Vì sao cỗ Trung thu luôn có quả bưởi?

Phong tục mỗi nơi mỗi khác nhưng trên mâm cỗ Trung thu không bao giờ thiếu quả bưởi, bởi những ý nghĩa thú vị.

ly-do-thu-vi-giai-thich-mam-co-trung-thu-luon-co-qua-buoi

Mâm cỗ Trung thu không thể thiếu mâm ngũ quả với nhiều loại hoa quả tươi, đầy đủ sắc màu và mùi vị. Tùy theo từng gia đình, từng vùng miền mà cách sắp xếp lựa chọn trái cây bày lên mâm sẽ khác nhau. Tuy nhiên, không bao giờ mâm ngũ quả thiếu được trái bưởi. 

Ngoài lý do Trung thu cũng là mùa thu hoạch những trái bưởi tươi ngon nhất trong năm thì việc cúng bưởi trong ngày rằm tháng 8 còn mang nhiều ý nghĩa truyền thống lâu đời. Từ xa xưa, người ta tin rằng bày bưởi trong ngày này sẽ đem lại may mắn, như một lời chúc phúc cho gia chủ. Trái bưởi mang hình tròn, tượng trưng cho sự sung túc, tụ họp, hội ngộ đủ đầy của cả gia đình.

ly-do-thu-vi-giai-thich-mam-co-trung-thu-luon-co-qua-buoi-1

Trung thu luôn được coi là ngày Tết đoàn viên ở nhiều quốc gia châu Á. Đây được coi là ngày lễ mà con cháu đi làm xa sẽ trở về quây quần với gia đình, ông bà cha mẹ, gặp gỡ anh chị em họ hàng. Theo Epochtimes, trong tiếng Hán, từ "quả bưởi" (du tử) đồng âm với từ "đi lang thang", mang hàm ý hy vọng những người đang phiêu bạt tứ xứ có thể trở về nhà sau những ngày làm ăn nơi đất khách. Ngoài ra từ "bưởi" (you) trong tiếng Hán cũng đọc gần giống với từ có nghĩa là ban phát phước lành, mang lại may mắn, bình an cho gia đình.

Nếu trong nhà có cặp vợ chồng đang mong ngóng chuyện con cái thì việc cúng bưởi trong ngày tết Trung thu lại càng thêm ý nghĩa. Bởi trong ngôn ngữ địa phương, từ "trái bưởi" (youzi) cũng có cách khác đọc gần giống với từ "có con" (hữu tử), quả bưởi căng tròn cũng tượng trưng cho người mẹ đang mang bầu. Vì thế, ăn và cúng bưởi trong ngày rằm tháng 8 còn mang ước nguyện sớm sinh quý tử.

ly-do-thu-vi-giai-thich-mam-co-trung-thu-luon-co-qua-buoi-2

Ở Việt Nam, người dân không chỉ bày quả bưởi chín mọng trong mâm ngũ quả mà còn tạo nên hình nộm chú chó bưởi, dành cho các em nhỏ trong đêm phá cỗ. Tục lệ này bắt nguồn từ sự tích "Chú cuội trông trăng" của người Việt xưa.

Trong câu chuyện đó, chú chó của chàng Cuội từng tình nguyện hiến ruột của mình để thay cho người vợ đã chết của Cuội. Bởi thế, người vợ cải tử hoàn sinh, trở về từ cõi chết. Nhằm hàm ơn hành động trung thành, có tình có nghĩa, Cuội bèn nặn thử một bộ ruột bằng đất để thay thế, rồi đặt vào bụng, không ngờ chú chó cũng sống lại. Từ đó, trong đêm phá cỗ trông trăng, người ta thường đặt lên mâm cúng một chú chó làm từ bưởi với ý nghĩa tôn vinh những hành động tốt đẹp.

Theo Ngôi sao

TIN LIÊN QUAN

Tin mới