Vì sao Nga hồi sinh xe tăng 'uống xăng như nước'?

Nga đang có những cải tiến quan trọng để tận dụng hàng nghìn chiếc T-80, dòng xe tăng đầu tiên trên thế giới dùng động cơ turbine phản lực.
Xe tăng T-80U biểu diễn tại triển lãm Army-2016 của Nga
Bộ Quốc phòng Nga hồi giữa tháng 3 nhận lô xe tăng chiến đấu chủ lực T-80 đầu tiên được nâng cấp để hoạt động trong môi trường địa cực lạnh giá. Dự án hiện đại hóa này dự kiến giúp Nga hồi sinh và tận dụng hàng nghìn xe tăng T-80 trong biên chế hiện nay, theo RBTH.

T-80 là xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) thế hệ ba được thiết kế và chế tạo từ thời Liên Xô. Khi được đưa vào biên chế năm 1976, nó trở thành mẫu MBT đầu tiên trên thế giới được trang bị động cơ turbine phản lực, trước mẫu M1 Abrams của Mỹ tới ba năm.

Thiết kế này rất giống với động cơ máy bay, khiến xe tăng T-80 lúc tăng tốc phát ra tiếng gầm không kém gì máy bay phản lực chạy trên đường băng.

Động cơ turbine trên xe tăng T-80 có thể sử dụng nhiều loại nhiên liệu như xăng và dầu diesel. Điều này giúp giảm sự phụ thuộc vào lực lượng hậu cần, thậm chí cho phép kíp lái sử dụng các kho nhiên liệu của đối phương. Mỗi chiếc T-80 chỉ cần ba phút để khởi động và chuyển trạng thái chiến đấu, thay vì 30 phút như trên xe tăng T-72 sử dụng động cơ diesel.

Tuy nhiên, điểm yếu lớn nhất của động cơ xe tăng T-80 là "ngốn xăng như nước", khi tiêu tốn nhiên liệu gấp nhiều lần so với những chiếc T-72 dùng động cơ diesel. Thiết kế nguyên gốc khiến động cơ 1.000-1.250 mã lực của T-80 phải hoạt động hết công suất ngay cả khi xe tăng đứng yên, khiến lượng nhiên liệu mà nó tiêu thụ cao gấp 2-4 lần so với T-72. 

Tương tự dòng Abrams của Mỹ, động cơ turbine trên T-80 cũng gặp nhiều vấn đề khi phải hoạt động trong môi trường nóng và nhiều cát bụi.

Để khắc phục nhược điểm này, nhà máy UralVagonZavod trong thời gian qua đã chế tạo phiên bản nâng cấp T-80UD áp dụng cơ chế tách rời động cơ chính với máy phát điện trên xe để đạt mức tiêu thụ nhiên liệu tương đương xe tăng T-72. Thiết kế này cho phép xe tắt động cơ turbine khi ở trạng thái đứng yên, chỉ dùng nguồn điện từ máy phát để vận hành thiết bị.

Xe tăng T-80 được phát triển từ nền tảng T-64A, kế thừa nhiều đặc điểm như lái xe ngồi ở khoang phía trước, trong khi trưởng xe và pháo thủ ngồi trong tháp pháo được trang bị hệ thống nạp đạn tự động. Cửa xả khí động cơ nằm hướng về phía sau, thay vì sang bên giống những xe tăng cùng thời.

Dòng T-80 được thiết kế chuyên cho nhiệm vụ đối đầu trực diện với xe tăng NATO trên những bình nguyên rộng lớn ở châu Âu. Nó được thiết kế cho các mũi đột kích thọc sâu phòng tuyến đối phương, thay vì tác chiến cùng đội hình bộ binh cơ giới như dòng T-72.

Vì sao Nga hồi sinh xe tăng 'uống xăng như nước'? ảnh 1

Phiên bản T-80U biểu diễn hồi năm 2016. Ảnh: Vitaly Kuzmin

Trong chiến tranh Lạnh, Liên Xô từng triển khai hơn 4.000 xe tăng T-80 ở khu vực biên giới phía Tây và Đông Đức. Lực lượng thiết giáp này cho phép quân đội Liên Xô tấn công phủ đầu châu Âu và tới eo biển Anh chỉ trong vài ngày nếu chiến tranh xảy ra.

T-80 là một trong những dòng xe tăng được bảo vệ kỹ nhất trong lịch sử Liên Xô, được trang bị giáp composite, kết hợp giữa nhiều lớp thép và sợi thủy tinh. Mặt trước tháp pháo mẫu T-80 cơ bản có thể chống đạn nổ lõm (HEAT) tương đương lớp thép cán đồng nhất (RHA) dày 650 mm, trong khi biến thể T-80U cải tiến có lớp vỏ tương đương giáp RHA dày 1.320 mm.

