Vì sao người dùng thờ ơ với mạng xã hội 'made in Vietnam'?

Có hơn 400 mạng xã hội “made in Vietnam”, nhưng người dùng nội địa vẫn quay lưng với sản phẩm nội mà hướng tới các ngoại binh như Facebook, Instagram.

Thời lượng sử dụng Internet và mạng xã hội trong một ngày của người Việt Nam tương ứng 7 giờ và 2,5 giờ, khá cao so với khu vực và thế giới. Facebook và YouTube là những trang được sử dụng nhiều nhất với tỷ lệ 61% và 59%. Điều này giúp các mạng xã hội ngoại kiếm được lượng lớn doanh thu từ quảng cáo.

Hiện nay doanh thu quảng cáo mạng xã hội là 370 triệu USD. Tuy nhiên, phần lớn thị phần nằm trong tay các doanh nghiệp ngoại như Google đạt 135 triệu USD với 35 triệu người dùng, Facebook 235 triệu USD với 60 triệu người dùng.

Mạng xã hội nước ngoài đang chiếm lĩnh thị trường Việt Nam
Mạng xã hội nước ngoài đang chiếm lĩnh thị trường Việt Nam
Trong khi đó, thị phần của doanh nghiệp Việt Nam rất nhỏ với 436 mạng xã hội được cấp phép hoạt động trong nước. Ngay đơn vị có tên tuổi nhất với 40 triệu người dùng  (mạng xã hội Zalo của VNG) thì doanh thu cũng chỉ đạt 7 triệu USD. Điều này cho thấy, mạng xã hội Việt Nam chưa có chỗ đứng ngay tại sân nhà.

Đại diện Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông đánh giá, hầu hết các nhà cung cấp mạng xã hội của Việt Nam đang hoạt động theo dạng diễn đàn, trong khi các nền tảng nước ngoài nổi trội hơn hẳn nhờ cấu trúc mạng xã hội phong phú, giao diện thu hút, khả năng tương tác và liên kết cộng đồng cao. Hầu hết đây là các tập đoàn toàn cầu nên có khả năng nội địa hóa cao khi cung cấp dịch vụ tới các thị trường khác nhau, phá vỡ những ngăn cách về địa lý, ngôn ngữ, quốc gia.

Đồng quan điểm, một số chuyên gia Internet cũng nhận định các mạng xã hội Việt Nam tuy nhiều nhưng kém bản sắc, thiếu sáng tạo. Không ít dịch vụ được xây dựng từ sự bắt chước giao diện, tính năng của Facebook. Theo ông Nguyễn Trung Kiên, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông CDIT cho rằng hiện nay mỗi người đều đang sống trong 2 xã hội là xã hội thực tại và xã hội ảo.

Mạng xã hội cho phép kết nối với bất kỳ ai trên thế giới, xóa tan những khoảng cách về địa lý. Song chính những thuận lợi này, cũng tiềm ẩn những nguy cơ, rủi ro khó lường.

Cũng theo chuyên gia này, hiện nay một số nơi đang khai thác hiệu quả mạng xã hội khi sử dụng công cụ này trong việc giao tiếp, trao đổi giữa chính quyền và nhân dân, tăng tính tương tác so với những hình thức truyền thống một chiều như trước kia.

Để có thể sử dụng mạng xã hội một cách hiệu quả, tránh những tác động xấu, vấn đề mấu chốt nằm ở chính con người. Mỗi người sử dụng mạng xã hội phải tham gia với tinh thần trách nhiệm và xây dựng. Bên cạnh đó, cũng cần trang bị cho người dân khả năng tự bảo vệ trước những luồng thông tin xấu, không chính xác.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Quyền Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông Việt Nam, cần có một hệ sinh thái số mà trọng tâm là mạng xã hội "made in Vietnam" thay vì để thị phần rơi vào tay Facebook, Google. Ông cũng cho rằng, mạng xã hội nước ngoài hiện chưa tuân thủ pháp luật Việt Nam về thuế, yêu cầu về thanh toán, an ninh...

Cơ quan này đề xuất một số chính sách ủng hộ mạng xã hội Việt Nam, mục tiêu là đến năm 2022 bằng hoặc hơn số tài khoản Facebook tại Việt Nam (60 triệu) và chiếm 60 - 70% thị phần. Với nhận định “đã đến lúc không thể dừng lại nữa”, ông Hùng đề xuất phương án dùng cả biện pháp kinh tế, kỹ thuật để quản lý mạng xã hội nước ngoài.

Cùng với việc phát triển mạng xã hội Việt, lãnh đạo Bộ cũng đặt mục tiêu đưa Việt Nam nằm trong top 10 nước về phát triển sinh thái số, với 60 - 70% người dân dùng hệ sinh thái nội.

Nói về mạng xã hội do chính người Việt phát triển, Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đồng ý với đề xuất của Quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT. Thủ tướng nhấn mạnh Trung Quốc đã làm rất tốt về việc xây dựng mạng xã hội của riêng họ. Vì vậy, Việt Nam cũng nên xây dựng mạng xã hội của mình. Bộ TT&TT đảm nhận nhiệm vụ này để cùng các DN xây dựng và phát triển mạng xã hội trong nước.

Tin mới