Vì sao cán bộ khởi đầu có đức, có tài, nhưng đều dần suy thoái?

Vì sao có những đảng viên, quan chức khởi đầu có tâm, có đức, có tài, nhưng lại dần tự suy thoái, biến chất, ích kỷ, nhỏ nhen, tư lợi.

“Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dẫn lại câu thơ Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du để nhắn nhủ mỗi đảng viên trong cuộc gặp mặt các đảng viên trẻ tiêu biểu học tập và làm theo lời Bác nhân 50 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ diễn ra tuần qua.

Người đứng đầu Đảng ta khẳng định, để phát huy vai trò tiên phong, mỗi đảng viên phải có 2 điều quan trọng là đức và tài. Đức đi đôi với tài nhưng đức phải là gốc, đức phải trước tiên. Người không có tài thì không làm được việc gì, nhưng có tài mà không có đức thì phá cả cách mạng.

Vì sao cán bộ khởi đầu có đức, có tài, nhưng đều dần suy thoái? ảnh 1
Ảnh minh họa.

Lời nhắc nhở này càng mang tính thời sự hơn khi thời gian qua, nhiều cán bộ đảng viên suy thoái đạo đức, xa rời mục đích, lý tưởng của Đảng, gây họa cho đất nước, cho nhân dân, đến mức phải bị kỷ luật Đảng và xử lý hình sự.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn, người cán bộ cách mạng trước hết phải có đạo đức cách mạng, bởi vì “đạo đức là gốc của người cách mạng”. Người khẳng định: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân". Trong Di chúc thiêng liêng, điều đầu tiên Bác dặn cũng là về Đảng, Đảng phải tiên phong gương mẫu.

Đáng tiếc, trong thời gian qua, trong khi đa số cán bộ đảng viên thấm nhuần và hiện thực hóa lời dạy của Người trong thực thi chức trách, nhiệm vụ của mình, thì có một bộ phận suy thoái tự đánh mất mình. Có người mới có chức có quyền là "đè đầu cưỡi cổ" nhân dân; có người chưa làm được gì đã nghĩ đến "chấm mút", thậm chí ăn không từ một thứ gì của dân. Có cán bộ nói một đằng, làm một nẻo. Có cán bộ bề ngoài liêm chính, lên cơ quan, ra công chúng ăn vận giản dị, chỉ đạo cần, kiệm, mà ra khỏi cơ quan là tiêu sài hoang phí, nhà ở biệt phủ này, biệt thự kia; vợ, con thì lập doanh nghiệp "tác oai tác quái" lĩnh vực, ngành mình quản lý...

Hậu quả là công sản bị thất thoát, bị bòn rút; có dự án cả nghìn tỷ, chục nghìn tỷ đồng bị đầu tư dang dở với công nghệ lạc hậu, bỏ đi thì không được, đầu tư tiếp thì không biết ngày nào hoàn thành; có công trình, dự án thì để hoang hóa, thành đống sắt vụn, gây bức xúc trong nhân dân.

Hậu quả đau lòng đã thấy rõ. Không ít cán bộ đã tự đưa chân mình vào "lò lửa". Không chỉ bị thi hành kỷ luật mà còn vướng vòng lao lý, tài sản phi pháp bị thu hồi, gia đình người thân tủi hổ, đồng nghiệp cơ quan xa lánh, nhân dân khinh ghét.

Câu hỏi đặt ra là vì sao có những đảng viên, quan chức khởi đầu có tâm, có đức, có tài, nhưng lại dần tự suy thoái, biến chất, ích kỷ, nhỏ nhen, tư lợi mà bê trễ việc công, buông lỏng quản lý, đục khoét công sản, làm những điều phi pháp? Đó phải chăng khi được tổ chức tín nhiệm phân công vào một vị trí lãnh đạo, họ đã ngộ nhận về chức, quyền của mình mà coi nhẹ ý thức về trách nhiệm, về sự cống hiến như tôn chỉ mục đích của Đảng: chức càng cao, nhiệm vụ càng nặng nề, hy sinh cá nhân càng cần phải lớn hơn?

Đó còn là hậu quả của một thời gian dài kỷ luật Đảng không được thực thi nghiêm minh, quyền lực không được giám sát chặt chẽ, khiến một bộ phận cán bộ càng tự tung, tự tác.

Đức và Tài đòi hỏi mỗi cán bộ, lãnh đạo phải thường xuyên tự soi, tự sửa thì đức mới ngày càng sáng, tài năng mới đóng góp cho xã hội, cho đất nước. Ngược lại, tự kiêu, ngạo mạn, xa rời lý tưởng cách mạng thì sẽ sớm suy thoái, biến chất và gây họa cho tổ chức, cho nhân dân, cho đất nước. Điều đó đòi hỏi phải tăng cường kiểm tra, giám sát thực chất của tổ chức đảng cấp trên với tổ chức cấp dưới, cụ thể hóa cơ chế giám sát của nhân dân với từng cá nhân, đơn vị.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng luôn khẳng định, “trống đã đánh phải đánh liên hồi” khi nói về cuộc chiến chống tham nhũng, chống quan liêu, chống suy thoái hiện nay. Quyền lực phải được kiểm soát và giám sát. Chỉ khi đó, mỗi cán bộ, đảng viên mới có động lực thúc ép mình thường xuyên tu dưỡng, đức sẽ được bồi đắp, tâm sẽ thêm sáng.

Khi từng cán bộ, đảng viên thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn lấy đức làm trọng, lấy tài năng để phụng sự thì Đảng ta sẽ thực sự là đạo đức, là văn minh, là đất nước được phát triển hùng cường, là nhân dân được ấm no, giàu có và hạnh phúc.

Không ai biết mình bằng chính mình. Mỗi lãnh đạo, cán bộ, đảng viên luôn biết mình đang ở đâu, đã từng tham - sân - si lúc nào, sai phạm ra sao, nặng hay nhẹ để tự sửa chữa, gột rửa; Mỗi đảng viên hãy luôn nhớ lại khoảnh khắc giơ nắm tay tuyên thệ trước lá cờ Đảng là: tuyệt đối trung thành với mục đích lý tưởng cách mạng của Đảng; có lối sống lành mạnh; đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực, để tự soi lại mình, tự nhắc nhở mình, tự cảnh tỉnh mình, trước khi tổ chức “sờ gáy”./.

Tin mới