Vì sao chi hội trưởng các đoàn thể không được hưởng phụ cấp hàng tháng?

(Baonghean.vn) - Từ được hỗ trợ phụ cấp hàng tháng, hiện nay chi hội trưởng các đoàn thể ở khối, xóm, bản trên địa bàn tỉnh chỉ được chi trả bồi dưỡng khi trực tiếp tham gia công việc ở khối, xóm, bản. Đây là vấn đề đang tạo ra nhiều dư luận, sự băn khoăn.

PHẢN ÁNH TỪ CƠ SỞ

Thời điểm trước ngày 1/1/2020, chi hội trưởng các đoàn thể ở khối, xóm, bản trên địa bàn tỉnh được hưởng hỗ trợ phụ cấp hàng tháng theo Nghị quyết số 151/2014/NQ-HĐND, ngày 12/12/2014 của HĐND tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay chi hội trưởng các đoàn thể ở khối, xóm, bản không còn được hưởng hỗ trợ phụ cấp hàng tháng. Việc này đang tạo ra nhiều dư luận, sự băn khoăn từ cơ sở.

Một buổi sinh hoạt chi hội xóm Long Sơn, xã Thanh Long (Thanh Chương) do bà Nguyễn Thị Ngân - Chi hội trưởng chủ trì
Một buổi sinh hoạt Chi hội Phụ nữ xóm Long Sơn, xã Thanh Long (Thanh Chương) do bà Nguyễn Thị Ngân - Chi hội trưởng chủ trì.

Đồng chí Lê Tiến Xuyên - Bí thư Chi bộ khối Mỹ Thắng, phường Nghi Hương (thị xã Cửa Lò) cho biết: Hiện nay, chế độ phụ cấp hàng tháng của chi hội trưởng đã bị cắt, thay vào đó là chuyển sang chế độ trả công khi tham gia công việc ở khối, xóm trong tổng số kinh phí khoán cho khối, xóm tổng 23 triệu đồng/năm cho cả 5 đoàn thể (theo Nghị quyết số 22/2019/NQ-HĐND và được cụ thể hóa mức chi trả tại Quyết định số 14/2020/QĐ-UBND).

Đồng chí Bùi Văn Từ - Bí thư Chi bộ xóm 8, xã Diễn Trung (Diễn Châu) cho rằng, việc chi trả chế độ bồi dưỡng cho chi hội trưởng các đoàn thể khi trực tiếp tham gia công việc ở khối, xóm, bản theo mức từ 50.000 - 100.000 đồng/1 người/1 ngày huy động làm việc (quy định tại Quyết định số 14/2020/QĐ-UBND, ngày 27/5/2020 của UBND tỉnh) là quá thấp. So sánh với ngày công lao động ở ngoài xã hội như ngày công thợ nề của một lao động cũng đã 200.000 - 300.000 đồng. Với chế độ, chính sách này thì khó thu hút những người hoạt động ở xóm.

Đồng chí Nguyễn Công Châu - Phó Chủ tịch HĐND huyện Đô Lương cho rằng, Quyết định số 14/2020/QĐ-UBND mới chỉ quy định về chế độ bồi dưỡng cho chi hội trưởng các đoàn thể mà chưa có các chức danh khác. 

Những người tham gia công việc ở khối, xóm, bản chỉ được hưởng bồi dưỡng khi trực tiếp tham gia vào công việc của thôn, tổ dân phố. Trong ảnh: Người dân xã An Hòa (Quỳnh Lưu) chăm sóc đường hoa. Ảnh minh họa: Mai Hoa
Những người tham gia công việc ở khối, xóm, bản chỉ được hưởng bồi dưỡng khi trực tiếp tham gia vào công việc của thôn, tổ dân phố. Trong ảnh: Người dân xã An Hòa (Quỳnh Lưu) chăm sóc đường hoa. Ảnh minh họa: Mai Hoa

Còn Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Trần Văn Hường phân tích, hiện tại ở một số địa phương đang có 2 cách hiểu khác nhau trong triển khai thực hiện Quyết định số 14/2020/QĐ-UBND. Có địa phương cho rằng, các tổ chức hội, đoàn thể được thành lập và hoạt động trên cơ sở tự nguyện, nên chỉ được hưởng chế độ bồi dưỡng khi thực hiện các nhiệm vụ do bí thư chi bộ và trưởng khối, xóm, bản giao.

