Vì sao một số công trình trọng điểm chậm?

(Baonghean) - Hiện nay, một số công trình trọng điểm chậm tiến độ như: Dự án cống Nam Đàn, Hồ chứa nước bản Mồng, hệ thống đê sông Cả, hồ Khe Lại - Vực Mấu, Vách Nam - sông Bùng…
Dự án nâng cấp, mở rộng cống Nam Đàn và hệ thống kênh, giai đoạn 1 – xây mới cống Nam Đàn được Bộ NN&PTNT phê duyệt tại Quyết định số 400/QĐ/BNN-XD ngày 22/2/2010 với tổng mức đầu tư 536,712 tỷ đồng. Dự án sau khi hoàn thành sẽ cung cấp nước tưới cho 20.000 ha vùng hạ lưu khu vực 5 huyện, thành thị: Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, TX. Cửa Lò, TP. Vinh. 
Hệ thống kênh dẫn nước từ cống Nam Đàn.
Hệ thống kênh dẫn nước từ cống Nam Đàn.
Được khởi công xây dựng tháng 4/2010, là công trình trọng điểm, được xếp vào danh mục cấp bách thi công vượt lũ, theo kế hoạch công trình đưa vào sử dụng cuối năm 2015, nhưng hiện nay vẫn chưa hoàn thành.
Ông Hà Ngọc Lan - Trưởng phòng kinh tế và phát triển hạ tầng (UBND huyện Nam Đàn) cho biết, để phục vụ dự án, huyện đã tiến hành GPMB, tái định cư và bàn giao gần hết mặt bằng cho các đơn vị thi công. Hiện UBND huyện, chủ đầu tư đang tìm kiếm mặt bằng tái định cư khu nghĩa địa phía bờ hữu kênh, bãi thải đổ đất.
Đến nay, đơn vị thi công thực hiện đạt trên 98% vốn được cấp, đã hoàn thành: công trình đầu mối, trạm bơm thay thế trạm 1, hệ thống cơ khí, cầu giao thông qua Quốc lộ 46, đường điện phục vụ vận hành và thi công.
Tuy nhiên, gói thầu thi công nhà quản lý, kênh dẫn hạ lưu đến nay vẫn dở dang. Quá trình thi công chưa lường hết khó khăn, kỹ thuật phức tạp nên phải điều chỉnh, công tác GPMB phát sinh thêm khu vực nghĩa trang của xã Xuân Hoà; bãi thải cần tới 5 ha trữ lượng lớn, do đó, dự án đang đội vốn thêm 120 tỷ đồng. Trong lúc chờ duyệt lại tổng mức đầu tư, UBND tỉnh chỉ đạo thông lòng kênh trước. 
Ông Cao Danh Phú – Phó Giám đốc Công ty Thủy nông Nam cho biết, trong quá trình thực hiện, do hồ sơ phải điều chỉnh nhiều lần, thi công trên địa chất phức tạp... nên  gói thầu quan trọng là kênh dẫn hạ lưu tiến độ chậm tiến độ, ảnh hưởng đến dự án (dự kiến hoàn thành 30/7/2015).
“Để tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư chỉ đạo các nhà thầu thi công kịp tiến độ, sớm đưa công trình vào phục vụ sản xuất, Bộ NN&PTNT, Cục Quản lý XDCT, Sở NN&PTNT  cần quan tâm, kịp thời bố trí nguồn vốn. Sau khi có tiền, chúng tôi sẽ tập trung hoàn thiện bờ kênh, đèn cao áp... theo hồ sơ thiết kế phê duyệt”. – ông Phú nói.
Không chỉ Dự án cống Nam Đàn, hiện trên địa bàn còn một số công trình trọng điểm chậm tiến độ như: Hồ chứa nước bản Mồng, hệ thống đê sông Cả, hồ Khe Lại - Vực Mấu, Vách Nam - sông Bùng…
Ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, nhu cầu tu sửa, nâng cấp hệ thống hạ tầng thủy lợi đòi hỏi rất nhiều kinh phí, nhưng do nguồn vốn hạn chế (nhất là sau khi thực hiện Nghị quyết 11NQ/CP về kìm chế lạm phát, Chỉ thị 1792/CP của Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách Nhà nước và vốn trái phiếu), vì vậy, nhiều hồ chứa và các tuyến đê xung yếu chất lượng thấp, công trình chưa đạt mục tiêu chống lũ nên tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ sự cố. Hiệu quả sử dụng các nguồn vốn còn chưa cao do đầu tư còn thiếu tập trung, thiếu trọng tâm, vốn đối ứng cho các dự án ODA chưa kịp thời. Công tác huy động vốn xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng thủy lợi còn nhiều hạn chế, chưa thu hút được nhiều chương trình, kênh đầu tư ngoài ngân sách.
Một lý do khác phải kể đến đó là năng lực quản lý, tổ chức của một số chủ đầu tư, ban quản lý và đơn vị tư vấn còn yếu, nên công tác xây dựng quy hoạch cũng như việc lập các dự án đầu tư một số công trình còn chậm, chất lượng thấp, nên phải điều chỉnh nhiều lần.
Trong khi đó, năng lực tài chính, kinh nghiệm thi công của một số nhà thầu còn hạn chế, nên sau khi trúng thầu không thi công công trình đúng tiến độ, kéo dài thời gian thực hiện của dự án.
“Chính sách của Nhà nước thay đổi dẫn đến kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng cũng tăng lên rất nhiều, nên phải điều chỉnh phần kinh phí đền bù và tổng mức đầu tư dự án như, dự án hồ chứa nước bản Mồng, hồ Khe Lại - Vực Mấu, kênh Nhà Lê phía Nam huyện Diễn Châu... Hầu hết các dự án phần kinh phí đền bù sử dụng vốn đối ứng của địa phương nên gặp nhiều khó khăn”. - Ông Hiếu cho biết.
Việt Phương
TIN LIÊN QUAN

Tin mới