Vì sao nhiều người 'sập bẫy' khi bị đe dọa qua điện thoại?

Nghe "cán bộ công an" nói liên quan đến đường dây ma túy, người đàn ông lập tức đăng nhập vào một đường link giả mạo để "kê khai tài sản" và mất gần 1,5 tỷ đồng.

Công an Hà Nội cho biết, cuối tháng 4, người này trình báo nhận được cuộc điện thoại của "cán bộ Công an TP. Đà Nẵng", thông báo liên quan đường dây mua bán ma túy, có lệnh tạm giam 6 tháng. Ông được gửi một đường link từ "Cơ quan công an" để "Đăng nhập và kê khai tài sản phục vụ điều tra nguồn gốc số tiền". Do lo lắng, ông tin lời làm theo, kết quả khi kiểm tra tài sản phát hiện bị mất gần 1,5 tỷ đồng.

Trước đó hai tuần, một người lớn tuổi cũng ở Hà Nội, trình báo bị kẻ gian lấy hơn 5 tỷ đồng trong tài khoản. Vẫn "bổn cũ soạn lại", một người lạ gọi điện cho ông thông báo "liên quan một vụ án đang điều tra", yêu cầu cung cấp tài sản ngân hàng để xác minh. Bằng nhiều chiêu trò tâm lý gây sự hoang mang, chúng thực hiện trót lọt phi vụ, rút hết tiền của nạn nhân.

Đây chỉ là 2 trong rất nhiều vụ kẻ gian đánh vào tâm lý lo sợ của nạn nhân để chiếm đoạt tiền. Nhà chức trách cho hay, thủ đoạn lừa đảo này diễn ra nhiều năm, gần đây nở rộ "như nấm sau mưa" với nhiều chiêu trò tinh vi hơn.

Theo Bộ Công an, quý 1/2022, cảnh sát trong nước đã bắt, xử lý 372 vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên mạng, trong đó có nhiều vụ giả danh cơ quan tư pháp.
Một lệnh bắt do kẻ xấu làm giả để hù dọa nạn nhân. Ảnh: Công an cung cấp.
Một lệnh bắt do kẻ xấu làm giả để hù dọa nạn nhân. Ảnh: Công an cung cấp.

Thượng úy Hoàng Văn Vỵ - Phó đội trưởng Đội Phòng, chống tội phạm về trật tự xã hội, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an Hà Tĩnh) phân tích, kẻ giả danh dùng thủ đoạn đánh vào lòng tin của người dân. Thông thường, khi nghe ai đó gọi điện xưng là cán bộ cơ quan công an, tòa án, viện kiểm sát... đa số người dân sẽ có chút tin tưởng. Nghe vài câu, nghĩ đang nói chuyện với "những người làm việc ở cơ quan bảo vệ pháp luật", người nghe sẽ mang tâm lý rất cần được minh oan, muốn giải trình nguồn tiền lớn đang sở hữu là hợp pháp.

Với những người ít hiểu biết về quy trình tố tụng, cụm từ cơ quan điều tra rất dễ gây lo lắng, nghe đã "toát mồ hôi". Nắm bắt được điều này, khi dụ được vào bẫy, nhóm lừa đảo sẽ phân chia thành viên đóng các vai khác nhau như cán bộ công an, tòa án... liên tục gọi điện dồn dập để gây áp lực. Mục đích để bị hại đã lo càng thêm lo, đầu óc bị chi phối nhiều suy nghĩ mông lung, không có thời gian hoặc không nghĩ đến việc kiểm chứng thông tin đe dọa do chúng bịa đặt.

Vài trường hợp bị đe dọa sợ mất uy tín, ngại kể sự việc ra với người thân, bạn bè... Cũng có người đôi lúc quá tự tin vào bản thân, nghĩ không dễ gì bị lừa, im lặng thực hiện các thao tác do kẻ gian đưa ra "để xem chúng giở trò gì". Tuy nhiên, đa số sau đó đều mất kiểm soát, bị cuốn vào cuộc chơi, vì kẻ gian hoạt động có tổ chức và cao tay hơn, thượng úy Vỵ nói.

Từng tiếp xúc với một số nghi can giả danh cơ quan tư pháp, Thượng úy Hoàng Văn Vỵ cho rằng, chúng rất tinh vi, hoạt động theo kiểu "thả lưới bắt cá". Hàng ngày gọi điện cho 100-200 người, nhưng một người "sập bẫy" đã là thành công. Việc che giấu nhân thân, lai lịch cũng rất kỹ, khi bị bắt luôn "thi gan", sau nhiều ngày mới thành khẩn.

Ngoài ra, các tổ chức trên tập hợp thành viên có kiến thức rất cao về công nghệ thông tin, biết làm trang web giống giao diện các ngân hàng lớn để dụ bị hại. Khi "con mồi" tạo tài khoản và chuyển tiền tại web do chúng tạo ra, vô tình đã để lộ mật khẩu, mã OTP.

Theo nhà chức trách khó khăn trong đấu tranh với loại tội phạm này một phần cũng bắt nguồn từ các nạn nhân. Nhiều người có tâm lý xấu hổ, e ngại, không muốn trình báo, hoặc đôi khi được cảnh sát tiếp cận vẫn né tránh, muốn xóa dữ liệu có liên quan.

Công an khuyến cáo người dân không nên hoang mang khi bị kẻ giả danh cơ quan tư pháp gọi điện đe dọa. Lúc nhận thông tin đe dọa cần xác minh cụ thể, gọi điện đến cơ quan Nhà nước kiểm tra, không làm việc qua mạng hoặc điện thoại. Nếu nghi ngờ, họ gọi điện cho cơ quan công an gần nhất trình báo.

Ngoài ra, để tránh "phiền phức", người dân không nên khai thông tin cá nhân trên mạng xã hội, các trang thương mại điện tử khi mua sắm trực tuyến, từ chối làm theo yêu cầu của người lạ về hướng dẫn cài đặt, đăng nhập các ứng dụng...

"Mỗi người cần cảnh giác trước bất kỳ các cuộc gọi đe dọa hay dụ dỗ từ người lạ, đừng để mất bò rồi mới lo làm chuồng", Thượng úy Vỵ nói và cho hay việc triệt phá những đường dây lừa đảo theo hướng giả cơ quan pháp luật là không đơn giản, vì nhiều vụ có yếu tố quốc tế, nghi phạm sử dụng biện pháp kỹ thuật cao, đặt máy chủ ở nước ngoài. Đến lúc, chúng sa lưới rồi thì thu hồi tài sản cho bị hại cũng rất phức tạp.

Tin mới