Vì sao "một bộ phận không nhỏ" cán bộ cứ mãi suy thoái đạo đức?

Phải chăng chúng ta chưa đánh giá chính xác mức độ, tính chất của tình hình, chưa chỉ rõ nguyên nhân, chưa đề ra được hệ thống giải pháp đồng bộ và đủ mạnh…

Ngay từ khi mới ra đời, Đảng ta đã ý thức sâu sắc về vai trò đặc biệt quan trọng của tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của đảng viên cũng như của toàn xã hội đối với sự phát triển của cách mạng Việt Nam. Vì thế, Đảng luôn quan tâm đến đến công tác giáo dục, xây dựng tư tưởng chính trị, đạo đức cách mạng, lối sống nhân văn cho cán bộ, đảng viên và toàn xã hội.

Trong thời kỳ đổi mới, do tác động của nhiều nhân tố khách quan và chủ quan, tình trạng suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống trong bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên diễn biến phức tạp. Các kỳ Đại hội Đảng cũng đánh giá về tình trạng này và xác định việc ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng này là nhiệm vụ vừa cơ bản lâu dài, vừa có ý nghĩa trước mắt.

Chủ nghĩa cá nhân làm xói mòn bản chất tốt đẹp của người đảng viên

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI đã nhận định “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa đà vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi…”. Thực trạng này là giảm sút lòng tin đối của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ”. 

Văn kiện Đại hội XII của Đảng chỉ rõ “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cả một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi”.
Văn kiện Đại hội XII của Đảng chỉ rõ “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cả một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi”.

Do vậy, Trung ương yêu cầu phải kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng duy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý của các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và nhân dân đối với Đảng.

Văn kiện Đại hội XII của Đảng cũng chỉ rõ “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cả một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi; có mặt, có bộ phận còn diễn biến phức tạp hơn”.

PGS.TS Vũ Văn Phúc, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản trăn trở “vì sao tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống vẫn tiếp tục diễn biến nghiêm trọng, chưa được ngăn chặn, đẩy lùi? Phải chăng chúng ta chưa đánh giá chính xác mức độ, tính chất của tình hình, chưa chỉ rõ nguyên nhân, chưa đề ra được hệ thống giải pháp đồng bộ và đủ mạnh hay thiếu các điều kiện để thực hiện giải pháp?”.

Theo PGS.TS Vũ Văn Phúc, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chính. Trong đó công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên chưa được coi trọng đúng mức, hoạt động kém hiệu quả. Cùng với đó công tác quản lý cán bộ, đảng viên bị buông lỏng. Bản thân một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện và học tập, để chủ nghĩa cá nhân phát triển, chi phối làm xói mòn bản chất tốt đẹp của người đảng viên.

GS.TS Lê Hữu Nghĩa, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh, hiện nay, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Bốn nguy cơ mà Hội nghị toàn quốc giữ nhiệm kỳ khóa VII (năm 1994) nêu lên vẫn còn tồn tại, có mặt diễn biến phức tạp như tham nhũng, lãng phí; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên chưa bị đẩy lùi, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ tiếp tục diễn ra… Trước hình hình đó, càng đòi hỏi Đảng ta, cán bộ, đảng viên của Đảng phải nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ, tính chiến đấu. Cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp không được dao động trong bất cứ tình huống nào.

TS  Nguyễn Đình Hòa, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng, thái độ xem nhẹ việc trau dồi, rèn luyện đạo đức cách mạng, chưa nghiêm túc thực hiện phê và tự phê… khiến không ít cán bộ đảng viên sa ngã trước những cám dỗ đời thường. Sự không chiến thắng, không vượt qua nổi cái “tôi” nhỏ bé và ích kỷ để trở thành nô lệ của những ham muốn cá nhân ở một bộ phận cán bộ đảng viên vừa là nguồn gốc sâu xa, vừa là sự tiếp tay dẫn đến những tệ nạn như tham nhũng, hối lộ, cửa quyền, mất đoàn kết…

Kiên quyết xử lý nghiêm minh những cán bộ, đảng viên sai phạm

Để cuộc đấu tranh phòng chống tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay, PGS.TS Vũ Văn Phúc cho rằng, cùng với việc thực hiện quyết liệt, đồng bộ một hệ thống các nhóm giải pháp, cần thực sự coi trọng việc giáo dục đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên. Nâng cao chất lượng, triển khai theo chiều sâu và lồng ghép các nội dung học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh với các nhiệm vụ chính trị, chương trình phát triển kinh tế-xã hội, trong các lĩnh vực xã hội khác nhau, duy trì thường xuyên trong sinh hoạt Đảng. Bổ sung các thang giá trị đạo đức, các phẩm chất cơ bản của cán bộ, đảng viên các tiêu chí: dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có tinh thần dũng cảm đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, mất dân chủ.

 “Kiên quyết thực hiện ngay việc công khai tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên, công chức. Cơ quan chống tham nhũng đủ quyền hạn để thực thi nhiệm vụ. Cơ quan này có nhiệm vụ quản lý thu nhập, tài sản của cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị. Đẩy mạnh việc phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh phòng chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí bằng tổ chức hệ thống pháp luật, chính sách và nhiều biện pháp để cán bộ “không tham nhũng”, “không dám tham nhũng”- PGS.TS Vũ Văn Phúc đề xuất.

GS.TS Lê Hữu Nghĩa cũng nhấn mạnh, bài học của quá trình cách mạng nước ta nói chung, của công cuộc đổi mới nói riêng là sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng, của đổi mới. Vì thế trong giai đoạn mới, phải tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng và năng lực cầm quyền của Đảng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Đảng phải thương xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Xây dựng Đảng cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, ngăn chặn đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Trong số các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng XII, nhiệm vụ trọng tâm đầu tiên được Đảng ta xác định là “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống… Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín ngang tầm nhiệm vụ”.

Ths Nguyễn Thị Mai Anh, Tạp chí Cộng sản cho rằng, để tăng cường công tác xây dựng Đảng về đạo đức, cần kiên quyết đấu tranh đấu tranh chống tham nhũng, xử lý nghiêm minh những cán bộ, đảng viên sai phạm, làm trong sạch bộ máy Đảng và Nhà nước, làm lãnh mạnh các quan hệ xã hội. Theo đó, các cấp ủy, tổ chức Đảng phải đẩy mạnh thường xuyên liên tục, tránh các biểu hiện hình thức trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên. Nghiên cứu, đổi mới hình thức giáo dục cho phù hợp, nội dung giáo dục phải lấy chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm gốc. Gắn xây dựng Đảng về đạo đức với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, cao đẹp, mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu gương mẫu, có lối sống lành mạnh, nói đi đôi với làm, cũng chính là nền tảng xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, không dao động trước khó khăn, thử thách./.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN

Tin mới