Vì sao Chí Phèo uống rượu?

Đồ uống có cồn hiện hữu trong đời sống con người từ rất lâu. Một số dấu vết cổ xưa nhất có từ 7000 năm trước công nguyên – người Trung Quốc đã biết làm đồ uống lên men từ gạo, mật ong và trái cây và xem nó như món ăn tinh thần quan trọng trong đời sống tôn giáo. Ở Ấn Độ, Sura – một loại rượu bột gạo, lúa mỳ, mía đường và nho phổ biến trong giới võ sỹ và chiến binh từ khoảng 3000 năm trước công nguyên.

Tuy nhiên, có lẽ không có nền văn minh nào đề cao giá trị của đồ uống có cồn như Hy Lạp, nơi có hẳn một vị thần gắn liền với rượu nho: Dionysus. Theo thần thoại Hy Lạp, đây là con trai của thầy Zeus với một công chúa người phàm. Dionysus được mô tả như một vị thần vui vẻ, thích tiệc tùng và âm nhạc. Ở một góc nhìn tiêu cực hơn thì đây là vị thần giải phóng con người khỏi sự tẻ nhạt trong cuộc sống bằng cách hoà mình vào sự cuồng loạn với rượu và chất kích thích.

Nói đến đây, tự nhiên tôi nghĩ đến đại nhạc hội Trip to the Moon mới diễn ra tháng trước, nơi mà một số thanh niên đã giải phóng mình khỏi cuộc sống tẻ nhạt theo nghĩa bóng và khỏi cuộc sống này theo nghĩa đen.

Quay trở lại chủ đề về rượu, ứng viên số một cho gương mặt đại diện của thức uống này ở Việt Nam chỉ có thể là Chí Phèo. Tất nhiên chúng ta đều biết rượu đã dẫn Chí Phèo đi đến đâu – cảm ơn tác giả Nam Cao vì thông điệp cảnh báo hết sức rõ ràng và trực diện. Nhưng phàm là con người, càng cấm đoán, càng cảnh báo lại càng đâm đầu vào. Thật kỳ lạ.

Vì sao người ta thích uống rượu?

Một số người dùng rượu để giải toả những cảm xúc tiêu cực. Thế nên mới có cụm từ “mượn rượu giải sầu”. Nhưng rượu có thực sự giải quyết những vấn đề họ gặp phải không? Câu trả lời là không. Thế nên mới lại có câu “Rút gươm chém xuống nước, nước càng chảy mạnh – Uống rượu tiêu sầu, càng sầu thêm”. Bởi sau những cuộc rượu, người ta không chỉ đập mặt trở lại vào thực tại đầy bế tắc của mình mà thậm chí còn bế tắc thêm vì những vấn đề mới do rượu gây ra. Bạn thất tình, bạn đi uống rượu, uống say đâm xe vào cột điện. Thế là bạn không chỉ đau tim mà còn đau cả người và đau cả ví tiền. Đấy là chưa kể nếu bạn không đâm vào cột điện mà đâm vào người nào đấy thì ngoài những thứ nói trên, bạn còn đau đầu nữa.

Một số người không uống rượu vì buồn mà vì đam mê hương vị cay nồng của nó. Với họ, uống rượu là cách để tận hưởng cuộc sống, tương tự như cách giới trẻ phát cuồng vì trà sữa trân châu. Nhưng cái gì nhiều quá cũng không tốt. Mặc dù rượu không bị cấm như ma tuý nhưng tôi tin rằng giữa một người nghiện rượu và một người nghiện ma tuý, chưa biết ai nguy hiểm hơn ai. Tôi quen một người nghiện rượu nặng đến mức một ngày của anh ta chỉ thực sự bắt đầu sau khi có giọt rượu đầu tiên vào mồm. Nghĩa là cỗ máy sinh học của anh ta cần được nạp nhiên liệu là rượu để hoạt động. Rượu không chỉ khiến các cơ quan trong cơ thể anh ta rệu rã về mặt vật lý mà còn ăn mòn tinh thần và nhân cách. Đến nỗi trong nhiều thời điểm, anh ta rất giống với một người mắc chứng loạn thần đa nhân cách – vừa vui vẻ với nhau đấy đã trở mặt 180 độ chửi bới hằn học như kẻ thù ngay. Tôi tự hỏi liệu một ngày nào đó, rượu có khiến anh ta thù ghét chính mình không?

Nhưng so với hai loại người nói trên thì loại thứ ba là đớn hèn hơn cả. Họ không uống rượu vì bản thân muốn mà vì không từ chối được lời mời của người khác. Với họ, rượu là cách để thiết lập mối quan hệ, để được công nhận là thành viên của một tập thể. Buồn cười nhất là: uống rượu để chứng tỏ mình là thằng đàn ông. Từ cổ chí kim, từ quan niệm dân gian đến khoa học, uống rượu chưa bao giờ thực sự được xem là chuẩn mực để đo lường độ nam tính. Phồn thực kiểu động vật thì người ta vẫn nói “lấy chồng xem giống”, ý chỉ chức năng sinh học của giống đực. Còn xét trên phương diện văn minh hơn thì chuẩn mực của người đàn ông là khả năng gánh vác gia đình – về tài chính cũng như tinh thần.

Chắc chắn phải có một lý do gì đó khiến cho lệnh cấm rượu ở Trung Quốc thất bại hơn 40 lần trong lịch sử của quốc gia nổi tiếng mạnh tay trong chính sách cai trị này. Nếu nói một cách lạc quan, chúng ta hãy hy vọng rằng rượu vẫn đem lại những giá trị tích cực cho xã hội, khiến người ta cho nó lý do chính đáng để tiếp tục tồn tại. Nhưng nếu nói một cách bi quan, phải chăng người ta không cấm rượu vì cái xã hội này đã nghiện rượu nặng quá rồi?

Tôi lại nghĩ về Chí Phèo với câu hỏi đầy bế tắc nhưng thể hiện rõ nhất tính người nơi hắn: Ai cho tao lương thiện? Để rồi rượu nhấn chìm tất cả, khiến hắn ta quên rằng, mình từng là một con người.