Vì sao bóng đá Việt mãi 'chưa chuyên nghiệp'?

(Baonghean.vn) - Đã 18 năm khoác áo chuyên nghiệp nhưng bóng đá Việt Nam vẫn thiếu đi những con người hành xử chuyên nghiệp. Người hâm mộ vẫn thấy đó đây, trọng tài, HLV, cầu thủ và quan chức CLB và những cấp cao hơn trong phát ngôn, hành xử đã làm hỏng đi hình ảnh đẹp của sân cỏ.

Khá lạ, không chỉ bột phát tại các sự cố trên sân mà sau đó họ cũng cho thấy cách xử sự rất nghiệp dư.

Những hành xử thiếu chuyên nghiệp

Trong cuộc sống, người ta vẫn dạy trẻ con cần nói lời xin lỗi khi sai phạm. Đến giờ, người ta vẫn không thấy trọng tài Nguyễn Văn Kiên đưa ra lời xin lỗi khi đã tự mình tước đi chiến thắng của HAGL bằng một pha thổi phạt penalty sai lè.

Ban trọng tài, đơn vị quản lý trọng tài Kiên cũng nợ khán giả một lời xin lỗi khi quân mình đã phá đi một trận cầu hay. Ông chọn cách im lặng và…rời khỏi bóng đá, vì cũng chả ai mời ông làm trọng tài nữa!
Tổ trọng tài và đại diện hai đội trước trận đấu trên sân 19/8 chiều 6/5/2018, giữa HAGL và Khánh Hòa
Tổ trọng tài và đại diện hai đội trước trận đấu trên sân 19/8 chiều 6/5/2018, giữa HAGL và Khánh Hòa
Bóng đá chuyên nghiệp, không có nghĩa là không thể xảy ra sai lầm. Hàng tuần theo dõi bóng đá Anh, không ít lần người ta vẫn thấy những sai lầm ngớ ngẩn của các "ông vua sân cỏ". Mới đây, trọng tài Andre Marriner, người đã phạt thẻ đỏ Gibbs thay vì Chamberlain, đã lên tiếng xin lỗi các cầu thủ Arsenal sau thất bại khó tin 0-6 của “pháo thủ” trước Chelsea.

Trọng tài Marriner cũng đã thừa nhận sai lầm và gửi lời xin lỗi đến Arsenal. Một báo cáo từ ban tổ chức cho biết: “Andre là một trọng tài có kinh nghiệm nhưng rõ ràng đã sai lầm trong pha bóng đó. Sự cố nhầm lẫn là rất hiếm và thường là kết quả do một số yếu tố kỹ thuật khác nhau. Trong khi đây là một quyết định khó khăn, Andre đang thất vọng vì không thể xác định chính xác các cầu thủ. Ông ấy đã gửi lời đến Arsenal”.

Không hiểu sao các "ông vua sân cỏ" khó nói lời xin lỗi như thế. Phải chăng đó là “đặc quyền” của các ông vua sân cỏ Việt Nam!?

Bao biện về những sai lầm

Trên sân Plei-ku, Giám đốc điều hành trẻ Nguyễn Quốc Tuấn đã ném chai nước lên khán đài vì CĐV HAGL…chửi bố mình, Chủ tịch CLB Hà Nội Nguyễn Quốc Hội. Chắc không cần nói, người đọc cũng hiểu BHL, cầu thủ và các quan chức CLB Hà Nội sẽ nhận được gì từ đám đông đang bùng nổ.

Đối với sân cỏ châu Âu, những hành động châm ngòi kích động như thế sẽ bị phạt rất nặng, để răn đe, bất luận họ là ai.

Thiếu trung thực Thành Lương tiếp tục tự tay xóa đi hình ảnh cá nhân. Ảnh: Internet
Thiếu trung thực Thành Lương tiếp tục tự tay xóa đi hình ảnh cá nhân. Ảnh: Internet
“Tôi không nói gì quá hay xúc phạm với trọng tài chính. Tôi chỉ hỏi nhiều lần sao anh phạt thẻ vàng em thế là trọng tài chính rút thẻ vàng thứ hai đuổi luôn. Đến bây giờ tôi vẫn không hiểu vì sao mình bị truất quyền thi đấu" - Phạm Thành Lương đã phân bua như thế.

Nhìn cựu tuyển thủ quốc gia này chỉ thẳng tay vào mặt trọng tài Ngô Duy Lân, nét mặt hùng hổ, chực nuốt sống "ông vua sân cỏ", không một ai tin vào điều đó. Vở kịch dù diễn ở sân khấu hay sân cỏ thì hành động và lời thoại phải ăn khớp!

Bất cứ ai có mặt trên sân Plei-ku đều thấy giám sát trận đấu Nguyễn Trọng Lợi đã năm lần, bảy lượt mời HLV Chu Đình Nghiêm họp báo sau trận đấu. Nhưng sau này trả lời báo chí, vị HLV này vẫn thản nhiên: “Tôi ngồi đấy nhưng không thấy ai mời”.

Ô hay, đến phòng họp báo là nhiệm vụ của các HLV sau trận đấu, bé bỏng gì nữa mà cần mời, BTC đã mời, ông bỏ họp mà còn bao biện.

Chưa kể, ông HLV này chấp nhận xin lỗi CĐV Hà Nội mà không biết mình ông vẫn còn nợ khán giả truyền hình và chính khán giả chân chính sân Plei-ku một lời xin lỗi. Ông, chứ không phải trọng tài Ngô Duy Lân đã phá một trận cầu hay.

Rất cần những án phạt bổ sung thật sự chuyên nghiệp của BTC Cúp quốc gia để quan chức, trọng tài, cầu thủ, HLV dần tiến đến chuyên nghiệp. Quan trọng hơn là để hạn chế những hình ảnh xấu xí như thế trên sóng truyền hình lẫn trên sân cỏ.

Tin mới