Vì sao hộp số sàn ngày càng bị thất sủng?

Hộp số sàn có cấu tạo đơn giản và bền bỉ, nhưng hiện nay số lượng xe sử dụng hộp số tay trên thị trường đang ngày càng giảm dần. Vì sao lại có tình trạng này?
Đặc điểm chính của hộp số sàn hay còn gọi số tay là người lái phải tự chuyển số bằng pê-đan côn và cần số. Thành phần chính của hộp số sàn gồm một trục bánh răng trung gian, hoạt động nhờ kết nối với trục xoay của động cơ.
Thông thường, trên các dòng xe ô tô con, hộp số sàn thường có 5 hoặc 6 cấp, trên các dòng xe tải nặng sẽ có nhiều cấp số hơn.
Hộp số sàn 6 cấp trên siêu xe Audi R8. Ảnh: GTCARLOT
Hộp số sàn 6 cấp trên siêu xe Audi R8. Ảnh: GTCARLOT
Ưu thế nổi trội của hộp số sàn là tiết kiệm nhiên liệu. Trên đường trường, số tay tiết kiệm từ 5-15% nhiên liệu so với số tự động. Tuy nhiên, hiện nay công nghệ hộp số tự động mới được trang bị nhiều cấp số hơn, làm giảm bớt khoảng cách về khả năng tiết kiệm nhiên liệu so với hộp số sàn.
Ngoài ra, hộp số tay còn có ưu điểm giá thành, bảo dưỡng đơn giản hơn, ít tốn kém hơn.
Hộp số sàn nếu được sử dụng thích hợp có thể hoạt động hàng trăm nghìn km mà không gặp trục trặc. Việc thay dầu định kỳ cũng không thường xuyên như hộp số tự động. Quan trọng hơn, số sàn tạo cảm giác chế ngự trực tiếp sức mạnh của động cơ ô tô và người điều khiển có thể cảm nhận được sức mạnh tối đa của động cơ.
Tuy nhiên, bên cạnh các ưu điểm trên, hộp số sàn cũng gặp phải bất tiện trong việc phải thực hiện quá nhiều thao tác khi lái xe, các thao tác chân côn và cần số liên tục. Việc sử dụng số sàn có thể là trải nghiệm “kinh khủng” khi bị kẹt xe trong thành phố.
Cũng chính sự bất tiện này, hộp số sàn trên các dòng xe ô tô con dần đánh mất đi khách hàng. Họ quay sang lựa chọn loại hộp số tự động để giúp việc vận hành xe trở nên đơn giản và thoải mái hơn trong khi sự chênh lệch về tiêu hao nhiên liệu và độ bền không đáng kể.

Tin mới