Vì sao người Mông ở Nghệ An dùng dao có mũi nhọn?

(Baonghean.vn) - Cũng như các cộng đồng người Mông ở các vùng miền khác, người Mông ở trên địa bàn miền Tây Nghệ An vẫn còn lưu giữ được những nghề truyền thống mang đậm nét văn hóa của dân tộc mình.

Cuộc sống quanh năm trên núi cao đã buộc phải sử dụng những vật dụng đặc trưng để mưu sinh và chống chọi với điều kiện, môi trường sống khắc nghiệt. Và người Mông đã tạo ra chiếc dao nhọn riêng có cho dân tộc mình. Không chỉ có vậy, với sự khéo léo của mình, những người thợ thủ công trên miền rẻo cao đã thực sự thổi hồn vào các sản phẩm "thép nung" độc đáo từ nghề rèn.

Những chiếc dao của người Mông có mũi nhọn như 1 thanh kiếm có nguồn gốc lịch sử sâu xa từ cuộc đấu tranh sinh tồn của họ.
Những chiếc dao của người Mông có mũi nhọn như 1 thanh kiếm có nguồn gốc lịch sử sâu xa từ các cuộc thiên di và đấu tranh sinh tồn của họ.

Ở các xã vùng cao có người Mông sinh sống như Nậm Càn, Na Ngoi, Nậm Cắn, Huồi Tụ, Mường Lống, Tây Sơn, Tà Cạ… hầu như bản nào cũng có một vài người làm nghề rèn vừa phục vụ cho gia đình, phục vụ bà con dân bản vừa kiếm thêm thu nhập.

Riêng ở bản Liên Sơn (xã Nậm Càn) chỉ có gia đình ông Và Cháy Xa còn giữ lại được nghề truyền thống của cha ông để lại. Sau mỗi mùa rẫy, khi con dao đã cùn, cái cuốc đã mòn, bà con trong bản lại rủ nhau đem đến nhà nhờ ông sửa lại. Ông bảo rằng: “Cái nghề gắn với cái nghiệp là vậy. Ta mở cái lò rèn này chủ yếu cũng để phục vụ cho dân bản ta là chính. Biết làm mà không làm để giữ nghề là một cái tội”.

Nghề rèn của người Mông được truyền từ đời này sang đời khác. Người ta cần cái dao để đi rừng phát rẫy, ngăn thú dữ, vì vậy nghề ren luôn có chỗ đứng trong cộng đồng. T

Để rèn được 1 chiếc dao Mông, những người thợ của bản làng phải thực sự nhập thân vào sản phẩm với tay nghề khéo léo.
Để rèn được 1 chiếc dao Mông, những người thợ của bản làng phải thực sự nhập thân vào sản phẩm với tay nghề khéo léo.

Nghề rèn này đòi hỏi phải có một bàn tay tài hoa khéo léo của người thợ. Bằng sự tỉ mẩn, cái tâm của mình những người thợ rèn đã cho ra đời những chiếc dao ít khi bị sứt mẻ, luôn sáng như 1 lưỡi kiếm.

Gia đình ông Và Cháy Xa đã có nhiều đời làm nghề rèn bảo rằng: “Người Mông làm dao không chỉ là làm cho xong chuyện. Người Mông đi lên nương rẫy hay về nhà đều phải mang theo con dao bên mình. Nó là sự gắn bó máu thịt đối với mỗi người. Vì vậy làm được một sản phẩm tốt để mang theo suốt đời không phải dễ dàng chút nào. Nó phải đạt được mục đích vừa phục vụ sản xuất vừa thể hiện được dấu ấn văn hóa dân tộc mình”. Chính vì điều đó mà nhiều năm nay ông luôn trăn trở để tìm được người trong số các con của mình truyền lại cho con nghề rèn truyền thống này.

Chiếc dao luôn gắn với cuộc đời của người đàn ông khi lên rừng, lên rẫy.
Chiếc dao luôn gắn với cuộc đời của người đàn ông khi lên rừng, lên rẫy.

Ông Và Cháy Xa cho biết: Muốn có một cái dao tốt người thợ rèn phải chuẩn bị kỹ mọi công đoạn. Ngày xưa, rèn dao không có sắt tốt như bây giờ nên người thợ phải lấy thau sắt đập bỏ hết lớp sơn bên ngoài đem nấu. Còn bây giờ thì loại được ưa dùng nhất là nhíp ô tô.

Khi đốt phải dùng loại than củi cứng mới đảm bảo độ nóng của sắt. Một người thợ giỏi là người thợ có con mắt tinh đời, biết nhìn vào độ nóng của sắt để tôi. Nếu tôi non quá thì sản phẩm hay bị móp, ngược lại tôi già quá sẽ hay bị mẻ.

Nhìn đôi tay ông đập từng tiếng chát chúa trên thanh sắt mới thấy được sự đam mê của ông đối với nghề rèn. Mắt không rời thanh sắt, ngắm đi ngắm lại để đập, từng nhát búa giáng xuống không sai một điểm. Chiếc cán bằng sừng trâu bóng loáng được ông chuẩn bị từ trước tra vào cái dao sáng láng đã làm xong đẹp như một tác phẩm nghệ thuật.

Hiện nay, dao của người Mông được sử dụng rộng rãi trong xã hội nhưng để tìm được 1 chiếc dao Mông
Hiện nay, dao của người Mông được sử dụng rộng rãi trong xã hội nhưng để tìm được 1 chiếc dao Mông "đúng chất" thì không phải là dễ.

Những sản phẩm từ nghề rèn của người Mông trên vùng rẻo cao Kỳ Sơn quả thực là một nét độc đáo trong văn hóa dân tộc. Nó gắn bó với quá trình đấu tranh và lao động sản xuất của dân tộc Mông. Những lò rèn sẽ còn đỏ lửa và những người thợ sẽ vẫn cần mẫn truyền nghề cho con cháu mình để mãi giữ được hồn người Mông trong cái dao, cái cuốc.

Đào Thọ - Vương Vân

TIN LIÊN QUAN

Tin mới