Ngoài giáp chính composite, T-80 còn được bảo vệ bởi các khối giáp phản ứng nổ (ERA) Kontakt-5. Mặt dưới mũi xe, trước tháp pháo và hai bên thân có nhiều tấm giáp cao su cứng để kích nổ đạn HEAT. T-80 cũng là mẫu xe duy nhất của Liên Xô và Nga được trang bị hệ thống phòng thủ chủ động Arena, bên cạnh tổ hợp phòng thủ thụ động Shtora-1.

Vũ khí chính của T-80 là pháo nòng trơn 2A46M-1 cỡ 125 mm, mỗi xe có khả năng mang 36-45 viên đạn tùy phiên bản. Pháo chính có thể sử dụng nhiều loại đạn khác nhau, gồm nổ lõm HEAT, nổ phá mảnh (HEF), xuyên giáp dưới cỡ tách vỏ ổn định bằng cánh đuôi (APFSDS) và tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM) với tầm bắn tối đa 5 km. Ngoài pháo chính, xe tăng T-80 còn sở hữu một súng máy đồng trục PKT cỡ nòng 7,62 mm và súng máy  NSVT cỡ nòng 12,7 mm điều khiển từ xa.

Tương tự dòng T-64 và T-72, pháo chính trên xe tăng T-80 cũng được trang bị hệ thống nạp đạn tự động Korzina với khả năng chứa 28 viên đạn. Mỗi quả đạn được chia thành liều phóng và đầu đạn, chúng lần lượt được Korzina đẩy vào nòng trước khi khai hỏa. Vị trí của từng loại đạn được lưu trong hệ thống máy tính, cho phép pháo thủ lựa chọn giải pháp công kích phù hợp cho từng mục tiêu. Hệ thống nạp đạn tự động giúp T-80 đạt tốc độ bắn 7-8 phát/phút, không bị ảnh hưởng bởi thể lực của người nạp đạn hoặc rung lắc trong khi cơ động như xe tăng phương Tây.

 Hệ thống nạp đạn tự động của xe T-80.

Xe tăng T-80 tham chiến lần đầu vào tháng 12/1994 trong trận đánh vào thủ phủ Grozny của Chechnya. Tuy nhiên, lần ra quân này được coi là một thảm họa với xe tăng T-80 cũng như lực lượng tăng thiết giáp Nga.

Hầu hết các xe T-80 lúc đó đều thiếu giáp phản ứng nổ, tổ lái không được huấn luyện đầy đủ về tác chiến đô thị. Các đơn vị T-80 phải đột kích vào những con phố nhỏ, giữa các tòa nhà cao tầng của Grozny, nhiệm vụ vốn không dành cho loại xe tăng này.

Vì sao Nga hồi sinh xe tăng 'uống xăng như nước'? ảnh 2

Một chiếc T-80 bị bắn nổ ở ngoại ô Grozny. Ảnh: RBTH

Lực lượng phòng thủ Grozny triển khai trên các tòa nhà cao tầng và nã nhiều quả đạn chống tăng vào nóc và sườn xe, khu vực có giáp bảo vệ kém nhất. Những chiếc T-80 hoàn toàn bất lực do góc nâng nòng pháo kém, không thể bắn tới mục tiêu ở tầng cao. Tuy nhiên, lớp giáp composite vẫn thể hiện sức mạnh khi chịu được nhiều phát đạn chống tăng trước khi bị xuyên thủng. Một số xe chỉ bị nổ tung khi luồng xuyên đánh trúng liều phóng nằm dọc trong hệ thống Korzina.

Sau thiệt hại nặng nề ở Grozny, quân đội Nga không bao giờ triển khai T-80 để đột kích vào thành phố, chúng chỉ đóng vai trò yểm trợ bộ binh từ khoảng cách an toàn. Điểm yếu của T-72 và T-80 trong tác chiến đô thị cũng thúc đẩy Nga phát triển những phương tiện đối phó bộ binh trên cao như xe thiết giáp yểm trợ tăng BMPT.

Tổng cộng có 5.404 xe tăng T-80 được chế tạo. Dưới thời Liên Xô, chúng đóng vai trò là khí tài chiến lược và không bao giờ được xuất khẩu. Sau khi Liên Xô tan rã, Nga và Ukraine đã bán các dòng T-80 cho nhiều quốc gia. Hiện nay, Nga vẫn là nước sở hữu nhiều xe tăng T-80 nhất với khoảng 550 chiếc trong biên chế chiến đấu và 3.000 xe được niêm cất, sẵn sàng sử dụng khi có yêu cầu.

Tin mới