Vì sao ông Dương Khiết Trì được bầu vào Bộ Chính trị Trung Quốc?

(Baonghean.vn) - Các chuyên gia ngoại giao cho rằng việc Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì được bầu vào Bộ Chính trị, cơ quan quyền lực hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC), là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy tham vọng của Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình đối với Trung Quốc như một quyền lực toàn cầu đang trỗi dậy.

Ồng Dương Khiết Trì đã trở thành quan chức đối ngoại quyền lực nhất của Trung Quốc trong một thập kỷ qua. Ảnh: AP
Ồng Dương Khiết Trì đã trở thành quan chức đối ngoại quyền lực nhất của Trung Quốc trong một thập kỷ qua. Ảnh: AP

Theo các chuyên gia, bước đi này không chỉ công nhận năng lực của ông Dương và đóng góp cá nhân của ông trong chính sách đối ngoại quyết liệt của ông Tập Cận Bình, mà còn tạo ra một lực đẩy cho ảnh hưởng ngoại giao của Bắc Kinh, trong bối cảnh nước này tìm cách mở rộng lợi ích và ảnh hưởng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và xa hơn. 

Chuyên gia Bonnie Glaser của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tại Washington (Mỹ) nhận định: "Bước đi này có thể chỉ ra một sự công nhận rằng đối ngoại đóng vai trò ngày càng quan trọng để thúc đẩy các lợi ích của Trung Quốc, và không còn bị coi là một vị trí thấp nữa".

Trong khi đó, Giám đốc điều hành của hãng tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group, ông Evan Medeiros đã gọi việc đưa ông Dương vào Bộ Chính trị là "sự phát triển lịch sử cho chính sách đối ngoại của Trung Quốc". Ông nhận định: "Nó cho thấy ông Tập đề cao các vấn đề đối ngoại và mong muốn của ông trong việc đưa Trung Quốc đóng vai trò dẫn đầu ở châu Á và toàn cầu".

Các Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị ĐCS Trung Quốc khóa XIX. Ảnh: AP
Các Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị ĐCS Trung Quốc khóa XIX. Ảnh: AP

Các nhà quan sát khác cho rằng việc thăng tiến của ông Dương là dấu hiệu cho thấy giới lãnh đạo hàng đầu ở Bắc Kinh muốn đảm bảo sự tiếp tục trong chính sách đối ngoại, vốn đã chứng kiến sự thay đổi bước ngoặt trong thập kỷ qua, hướng tới sự quyết liệt gia tăng, trong bối cảnh quốc tế hoài nghi và quan ngại về ý định đứng đằng sau sự trỗi dậy của Trung Quốc. 

Ngoài ra, chuyên gia về Trung Quốc Dibyesh Anand của Đại học Westminter tại thủ đô London cho rằng ông Dương đã có kinh nghiệm thực tế với Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ, và nếu ông duy trì cách tiếp cận này, đây sẽ là dấu hiệu báo trước cho quan hệ êm thấm giữa Trung Quốc và các cường quốc khác.

Trước đó, sáng 25/10, tại phiên họp đầu tiên, Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XIX đã bầu Bộ Chính trị gồm 25 ủy viên, do Tổng Bí thư Tập Cận Bình đứng đầu./.

Lan Hạ

(Theo SCMP)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới