Vì sao HLV Park Hang-seo cố 'níu kéo' học trò cưng?

(Baonghean.vn) - Người hâm mộ bóng đá theo dõi hành trình của các đội bóng ở bảng B Vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á hẳn đều biết ở ngay lượt trận đầu tiên trên sân khách, ĐT Oman đã gây bất ngờ bằng chiến thắng 1-0 trước ĐT Nhật Bản.

Bàn thắng của ĐT Oman đến từ một tình huống tấn công biên rất xuất sắc ở cuối trận, khiến cho chủ nhà Nhật Bản dù vô cùng cố gắng, đành phải chịu thua và sau đó giành chiến thắng liên tiếp 6 trận để lên ngôi đầu bảng B sau lượt trận thứ 9, chính thức có vé đi World Cup trước 1 vòng đấu.

Ở lượt trận thứ 9 mới đây, cũng trên sân khách, ĐT Oman lại giành chiến thắng 1-0 trước ĐT Việt Nam, bằng tình huống đánh đầu từ 1 quả phạt góc. Đây là bàn thắng thứ 2 ghi được từ tình huống phạt góc vào lưới ĐT Việt Nam (bàn trước ở trận lượt đi). Điều đó nói lên rằng, ĐT Oman là một đối thủ đẳng cấp thực sự và thua trận trước đại diện Tây Á này không phải là điều “không tiêu hóa nổi”. Có chăng, điều cần nói là ĐT Việt Nam lẽ ra phải làm tốt hơn so với những gì đã diễn ra trong trận đấu cuối trên sân nhà của thầy trò ông Park Hang-seo.

Đội hình tuyển Việt Nam trận gặp tuyển Oman. Ảnh Hải Hoàng
Đội hình tuyển Việt Nam trận gặp tuyển Oman. Ảnh: Hải Hoàng

Sự tự tin, bình tĩnh, không e ngại đối thủ của Hùng Dũng và đồng đội là điều thấy rõ trong hiệp 1 cũng như 20 phút đầu hiệp 2. Nhưng rõ ràng, sau khi thăm dò kỹ càng đối thủ, ý đồ bung sức tấn công từ đầu hiệp 2 của ông Park Hang-seo lập tức nảy sinh câu chuyện không mới, lặp đi lặp lại của ĐT Việt Nam. Đó là ông Park Hang-seo, từ chỗ tin cậy Tuấn Anh để cầu thủ này đá chính, rồi lại thay ra ngay sau 1 hiệp đấu, vừa dội gáo nước lạnh vào cầu thủ con cưng, vừa cho thấy ông thầy thiếu can đảm trong sử dụng lực lượng. Các nhà cầm quân trên thế giới, khi triển khai thế trận, ngoại trừ trường hợp đặc biệt phải thay sớm cầu thủ không đạt yêu cầu, bị cóng, bị lỗi nặng…thì ít nhất cũng phải chờ đến phút 60-65 của trận đấu mới có thể “đổi bài” nhằm tạo ra thế trận mới. Tuấn Anh chơi tròn vai, không xuất sắc như hồi Vòng loại thứ 2 nhưng chưa đến nỗi tệ, lại được thay ra sau 45 phút khi mọi việc vẫn trong tầm kiểm soát là một dấu hỏi dành cho ban huấn luyện sau trận đấu này?

Thủ môn Trần Nguyên Mạnh. Ảnh Hải Hoàng
Nguyên Mạnh liên tục yêu cầu các đồng đội chơi tập trung hơn. Ảnh: Hải Hoàng

Cũng như thường lệ, ông Park Hang-seo tung Công Phượng vào sân tăng cường lực lượng tấn công cùng Tiến Linh-Tuấn Hải thành 3 mũi giáp công khi dâng cao hoặc yêu cầu Tuấn Hải lùi sâu hỗ trợ phòng ngự khi cần thiết và vẫn giữ nguyên cặp đôi tấn công như trước. Tiếc thay chỉ ít phút đầu hiệp 2, Tiến Linh gặp chấn thương, khiến ý đồ lớn của ông Park Hang-seo bị phá sản.

