộc Nga trong cuộc chiến ngoại giao.

Anh hiện giờ đang phải đối mặt với thách thức mới trong cuộc chiến ngoại giao với Nga khi một số đồng minh trong Liên minh Châu Âu (EU), đặc biệt là Đức liên tục truy vấn nước này về bằng chứng trong vụ cựu điệp viên hai mang bị đầu độc tại Anh còn Áo và Pháp thì để ngỏ cơ hội đối thoại với Nga. Như vậy từ bên đang giành được lợi thế, Anh dần đánh mất lòng tin với các đối tác khi bị cho là “mập mờ” trong việc đưa ra các cáo buộc với Nga.

Vì đồng minh, Anh ôm “trái đắng” trong cuộc chiến ngoại giao với Nga? ảnh 1
Điều phối viên về quan hệ với Nga của chính phủ Đức Gernot Erler. Ảnh: Getty.

Đức yêu cầu câu trả lời từ phía Anh

Trong cuộc phỏng vấn với kênh ARD của Đức ngày 5/4, Điều phối viên về quan hệ với Nga của chính phủ Đức Gernot Erler cho biết, Anh cần đưa ra bằng chứng cho thấy Nga liên quan đến vụ cựu điệp viên Sergei Skripal bị đầu độc tại Anh hồi tháng 3, đặc biệt sau khi Phòng thí nghiệm Khoa học và Công nghệ Quốc phòng (DSTL) tại căn cứ Porton Down (Anh) cho biết, cơ quan này đến nay vẫn không thể xác định nguồn gốc chất độc thần kinh trong vụ đầu độc cựu điệp viên Nga Skripal.

“Thông tin từ phòng thí nghiệm Porton Down trái ngược với những gì mà chúng tôi từng được nghe từ các chính trị gia Anh và chắc chắn sẽ gia tăng sức ép lên Anh, buộc họ phải cung cấp thêm các bằng chứng đáng tin cậy cho thấy Nga đứng sau vụ việc này”, ông Erler nói.

Theo ông Gernot Erler, những tuyên bố mâu thuẫn nhau đến từ London khiến Đức hoài nghi về độ tin cậy của các phát ngôn mà Thủ tướng Theresa May và chính phủ của bà đưa ra. Ông nhấn mạnh: “Các báo cáo về vụ điều tra không được công khai. Hiện giờ Anh đang chịu sức ép về việc làm sáng tỏ các thông tin. Nếu không toàn bộ câu chuyện sẽ không được làm sáng tỏ”. Khi được hỏi ai là người chịu trách nhiệm gây ra cuộc tấn công, ông Erler nói rằng: “Chúng tôi không biết”.

Ông Gernot Erler là quan chức thứ hai của Đức trong tuần này công khai chỉ trích việc Anh xử lý vụ đầu độc cựu điệp viên Spriki. Trước đó, ông Armin Laschet phó chủ tịch đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Angela Merkel cho rằng: “Nếu Anh muốn các nước thành viên trong NATO thể hiện sự đoàn kết với nước này trong cuộc chiến ngoại giao với Nga, Anh nên đưa ra bằng chứng rõ ràng. Anh có thể nghĩ bất cứ điều gì đối với Nga nếu nước này muốn, nhưng tôi muốn đưa ra một phương thức khác để giải quyết vấn đề là nghiên cứu luật lệ quốc tế.”

Pháp muốn đối thoại với Nga

Giới chức Pháp cho biết, Tổng thống Emmanuel Macron vẫn có kế hoạch thăm Nga vào tháng 5 tới bất chấp cuộc khủng khoảng ngoại giao. Theo lịch trình dự kiến, Tổng thống Macron sẽ đi thăm Nga trong hai ngày 24 và 25/5 và dự Diễn đàn Kinh tế Saint-Petersburg. Nguyên tắc về chuyến đi này đã được quyết định tại cuộc hội đàm giữa Tổng thống Vadimir Putin và Tổng thống Macron vào năm 2017 tại Paris.

Trong một tuyên bố hiếm hoi về chuyến thăm này, người phát ngôn của Tổng thống Nga Putin cho biết, thông báo về chuyến thăm Nga của ông Macron thể hiện quan điểm mang tính xây dựng của Pháp trong tìm kiếm đối thoại bất chấp sự khác biệt giữa hai bên.

Còn Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian khẳng định, dù có hay không việc Nga đứng sau vụ cựu điệp viên bị đầu độc, Nga vẫn đóng vai trò quan trọng trong giải quyết các vấn đề quốc tế, chẳng hạn như vấn đề Syria, Triều Tiên. “Chúng tôi muốn duy trì một cuộc đối thoại thẳng thắn, cởi mở và rõ ràng” đối với Nga”, ông Jean-Yves Le Drian nói.

Áo quyết giữ lập trường trung lập

Không giống như nhiều nước Châu Âu khác tham gia “đòn đánh hội đồng” Nga trên mặt trận ngoại giao, Áo ngay từ đầu đã thể hiện lập trường trung lập. Trả lời phỏng vấn đài phát thanh Plus 4, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz giải thích lý do khiến nước này không quyết định trục xuất các nhà ngoại giao Nga.

“Chúng tôi hiện giờ đang có quan hệ tốt với Nga. Áo là một quốc gia trung lập và là nơi đặt trụ sở của nhiều tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc hay tổ chức An ninh và hợp tác quốc tế. Hàng trăm nhà ngoại giao đã tới Áo để tham gia các cuộc đàm phán. Đó là tại sao chúng tôi có thể phát triển vai trò cầu nối giữa các quốc gia”, ông nói.

Theo ông Sebastian Kurz, phản ứng của Áo chỉ dừng lại ở việc triệu hồi đại sứ Áo tại Nga về nước để tham vấn. Trước đó, trong bài phát biểu trên kênh truyền hình Áo ORF, ngoại trưởng Áo Karin Kneissl cho biết, nếu được yêu cầu, nước này sẽ đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Nga và phương Tây. Bà cũng khẳng định vai trò quan trọng của việc giữ các kênh đối thoại mở./.

Tin mới