Vì sao miền Tây Nghệ An vẫn còn nghèo?

(Baonghean.vn) - Đây là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm nêu câu hỏi tại phiên chất vấn về nội dung thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Nghệ An tại kỳ họp thứ 8 - HĐND tỉnh khóa XVII, chiều 11/12.

Vì sao vùng miền Tây vẫn còn nghèo?

Ông Hoàng Viết Đường điều hành phiên chất vấn về thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Thành Cường
Ông Hoàng Viết Đường - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh điều hành phiên chất vấn về thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Thành Cường
Đại biểu Đinh Thị An Phong (đơn vị Nghi Lộc) nêu câu hỏi băn khoăn về việc thực hiện các dự án giảm nghèo như thế nào? Tại sao vẫn diễn ra tình trạng tái nghèo và vẫn còn tồn tại tư tưởng không muốn thoát nghèo trong đồng bào các dân tộc? Hàng năm có bao nhiêu thôn bản đủ điều kiện thoát nghèo?
Bà An Phong cũng nêu việc các năm 2016 – 2018, Thanh tra Ban Dân tộc phát hiện các sai phạm trong đầu tư xây dựng các công trình trên địa bàn miền núi, đề nghị các ban, ngành nêu rõ nguyên nhân và trách nhiệm của các cá nhân, tập thể liên quan?

Đại biểu Hoàng Thanh Bình (đơn vị TP. Vinh) nêu câu hỏi về thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo theo QĐ 102/QĐ-TTg có nhiều bất cập, mức hỗ trợ thấp, không đồng đều. Ông Bình đề nghị đại biểu nêu các biện pháp khắc phục cụ thể?

Đại biểu Thái Thị An Chung nêu câu hỏi tại phiên chất vấn. Ảnh: Thành Cường
Đại biểu Thái Thị An Chung nêu câu hỏi tại phiên chất vấn. Ảnh: Thành Cường
Cũng thể hiện băn khoăn về các vấn đề trên, bà Lục Thị Liên (đơn vị Tương Dương) cho rằng trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chính sách đầu tư trọng điểm cho vùng dân tộc với nguồn vốn cấp không nhỏ, song hộ nghèo còn cao, chưa có mô hình kinh tế nổi bật, đề nghị tỉnh đánh giá kết quả cụ thể và đề ra phương hướng thực hiện có hiệu quả hơn trong thời gian tới. Bà Lục Thị Liên cũng nêu băn khoăn về một số nội dung thực hiện Đề án xây dựng nông thôn mới cho vùng miền Tây còn chưa hiệu quả, đề nghị được giải trình cụ thể.

Đại biểu Nguyễn Hữu Vinh (đơn vị Thanh Chương) cũng nêu yêu cầu được giải đáp một số nội dung về chính sách đầu tư cho vùng tái định cư các dự án thủy điện chưa được thực hiện triệt để trên địa bàn Thanh Chương.

Thiếu hoặc chưa có kinh phí thực hiện

Trước những câu hỏi “nóng” về các vấn đề phát triển kinh tế, đã có 4 đại biểu đại diện các sở, ban, ngành trả lời, tranh luận khá sôi nổi.

Đoàn công tác của Ngân hàng Chính sách xã hội thăm các mô hình kinh tế ở huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Thu Huyền
Đoàn công tác của Ngân hàng Chính sách xã hội thăm các mô hình kinh tế ở huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Thu Huyền

Trả lời các câu hỏi liên quan trách nhiệm Ban Dân tộc tỉnh, ông Lương Thanh Hải cho biết, chính sách dân tộc được phân chia thành 13 nhóm chính sách và liên quan đến 17 sở và 11 ban, ngành triển khai chỉ đạo thực hiện.