Lần này, ông lại tung tiếp Văn Toàn vào sân và mọi việc lại gợi nhớ hiệp 2 trận bán kết lượt về gặp ĐT Thái Lan tại AFF Cup 2021 vừa qua, nhất là phát biểu công khai lần đầu tiên hiếm hoi chê học trò của chính ông thầy sau trận đấu đó? Ông Park Hang-seo đã nhận hết thảy mọi điều từ học trò, từ những trận thua liên tiếp để làm mới, làm lại, tung ra một đội hình chơi cực hay trong trận gặp ĐT Trung Quốc ở lượt đấu thứ 8. Nhưng tiếc thay, tới lượt đấu thứ 9, ông thầy lại không vượt qua được chính mình, vẫn lại tin dùng những nhân tố chưa hết cảnh "chán bóng đá”, chơi vô hồn, bế tắc trong suốt chiến dịch Vòng loại thứ 3, AFF Cup 2021 và 4 trận đầu V.League 2022?

Dù đã rất cố gắng nhưng Ngọc Hải và các đồng đội vẫn để mất điểm tại Mỹ Đình. Ảnh: Hải Hoàng
Dù đã rất cố gắng nhưng Quế Ngọc Hải và các đồng đội vẫn để mất điểm tại Mỹ Đình. Ảnh: Hải Hoàng

Có một điểm nữa cho thấy, trước đây ông Park Hang-seo đã đúng nhưng vì lý do khách quan nên ông phải sử dụng và gánh ngay hậu quả. Đó là nhiều người không hiểu sao ông Park Hang-seo mặc định sử dụng Hồng Duy khi cầu thủ này liên tục mắc lỗi và cạn kiệt tiềm năng mà không phải là Tấn Tài, một hậu vệ tham gia tấn công rất hay trong những lần được tung vào sân? Hẳn phải có lý do riêng của việc quan trọng này và nhiều người hiểu là Hồng Duy được tin cậy vì hiện không có ai phù hợp bên cánh trái, còn Tấn Tài lại yếu trong phòng ngự?

Cặp đôi tấn công biên của ĐT Việt Nam, sau thời kỳ Văn Hậu -Trọng Hoàng, trong con mắt của ông Park Hang-seo chỉ có thể là Hồng Duy-Văn Thanh, còn Tấn Tài chỉ là dự bị? Thực ra, trước các đối thủ đẳng cấp thì Trọng Hoàng hay đến mấy cũng bất lực, nói gì đến các đàn em. Hồng Duy mắc lỗi trong các bàn thua trận gặp Austrailia, Nhật Bản, rồi Thái Lan…Trận đấu mới nhất gặp ĐT Oman, khi được đá chính, Tấn Tài lại để sổng cầu thủ đối phương dẫn đến bàn thua duy nhất của đội nhà? Ông Park Hang-seo rõ ràng đã thấy hết câu chuyện, nhưng trong trường hợp này phải liệu cơm gắp mắm và nhận được kết cục tất yếu mà thôi.

Cổ động viên tại sân Mỹ Đình trong trận tuyển Việt Nam gặp Oman. Ảnh: Hải Hoàng
Cổ động viên tại sân Mỹ Đình trong trận tuyển Việt Nam gặp Oman. Ảnh: Hải Hoàng

Vấn đề là cung cách làm mới, làm lại lực lượng của ông Park Hang-seo đang gặp khó bởi nguyên nhân khách quan (chấn thương, thẻ phạt, mắc Covid-19…) và bởi sự chập chờn, không dứt khoát, nửa vời của chính ban huấn luyện. Rõ ràng, những tuyển thủ lâu nay hết động lực, đến ngưỡng nên được dưỡng sức, nâng tầm thêm trước khi tiếp tục giao gánh vác nhiệm vụ quốc gia. Câu chuyện “phong độ nhất thời, đẳng cấp mãi mãi” chỉ đúng với một số người, không phải là tất cả và quy luật đào thải đã và đang nói lên điều đó, không chỉ với cầu thủ không đáp ứng mà thậm chí cả với bộ sậu cầm lái của đội tuyển trước những yêu cầu mới?

Nói gọn lại, thua cả 2 trận trước ĐT Oman không phải là thảm họa nhưng với cách vận hành hiện nay của đội tuyển, quá trình làm mới, làm lại của ông Park Hang-seo lại đang đặt ra nhiều băn khoăn, nghi ngại, trước hết từ chính người cầm trịch là ông thầy người Hàn Quốc?

Tin mới