Cách hiểu thứ hai - theo đồng chí Hường - là việc chi trả bồi dưỡng cho những người hoạt động ở xóm bao gồm khi thực hiện các nhiệm vụ do bí thư, trưởng khối, xóm giao và việc của các chi hội, đoàn thể. Mặt khác, thời gian có hiệu lực của Quyết định số 14/2020/QĐ-UBND tính từ ngày 10/6/2020, đồng nghĩa chế độ được hưởng kể từ ngày quyết định có hiệu lực, nhưng cũng có nơi cho rằng sẽ được hưởng truy lĩnh ở thời gian trước đó.

Đang có 2 cách hiểu khác nhau về nội dung hưởng chế độ bồi dưỡng.

Đồng chí Trần Văn Hường - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh

Nhân dân xã Thanh Long (Thanh Chương) tham gia làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: Mai Hoa
Nhân dân xã Thanh Long (Thanh Chương) tham gia làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: Mai Hoa

VẤN ĐỀ KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG

Để làm rõ những vấn đề mà dư luận đang băn khoăn, chúng tôi đã trao đổi với đồng chí Ngô Trí Cương - Phó trưởng phòng Xây dựng chính quyền, Sở Nội vụ và được biết, theo Nghị định số 34/2019/NĐ-CP, ngày 24/4/2019 của Chính phủ, ở khối, xóm, bản, ngoài 3 chức danh: Bí thư chi bộ, Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố và Trưởng ban công tác Mặt trận được hưởng phụ cấp hàng tháng thì những người tham gia công việc ở khối, xóm, bản chỉ được hưởng bồi dưỡng khi trực tiếp tham gia vào công việc của thôn, tổ dân phố từ đoàn phí, hội phí khoán cho các đoàn thể và từ các nguồn quỹ khác.

Theo quy định của Trung ương, ở khối, xóm, bản chỉ có 3 chức danh Bí thư chi bộ, trưởng khối, xóm và Trưởng ban công tác Mặt trận được hưởng phụ cấp hàng tháng.

Đồng chí Ngô Trí Cương - Phó trưởng phòng Xây dựng chính quyền, Sở Nội vụ

Theo Nghị định số 34/2019/NĐ-CP, chi hội trưởng các đoàn thể ở khối, xóm, bản không được hưởng phụ cấp hàng tháng, đồng nghĩa với việc quy định chế độ phụ cấp cho đội ngũ này theo Nghị quyết số 151/2014/NQ-HĐND của HĐND tỉnh không được áp dụng vì trái với Nghị định số 34/2019/NĐ-CP. Tuy nhiên, để tạo cho khối, xóm, bản có nguồn kinh phí hoạt động, đồng thời động viên chi hội trưởng các đoàn thể, trên cơ sở khả năng cân đối ngân sách của tỉnh (mặc dù Nghị định số 34/2019/NĐ-CP không quy định nguồn ngân sách địa phương hỗ trợ bồi dưỡng cho những người tham gia công việc ở khối, xóm, bản), ngày 12/12/2019, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 22/2019/NQ-HĐND quy định về mức bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia công việc của khối, xóm, bản.

Ông Trần Văn Bình (trái ảnh) - Chi hội trưởng Nông dân xóm Long Biên, xã Thanh Long (Thanh Chương) trao đổi với nhân dân về hiệu quả sản xuất lạc trái vụ. Ảnh: Mai Hoa
Ông Trần Văn Bình (bên trái ảnh) - Chi hội trưởng Hội Nông dân xóm Long Biên, xã Thanh Long (Thanh Chương) trao đổi với người dân về hiệu quả sản xuất lạc trái vụ. Ảnh: Mai Hoa

Trên cơ sở mức khoán của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 14/2020/QĐ-UBND, ngày 27/5/2020 quy định mức bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia công việc và hoạt động khác của xóm, khối, bản theo mức từ 50.000 -100.000 đồng/1 người/1 ngày huy động trực tiếp tham gia. Và đối tượng áp dụng  là những người trực tiếp tham gia công việc ở khối, xóm (nghĩa là không khống chế đối tượng mà tất cả những người tham gia công việc của xóm); trong đó, ưu tiên bồi dưỡng cho các chi hội trưởng hội người cao tuổi, hội cựu chiến binh, hội nông dân, hội phụ nữ, bí thư Đoàn thanh niên (không thực hiện chi trả bồi dưỡng cho các đối tượng đã được hưởng phụ cấp tại Nghị quyết số 22/2019/NQ-HĐND). Và thời gian thực hiện chế độ bồi dưỡng được thực hiện từ ngày Nghị quyết số 22/2019/NQ-HĐND có hiệu lực, tức là từ ngày 1/1/2020. 