Hiện nay, cả nước có 96 chính sách được thể hiện qua 152 văn bản đang có hiệu lực chỉ đạo thực hiện. Trong đó, các chính sách dân tộc còn có hiệu lực trên địa bàn tỉnh Nghệ An là 70 chính sách của Trung ương, 12 chính sách của tỉnh (tính đến 30/6/2018) và liên quan trực tiếp đến 14 sở, ban, ngành chỉ đạo thực hiện.

Ông Lương Thanh Hải cho biết, đối với thực hiện các Quyết định số 2085/QĐ-TTg,  Quyết định số 1342/QĐ-TTg, Quyết định số 1592/QĐ-TTg, theo Quyết định 102/QĐ-TTg, Quyết định 102… trong đầu tư phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, đầu tư cơ sở hạ tầng vùng miền núi đều gặp vấn đề khó khăn lớn nhất là về bố trí nguồn vốn.

“Nhiều chính sách, dự án đầu tư đưa vào thực hiện nhưng phần lớn còn thiếu vốn nên chưa hiệu quả, có những chính sách mới chỉ cấp được số vốn 0,05% hoặc chưa có kinh phí” – ông Lương Thanh Hải nhấn mạnh.

Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lương Thanh Hải giải trình các nội dung tại phiên chất vấn. Ảnh: Thành Cường
Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lương Thanh Hải giải trình các nội dung tại phiên chất vấn. Ảnh: Thành Cường
Trả lời ý kiến của đại biểu Hoàng Thanh Bình -Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho hay, do quy định của hướng dẫn thực hiện nên việc hỗ trợ hộ nghèo vùng bãi ngang, vùng đặc biệt khó khăn bằng cấp các hiện vật như muối, cây giống, giống gà, vịt, thuốc trừ sâu, nhất là yêu cầu phải đảm bảo trên 90% đồng bào có muối i - ốt.
Ban Dân tộc tỉnh đã giao tiền cho huyện để thực hiện nhưng chưa hiệu quả, cho nên ông đề nghị cần giao cho 1 đơn vị độc lập để thực hiện. Hơn nữa do dự án có suất đầu tư thấp nên không thể cấp bò, nên hiệu quả chưa cao.

Trả lời ý kiến bà Đinh Thị An Phong về việc Thanh tra Ban Dân tộc tỉnh và Thanh tra tỉnh đã thanh tra hơn 100 công trình, thu, phạt hơn 500 triệu đồng, ông Hải cho biết trách nhiệm thuộc chủ đầu tư, trung bình mỗi công trình sai phạm khoảng 5 triệu đồng.

Ông Đoàn Hồng Vũ – Giám đốc Sở LĐ-TB&XH trả lời vấn đề giảm nghèo, tình trạng tái nghèo ở vùng các dân tộc thiểu số cho biết, hộ nghèo toàn tỉnh cuối năm 2017 có hơn 65 nghìn hộ, vùng miền núi chiếm 7% với 4.700 hộ.

Ông Đoàn Hồng Vũ cho rằng  băn khoăn của cử tri và đại biểu là có cơ sở, song việc chấm điểm xác định hộ nghèo theo tiêu chuẩn mới không ràng buộc tỷ lệ, và hiện nay các địa phương đã thực hiện khá chính xác.

