Vì sao người Mông rất ít khi bán lợn?

(Baonghean.vn) -  Người Mông Nghệ An hầu như không mấy khi nuôi lợn để bán. Bà con quan niệm, thịt lợn để dùng làm thực phẩm trong những ngày lễ trọng đại của gia đình như cưới hỏi, đặt tên, làm vía...

Một lần, đến bản Thăm Hón (xã Na Ngoi - Kỳ Sơn), khi vừa tới đầu bản, chúng tôi chợt nghe tiếng khèn trầm đục vang lên. Anh thanh niên dẫn đường bảo rằng: “Nhà Xồng Bá Thái làm lễ đặt tên đấy”.

Thấy chúng tôi tò mò muốn biết lễ đặt tên của người Mông thế nào, một người bản vui vẻ dẫn chúng tôi tới nhà Bá Thái.

Những con lợn được nuôi trong nhà người Mông Nghệ An chủ yếu được dùng trong các ngày lễ trọng đại của gia đình. Ảnh: Đào Thọ
Những con lợn được nuôi trong nhà người Mông Nghệ An chủ yếu được dùng trong các ngày lễ trọng đại của gia đình. Ảnh: Đào Thọ

Trời đã quá trưa, mọi người trong bản tập trung rất đông đến dự lễ đặt tên cho Xồng Bá Thái. Theo quan niệm, khi lấy vợ xong, chàng rể phải mời bố mẹ vợ đến nhà để đặt lại tên cho mình.

Lúc này, thanh niên trai tráng chung tay vào làm thịt con lợn hơn 100 kg đã được gia đình Bá Thái dành dụm nuôi từ mấy năm nay. Và trong bữa tiệc trọng đại ấy cũng chỉ có độc một thức ăn chính là thịt lợn.

Một thầy mo đang làm lễ cúng với con lợn to trong gia đình người Mông. Ảnh: Đào Thọ
Một thầy mo đang làm lễ cúng với con lợn to trong gia đình người Mông. Ảnh: Đào Thọ

Giữa nhà, một thầy mo đang làm lễ cúng để xin cho con cháu mình được đổi sang tên khác. Thức ăn dùng để thầy mo báo cáo với tổ tiên, thần linh là một bát thịt lợn đã được nấu sẵn và vài vắt cơm nhỏ.

Sau một hồi, cái tên Xồng Bá Thái được đổi sang Xồng Rua Thái, mọi người vui mừng ăn uống chúc mừng cho anh mãi đến tận xế chiều mới tan cuộc.

Thanh niên người Mông làm thịt lợn chuẩn bị cho lễ cúng. Ảnh: Đào Thọ
Thanh niên người Mông làm thịt lợn chuẩn bị cho lễ cúng. Ảnh: Đào Thọ

Sau lễ cúng, thầy mo Xồng Vả Tu cho hay, trong các buổi lễ đặt tên hay làm vía, cưới hỏi...người Mông đều làm thịt lợn. Loại lợn này phải do chính tay người Mông nuôi. Gia đình nào có điều kiện thì làm con thật to, nghèo quá cũng phải chuẩn bị được một con nhỏ.

Nếu không có lợn chắc chắn thần linh, tổ tiên sẽ không chấp nhận. Và cứ sau mỗi lần làm lễ, các thầy mo đều được gia chủ chia cho một phần thịt của con lợn ấy.

Nói về điều này, anh Lầu Vả Xo ở bản Sơn Hà (xã Tà Cạ - Kỳ Sơn) cũng cho biết, người Mông rất ít khi bán lợn. Mục đích nuôi chủ yếu là để dùng vào việc cúng bái trong các ngày lễ quan trọng. Có hộ phải bỏ tiền ra mua con lợn có giá ngang với một con bò. Bây giờ đời sống khấm khá hơn, một số hộ nuôi nhiều cũng có bán nhưng vẫn rất ít.

Thực phẩm dùng làm lễ cúng của người Mông là bát thịt lợn và bát cơm trắng. Ảnh: Đào Thọ
Thực phẩm dùng làm lễ cúng của người Mông là bát thịt lợn và bát cơm trắng. Ảnh: Đào Thọ

Có thể thấy rằng, việc dùng thịt lợn làm thực phẩm chính trong các ngày lễ đã thể hiện được nét văn hóa riêng của cộng đồng người Mông vùng cao Nghệ An. Tuy nhiên, việc chăn nuôi với mục đích dùng vào cúng bái mà chưa chú ý đến lợi ích kinh tế cũng cần phải được khắc phục.

Đào Thọ

TIN LIÊN QUAN

Tin mới