Vì sao đào tạo trẻ Sông Lam Nghệ An càng lên cao càng 'gặp khó'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) -  Giải Bóng đá Thiếu niên - Nhi đồng Cúp Báo Nghệ An lần thứ 24 vừa tổ chức mới đây thu hút sự quan tâm không chỉ với những người yêu bóng đá trong tỉnh mà tới cả các cơ quan chức năng thuộc Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cũng như truyền thông cả nước.
Giải Bóng đá TN - NĐ Cúp Báo Nghệ An là sân chơi cho các bạn nhỏ trên địa bàn tỉnh cũng là nơi các nhà tuyển trạch SLNA lựa chọn các gương mặt sáng giá cho thể thao tỉnh nhà. Ảnh: Đức Anh

Giải Bóng đá TN - NĐ Cúp Báo Nghệ An là sân chơi cho các bạn nhỏ trên địa bàn tỉnh cũng là nơi các nhà tuyển trạch SLNA lựa chọn các gương mặt sáng giá cho thể thao tỉnh nhà. Ảnh: Đức Anh

Cùng thời điểm, các đội U thuộc lò đào tạo SLNA lần lượt lọt vào các vòng chung kết cấp quốc gia như U11, U13 hay lượt đi bất bại của U17… cho thấy nền tảng đào tạo trẻ khó ai sánh kịp từ nhiều năm nay đang được kế tiếp một cách vững vàng, bài bản, vừa mang tính chiều rộng vừa được tập trung nâng cao nhằm tạo nguồn cho đội 1 và các đội tuyển quốc gia theo yêu cầu đặt ra.

Các cầu thủ U13 SLNA . Ảnh: tư liệu

Các cầu thủ U13 SLNA . Ảnh: tư liệu

Đó thực sự là niềm tự hào xứ Nghệ và có thể nói, địa phương và cơ sở từ nhiều năm nay đã thực sự làm tốt việc phát động phong trào, gây dựng và tập hợp những nhân tố ban đầu cho công tác đào tạo trẻ. Vấn đề là từ đó, ngành TDTT từ tỉnh đến Trung ương, các CLB bóng đá chuyên nghiệp, VFF đã thực hành công tác đào tạo, thi đấu, tuyển chọn như thế nào để tạo ra những đội tuyển chất lượng khi “đem chuông đi đánh xứ người”.

Một thực tế gần đây cho thấy, nếu như từ các lứa U11, 13, 15, 17…, SLNA luôn dẫn đầu với nhiều kết quả thuyết phục thì lên lứa từ U19 trở đi, lò này đuối dần và ngày càng khó chọi với các lò Hà Nội, Viettel, PVF hay HAGL. Xuân Tiến, Văn Cường, Văn Bách… chơi rất thuyết phục ở giải đấu U17, nhưng chỉ 2 năm sau, họ vô cùng khó khăn để đối đầu với U19 Hà Nội, U19 Viettel hay U19 Học viện NutiFood. Bằng chứng thuyết phục nhất là Văn Trường của U19 Hà Nội được gọi lên U23 Việt Nam thi đấu tại VCK U23 châu Á mới đây nhưng điều đó với không chỉ Xuân Tiến là lứa đàn em mà cả những đàn anh như Văn Lắm, Sỹ Hoàng, Văn Việt… cũng còn bị “bỏ lại phía sau” một cách không thương tiếc.

Rộng hơn là từ khi bóng đá Việt lớn mạnh, vươn tầm, người của lò SLNA chỉ còn sót lại những Ngọc Hải, Văn Đức, còn lớp kế cận chỉ được gọi tập trung rồi bị loại ở giây phút quyết định ở ĐT Việt Nam cũng như U23 Việt Nam. Câu chuyện của lò đào tạo trẻ SLNA tụt hậu với các lứa U 19 hay 21, 23… chắc chắn là một đề tài không mới của truyền thông và của những người có trách nhiệm và có thể từng bước được khắc phục khi SLNA có nhà tài trợ mới tâm huyết và có thực lực để đầu tư, để nâng tầm mọi mặt. Và các giải đấu của các đội U này trong các năm tới sẽ tự trả lời rằng, lò SLNA có theo kịp các lò Hà Nội, Viettel…hay không hay vẫn chỉ về ba, về bốn trong các giải đấu đó như trước? Điều cốt tử phải là, ngoài kinh nghiệm có thừa của đội ngũ HLV, các yêu cầu về rèn luyện thể chất, về y học thể thao, về áp dụng công nghệ mới… SLNA đã và đang tiệm cận và ngang cơ với các lò khác để tạo ra những “sản phẩm” hoàn thiện, có một không hai..?

Cao hơn, lớn hơn là câu chuyện đào tạo trẻ, thi đấu của các đội trẻ, tài năng trẻ trong hệ thống thi đấu của V. League 1 và 2 hàng năm. Khi U23 Việt Nam dưới tay thầy Gong Oh-kyun thay đổi hoàn toàn triết lý chơi bóng với yêu cầu mới về kỹ, chiến thuật, về sức mạnh thể chất và tinh thần, những Văn Trường, Văn Khang, Tuấn Tài… đã đáp ứng được nhưng rõ ràng càng đi vào vòng trong, chúng ta càng… ngợp thở và thua cuộc.

Hãy nhìn cách các cầu thủ U23 Arabia Saudi thi đấu kinh nghiệm, cao tay bên cạnh kỹ thuật điêu luyện, sức mạnh vượt trội… thì thấy rõ họ dù trẻ nhưng được thi đấu thường xuyên ở các giải chuyên nghiệp trong và ngoài nước, trong khi những Văn Trường, Văn Khang hay Tuấn Tài đang chỉ thi đấu ở giải trẻ U19 hay hạng Nhất mà thôi. Hãy nhìn cách U23 Nhật Bản (thực chất là lứa U19, U21) quật ngã ĐKVĐ U23 Hàn Quốc, để thấy cách làm đường dài của người Nhật về bóng đá trẻ, về cả một hệ thống theo dõi, đánh giá chất lượng cầu thủ trẻ phục vụ cho quy hoạch các đội tuyển, về cách họ đón đầu các giải đấu ở phía trước…

Trong khi V. League 1, 2 đang loay hoay với việc dùng 2 hay 3 cầu thủ ngoại, còn tính toán về việc bắt buộc phải có 1 cầu thủ U23 trong đội hình các CLB hay một giải trẻ đi kèm giải của đội 1… thì thiên hạ đã đi những bước dài tiến lên chuyên nghiệp và vươn tới những đỉnh cao mới.

Lò SLNA hoàn toàn có thể yên tâm, tự hào với những lứa U nhỏ tuổi, những trận đấu giao hữu thắng giòn giã các đội bóng phong trào, các đội yếu… nhưng làm sao có thể bằng lòng với việc từ lứa U19 trở đi, chúng ta bắt đầu khó khăn, vất vả để giành được một tấm huy chương. Bằng lòng sao được khi U23 Việt Nam dần vắng bóng các nhân tố từ SLNA và xu hướng này đang là một thực tế đáng buồn không thể không nói ra (?).

Câu hỏi vẫn là tại sao có nền tảng cơ sở tốt, điểm xuất phát tốt như cách các lứa U lọt vào các VCK, như cách Giải Bóng đá TN-NĐ Cúp Báo Nghệ An thành công mới đây, mà càng lên cao, đi sâu chúng ta lại càng tụt dần, đuối sức so với các trung tâm hàng đầu?

Tin mới