Mô hình chăn nuôi của người dân Bản Mòng 2 xã Cắm Muộn Quế Phong. Ảnh: Hoài Thu
Mô hình chăn nuôi của người dân bản Mòng 2, xã Cắm Muộn, Quế Phong. Ảnh: Hoài Thu
Cũng trả lời về nội dung này, ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời làm rõ thêm một số nội dung trong thực hiện QĐ 61/QĐ-TTg về đề án xây dựng nông thôn mới gắn bảo vệ quốc phòng, an ninh ở các xã biên giới.
Ông Hiếu cho biết, với chính sách này, Đảng, Nhà nước đã thể hiện sự quan tâm đối với các xã miền núi khi ưu tiên đầu tư gấp 4 lần các vùng khác. Với quy định mới trong năm 2018, Sở đã xây dựng xong kế hoạch, chỉ rõ các giải pháp thực hiện, trong đó sẽ  ưu tiên tuyên truyền, sau đó là ưu tiên đầu tư nguồn lực.
Sở sẽ làm việc với Bộ NN&PTNT để đăng ký nguồn vốn, ngoài ra sẽ lồng ghép nhiều dự án khác để tiếp cận, cố gắng sẽ thực hiện đạt mục tiêu đề ra.
“Chúng tôi cũng sẽ thực hiện một số chính sách khác cho người dân địa bàn miền núi như giao đất gắn giao rừng, dự kiến đầu năm 2019 sẽ giao đất gắn giao rừng 109.609 ha trên địa bàn tỉnh” - ông Hoàng Nghĩa Hiếu cho biết.

Đối với câu hỏi của bà Lục Thị Liên về các chương trình, dự án đầu tư cho khu vực miền núi, ông Nguyễn Văn Độ - Giám đốc Sở KH&ĐT cho hay, vùng miền Tây là vùng khó khăn, địa bàn rộng lớn. Do đó khó khăn về đầu tư hạ tầng. Bên cạnh đó, cần phải quy hoạch dân cư ổn định thì mới đầu tư cơ sở hạ tầng được. Đối với kinh phí đầu tư cho vùng miền núi phải khẳng định là khá cao, đầu tư công (QĐ 2355 đã khai thác được nhiều nguồn lực) và đầu tư theo chính sách. Song khó khăn là do lâu nay thực hiện theo kiểu “rải mành mành” nên ít hiệu quả.

Về chương trình xóa đói, giảm nghèo bền vững, ông Nguyễn Văn Độ cho hay, riêng Chương trình 30a đã đầu tư tăng gấp đôi, chương trình xây dựng nông thôn mới hơn 200 tỷ đồng và các huyện đã khai thác đầu tư khá hiệu quả.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Mai Hoa
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Mai Hoa

Còn đối với giáo dục có 2 mảng đầu tư là các trường nội trú và xây dựng tỷ lệ trường chuẩn khá cao. Kỳ họp lần này sẽ xin ý kiến thông qua chính sách thu hút đầu tư vào vùng miền Tây với cách làm “đưa chính sách đi sau doanh nghiệp”, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào vùng này, có hiệu quả sẽ thực hiện các chính sách ưu tiên.

Băn khoăn tình hình an sinh xã hội vùng miền Tây

Ngoài phát triển kinh tế, giảm nghèo, các đại biểu cũng nêu các ý kiến yêu cầu giải trình về vấn đề hôn nhân cận huyết thống, nạn tảo hôn, việc xuất khẩu lao động chui ra nước ngoài ở địa bàn miền núi còn để lại nhiều hệ lụy.

Đại biểu Thái Thị An Chung nêu câu hỏi về hiệu quả của thực hiện Đề án giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống triển khai từ năm 2015, yêu cầu cho biết các mục tiêu đã đạt được đến đâu, tình trạng này có giảm hay không, giảm như thế nào? Các phụ nữ vượt biên sang Trung Quốc bán con liệu Ban Dân tộc có nắm được thực trạng này không? Ông Trưởng ban Dân tộc tỉnh thấy trách nhiệm của mình như thế nào và cần làm gì để ngăn chặn tình trạng này?

Còn đại biểu Lục Thị Liên nêu câu hỏi về  hiệu quả thực hiện Chính sách Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số. Bà Liên cho rằng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số chưa đảm bảo tỷ lệ quy định hoặc không có, chưa phù hợp, tỷ lệ người dân tộc thiểu số ở địa phương có chiều hướng giảm, đề nghị tỉnh cho biết nguyên nhân và giải pháp nhằm đáp ứng yêu cầu?

