Vì sao hàng trăm tàu cá ở Nghệ An nằm bờ giữa mùa đánh bắt cao điểm?

(Baonghean) - Tháng 5 là mùa cao điểm đánh bắt của các ngư trường nhưng hàng trăm tàu cá ở Nghệ An lại đang phải nằm bờ vì không thể đăng kiểm...
Luật Thủy sản năm 2017 và Nghị định của Chính phủ đề ra lộ trình: các tàu có chiều dài trên 15 m phải lắp thiết bị giám sát hành trình, trong đó tàu có chiều dài trên 24 m lắp đặt thiết bị giám sát hành trình xong trước ngày 01/7/2019; tàu câu cá ngừ, lưới kéo có chiều dài (chủ yếu các tỉnh Nam Trung Bộ) từ 15 đến 24 m lắp đặt xong trước 01/1/2019; tàu có chiều dài từ 15 m còn lại xong trước 01/4/2020.
Tuy nhiên, các tàu dài trên 15 m, vốn chiếm đa số tại Nghệ An với 1.047 tàu lại chưa có kinh phí để lắp đặt. 
Tàu bà con ngư dân neo đậu Lạch Thơi xã Sơn Hải để chở kiểm định. Ảnh: Nguyễn Hải
Tàu bà con ngư dân neo đậu  ở Lạch Thơi, xã Sơn Hải để chở kiểm định. Ảnh: Nguyễn Hải

Về phía bà con ngư dân, trước đây chưa có tàu nào bị phạt hoặc từ chối cấp phép nên vẫn “bằng chân như vại” và chưa thực sự quan tâm đầu tư để chấp hành quy định trên. Nhưng những ngày đầu tháng 5 này, như ngư dân vùng biển xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu) bắt đầu kéo ra UBND xã thắc mắc chuyện không được cơ quan chức năng kiểm định để làm thủ tục cấp phép khai thác. Trong khi thực tế ngư dân đã không chịu lắp đặt thiết bị, Chi cục Thủy sản đã cử người về để làm thủ tục kiểm định cấp phép nhưng không tiến hành làm...

Đến ngày 4/5, theo Chi cục Thủy sản cho biết tổng cộng toàn tỉnh mới có 57% trong tổng số gần 1.300 tàu trên 15m là có thiết bị giám sát hành trình. Việc xã Sơn Hải có 175 tàu cá hết hạn đăng kiểm nhưng chưa được đăng kiểm một phần do đa số tàu trên 15 m của bà con xã này chưa lắp đặt thiết bị giám sát theo quy định.

Thực trạng trên không chỉ riêng bà con Sơn Hải mà còn bà con ngư dân các xã Quỳnh Long, Quỳnh Tiến, Quỳnh Nghĩa và các xã Quỳnh Phương, Quỳnh Lập (TX Hoàng Mai) là những nơi có nhiều tàu đánh bắt trên 15 m.
Bên cạnh đó, phương tiện đánh bắt trên biển phải được sơn đúng màu. Ảnh: N.H
Bên cạnh đó, phương tiện đánh bắt trên biển phải được sơn đúng màu. Ảnh: N.H
Theo quy định của Điều 50, Luật Thủy sản, một  tàu muốn có giấy phép phải có 8 loại giấy tờ, thủ tục, trong đó có xác nhận đã lắp giám sát hành trình nên Chi cục Thủy sản không thể làm trái luật.
Lý do mà bà con đưa ra để chưa chịu lắp đặt là do đánh bắt thủy sản mấy năm nay khó khăn và giá 30 triệu đồng/thiết bị kèm phí dịch vụ vệ tinh từ 300-500 ngàn đồng/tháng là quá cao. Bên cạnh đó, việc giám sát hành trình sẽ khiến cho tàu cá bị phạt nếu đi vào vùng không được phép (?!)
Được biết, tàu cá có chiều dài từ 24 mét trở lên nếu không có thiết bị giám sát hành trình và giấy phép đánh bắt thì không được phép ra khơi và nguy cơ bị cơ quan chức năng trên biển nước ta xử phạt rất cao.
Theo Nghị định của Chính phủ, tàu trên 24m nếu không đủ giấy phép sẽ bị phạt mức từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, tàu trên 15 mét bị xử phạt từ 300 - 500 triệu đồng, thậm chí phạt 500 -700 triệu đồng nếu tái phạm. Tàu dài trên 24m đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình nhưng trong quá trình khai thác mà không mở sẽ bị phạt từ 300-500 triệu đồng. Nếu đánh bắt sang vùng biển nước bạn mà bị lực lượng chức năng các nước phát hiện sẽ bị phạt rất nặng và tịch thu tàu.
Ngư dân làm thủ tục trước khi xuất bến tại Trạm biên phòng Lạch Quèn. Ảnh: N.H
Ngư dân làm thủ tục trước khi xuất bến tại Trạm Biên phòng Lạch Quèn. Ảnh: N.H