Liên quan đến băn khoăn và so sánh mức bồi dưỡng theo Quyết định số 14/2020/QĐ-UBND với ngày công lao động ngoài xã hội thấp, Phó trưởng Phòng Xây dựng chính quyền Sở Nội vụ Ngô Trí Cương khẳng định rõ quan điểm, đây là tiền chi bồi dưỡng cho những người tham gia công việc ở xóm, chứ không phải là phụ cấp hay ngày công lao động.

Cùng vấn đề này, phát biểu tại diễn đàn tiếp xúc cử tri tại huyện Diễn Châu vừa qua, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hiền nêu, mức bồi dưỡng này so với ngày công lao động ngoài xã hội đúng là chưa thỏa đáng, tuy nhiên, công việc mà chi hội trưởng các đoàn thể ở khối, xóm đang đảm nhận không nên coi là một nghề mà chỉ là vì trách nhiệm trước cộng đồng dân cư, tín nhiệm của dân để làm...

Công việc mà chi hội trưởng các đoàn thể ở khối, xóm đang đảm nhận không nên coi là một nghề mà chỉ là vì trách nhiệm trước cộng đồng dân cư, tín nhiệm của dân để làm...

Đồng chí Cao Thị Hiền - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tich HĐND tỉnh

Đồng chí Cao Thị Hiền - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tich HĐND tỉnh trao đổi với nhân dân xã Nghĩa Lộc (Nghĩa Đàn). Ảnh tư liệu: Mai Hoa
Đồng chí Cao Thị Hiền - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tich HĐND tỉnh trao đổi với nhân dân xã Nghĩa Lộc (Nghĩa Đàn). Ảnh tư liệu: Mai Hoa

Nêu ý kiến xung quanh chế độ bồi dưỡng những người tham gia công việc ở khối, xóm, bản, Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Thái Thị An Chung cho rằng, Nghị định số 34/2019/NĐ-CP gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) đều đặt ra yêu cầu phải khoán kinh phí hoạt động cho các tổ chức, đoàn thể nhằm giảm “gánh nặng” ngân sách, đồng thời tách bạch hoạt động các đoàn thể với công việc của xóm. Bởi thực tế, nguyên tắc hoạt động của các tổ chức, đoàn thể là tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự trang trải kinh phí hoạt động và tự chịu trách nhiệm. Và kinh phí hoạt động của các tổ chức, đoàn thể dựa trên quỹ, phí do các tổ chức huy động từ hội viên, đoàn viên và thông qua các công trình, phần việc đảm nhận để gây quỹ.

Mặt khác, việc chuyển nguồn chi trả phụ cấp hàng tháng cho các chi hội trưởng các đoàn thể thành nguồn quỹ được khoán cho các xóm hoạt động cũng bắt buộc các tổ chức, đoàn thể vào cuộc thực hiện các công việc ở xóm một cách tích cực, hiệu quả để khối, xóm, bản chi hỗ trợ bồi dưỡng trở lại, vừa tạo sự chủ động cho các xóm, vừa tránh cào bằng giữa các tổ chức, đoàn thể và cá nhân tích cực cũng như không tích cực.

Trên cơ sở mức khoán chung của HĐND tỉnh, yêu cầu đối các khối, xóm, bản phải tự xây dựng quy chế chi tiêu mang tính nội bộ khu dân cư.

Đồng chí Ngô Trí Cương - Phó trưởng phòng Xây dựng chính quyền, Sở Nội vụ

Nhiều con đường xanh - sạch - đẹp được làm từ sức dân. Trong ảnh: Một góc xã Quỳnh Đôi - huyện Quỳnh Lưu. Ảnh: Mai Hoa
Nhiều con đường xanh - sạch - đẹp được làm từ sức dân. Trong ảnh: Một góc xã Quỳnh Đôi - huyện Quỳnh Lưu. Ảnh minh họa: Mai Hoa
Theo Nghị quyết số 22/2019/NQ-HĐND, ngoài nguồn kinh phí từ đoàn phí, hội phí của các đoàn thể và các nguồn quỹ khác (nếu có), ngân sách tỉnh hỗ trợ thêm để chi trả tiền bồi dưỡng đối với những người tham gia trực tiếp công việc của xóm, khối, bản theo 2 mức: xóm, bản có từ 350 hộ gia đình trở lên; xóm, bản thuộc xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; xóm, bản thuộc xã biên giới hoặc hải đảo: 25.000.000 đồng/năm. Các xóm, khối, bản còn lại: 23.000.000 đồng/năm.

Tin mới