Giám đốc Sở KH&DDT trả lời chất vấn về thực hiện các chính sách dân tộc. Ảnh:Thành Cường
Giám đốc Sở KH&ĐT trả lời chất vấn về thực hiện các chính sách dân tộc. Ảnh:Thành Cường
Đại biểu Trần Duy Ngoãn đề nghị được giải đáp các băn khoăn trong thực hiện chính sách cấp báo cho đồng bào các dân tộc; chính sách cử tuyển con em các dân tộc đi đào tạo như thế nào, có bao nhiêu con em được đào tạo và phương hướng thời gian tới như thế nào?

Về các vấn đề này, Trưởng ban Dân tộc tỉnh đã trả lời khá cụ thể các nội dung liên quan thẩm quyền, trong đó về thực hiện Đề án 498 giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, ông Hải cho biết kinh phí hơn 5 tỷ đồng nhưng mới được cấp hơn 1 tỷ. Vì thế ban đã chọn các việc cần làm trước, chọn điểm để thực hiện (chọn 5 điểm ở 5 xã của 3 huyện). Những điểm đã thí điểm thì các tỷ lệ sẽ giảm nhiều.

Về số phụ nữ bán con sang Trung Quốc, cách nay 6 tháng Ban đã cùng với các huyện khảo sát số lượng lao động đi nước ngoài, trong đó cho thấy số phụ nữ đi làm ăn ở Trung Quốc khá lớn và phần lớn là bất hợp pháp. Trưởng ban Dân tộc tỉnh đề nghị UBND tỉnh giao cho ban và 1 sở, ngành liên quan điều tra thống kê rõ nội dung này.

Người dân xã Mai Sơn (Tương Dương) làm đường giao thông. ảnh tư liệu
Người dân xã Mai Sơn (Tương Dương) làm đường giao thông. ảnh tư liệu

Ông Đậu Văn Thanh - Giám đốc Sở Nội vụ tham gia trả lời các vấn đề thực hiện chế độ cử tuyển, từ năm 2005 đến nay đã cử 884 người, trong đó đại học 602 người, trung cấp 435 người và đã tốt nghiệp 844 người, nhưng hiện chưa bố trí được việc làm là 570 người.

Nguyên nhân, ông Đậu Văn Thanh cho rằng do các địa phương xây dựng chỉ tiêu ban đầu không sát thực tiễn; các huyện xây dựng chỉ tiêu cao hơn nhu cầu cần sử dụng nên dẫn đến thừa người, không có nơi bố trí công việc. Hơn nữa có một số em thời gian học kéo dài 5 - 7 năm.

Nguyên nhân tiếp theo do chính sách tinh giản biên chế nên việc bố trí cho sinh viên nói chung, sinh viên cử tuyển nói riêng bị hạn chế. Thứ 3, theo quy định tuyển công chức, viên chức phải thi tuyển thì số này khó cạnh tranh với các đối tượng khác.

Về giải pháp, ông Thanh cho biết sẽ nghiên cứu ưu tiên tiếp nhận tuyển dụng đối tượng này. Năm 2018 UBND tỉnh có công văn yêu cầu các đơn vị rà soát lại tổng thế cán bộ  công chức, trong đó có tuyển dụng người dân tộc thiểu số, sở đã có hướng dẫn cụ thể để các địa phương thực hiện.

Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Hải cũng giải trình thêm một số nội dung về bố trí kinh phí cấp báo cho đồng bào dân tộc; các nguồn kinh phí khác cho các chương trình, dự án.

Kết luận nội dung chất vấn về thực hiện các chính sách dân tộc, ông Hoàng Viết Đường - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh ghi nhận, tiếp thu các ý kiến phát biểu, thảo luận; nhận xét chất lượng chất vấn và yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan tiếp thu các ý kiến, bổ sung, trả lời các nội dung cụ thể hơn.

Các đại biểu chất vấn, trả lời chất vấn về nội dung thực hiện các chính sách dân tộc. Video: Đức Anh

Tin mới