Hiện tại, Chi cục Thủy sản và UBND huyện Quỳnh Lưu đang giao cho UBND các địa phương đối thoại, giải thích với người dân về quy định mới của Luật Thủy sản. Về phía người dân, tại các buổi đối thoại cũng kiến nghị, do hoạt động đánh bắt đang gặp khó khăn nên Nhà nước cần gia hạn hoặc hỗ trợ bà con ngư dân về kinh phí để lắp đặt.

Liên quan đến cơ chế hỗ trợ, qua tìm hiểu, được biết một số tỉnh ven biển miền Trung và miền Nam đều có cơ chế hỗ trợ ngư dân lắp đặt thiết bị này. Cụ thể như Bình Định hỗ trợ 10 triệu đồng/thiết bị, Kiên Giang, Cà Mau, Bình Thuận, Đà Nẵng… hỗ trợ 100% kinh phí nên hiện lắp đặt được trên 90%. Các tỉnh ven biển phía Bắc vì chưa có cơ chế hỗ trợ nên hiện tại tỷ lệ lắp đặt mới chỉ 20-30%. 

Tại Nghệ An, chính sách hỗ trợ trong lĩnh vực nông nghiệp theo Quyết định 15/QĐ.UB năm 2018 của UBND tỉnh không có quy định hỗ trợ loại thiết bị này.
Ngư dân Sơn Hải chuẩn bị ngư lưới cụ vươn khơi. Ảnh: N.H
Ngư dân Sơn Hải chuẩn bị ngư lưới cụ vươn khơi. Ảnh: N.H

Ông Hoàng Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hải cho biết, Tháng 5 đang là tháng cao điểm về đánh bắt nên cần tạo điều kiện cho bà con vươn khơi bám biển. Trong bối cảnh hiện nay, phương án hợp lý là tỉnh cùng huyện, xã đứng ra bảo lãnh, kêu gọi doanh nghiệp cung cấp thiết bị đứng ra tổ chức lắp đặt cho bà con ngư dân, bà con phải cam kết trả góp từng chuyến biển hoặc hàng tháng. 

Ông Trần Như Long - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho rằng: Phương án khả thi nhất là hỗ trợ 30-50% kinh phí phí dịch vụ vệ tinh hàng tháng cho bà con ngư dân. Điều kiện bắt buộc để hưởng hỗ trợ trên là khi đánh bắt phải thường xuyên bật chế độ giám sát hành trình, nếu mất tín hiệu mà không có lý do khách quan thì sẽ không được hưởng. Với phương án này và mức phí vệ tinh hiện tại từ 300-500 nghìn đồng/thiết bị/tháng, tỉnh sẽ phải dành ngân sách khoảng 150-300 triệu đồng/tháng để hỗ trợ bà con ngư dân.

Sắp tới, căn cứ vào tình hình thực tiễn, Chi cục sẽ bàn bạc và kiến nghị với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Tin mới