Vì sao tình trạng chống đối cảnh sát giao thông gia tăng

(Baonghean) - Tình trạng chống đối cảnh sát giao thông ngày càng diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của những chiến sỹ đang thực thi nhiệm vụ. Vì sao lại có những điều không hay như vậy xảy ra?.

Chống đối là vi phạm pháp luật

Cách đây không lâu, hình ảnh một người phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh lái xe ngược chiều nhưng lại có hành vi túm cổ áo chiến sỹ cảnh sát giao thông và có nhiều lời nói tục tĩu, lăng mạ chiến sỹ này được chia sẻ trên mạng xã hội. Ngay lập tức, cộng đồng mạng bày tỏ sự bất bình với thái độ được cho là vô văn hóa của người phụ nữ này. 

Chiến sỹ Cảnh sát giao thông thành phố Vinh giúp người dân đẩy xequa đoạn đường ngập nước. 	Ảnh: Thành Cường
Chiến sỹ Cảnh sát giao thông thành phố Vinh giúp người dân đẩy xe qua đoạn đường ngập nước. Ảnh: Thành Cường

Nghiêm trọng hơn, có không ít người chống đối cảnh sát giao thông bằng cách cố tình lái xe tông thẳng vào người các chiến sỹ cảnh sát, gây ra những hậu quả đáng tiếc. Ngày 15/4, tại Trạm thu phí cầu Đồng Nai, một tài xế xe tải không chấp hành hiệu lệnh dừng xe, đã bỏ chạy và cán chết một chiến sỹ cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ.

Ngày 30/6, thượng úy Nguyễn Anh Đức thuộc Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Hà Tĩnh trong lúc nỗ lực dừng xe container vi phạm đã bị tài xế hất văng xuống đường và nhập viện trong tình trạng nguy kịch. 

Tại Nghệ An, hồi tháng 4/2017 đã xảy ra một sự việc hy hữu, 4 người trong 1 nhà cùng có thái độ chống đối, lăng mạ cảnh sát giao thông. Vụ việc xảy ra tại thành phố Vinh, khi một người phụ nữ điều khiển xe máy phạm các lỗi không có gương chiếu hậu bên trái, không có các loại giấy tờ theo quy định. Không chấp hành hình phạt, người phụ nữ này còn gọi 3 người khác đến và đe dọa chiến sỹ cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ. 

Theo thống kê từ Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2017, cả nước xảy ra 24 vụ chống người thi hành công vụ, làm 2 cảnh sát giao thông hy sinh, 2 người bị thương nặng, 19 đối tượng vi phạm pháp luật bị bắt. Tuy nhiên, đây là con số phản ánh các vụ việc điển hình, trên thực tế các đối tượng có hành vi không chấp hành hiệu lệnh, chống đối cảnh sát giao thông có lẽ còn vượt xa số liệu thống kê trên. 

Tiến sỹ, Luật sư Nguyễn Trọng Hải - Trưởng văn phòng Luật sư Trọng Hải và cộng sự cho rằng, sở dĩ tình trạng chống đối người thi hành công vụ gia tăng là do quy định của pháp luật về xử lý các hành vi này còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. “Qua các vụ việc xảy ra có thể thấy đối tượng chống lại cảnh sát giao thông chưa được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, số người vi phạm bị xử phạt chưa đáng kể nên dẫn đến tình trạng “nhờn luật”, Luật sư Hải bày tỏ quan điểm.


Nhìn nhận từ 2 phía

Trước hết, cần khẳng định rằng chống đối người thi hành công vụ là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, về nguyên nhân dẫn đến những hành xử không đúng mực nêu trên, có nhiều vụ việc xét một cách khách quan đều từ cả 2 phía, người tham gia giao thông và từ chính người thực thi nhiệm vụ, trực tiếp là chiến sỹ cảnh sát giao thông. 

Trong một số trường hợp, chiến sỹ cảnh sát giao thông còn hạn chế về kỹ năng giao tiếp và xử lý tình huống, giải quyết công việc chưa cương quyết, khôn khéo, còn lúng túng, thiếu nhanh nhạy. Điều này khiến người tham gia giao thông có cái nhìn không tích cực về đội ngũ này, nên khi đặt vào tình huống va chạm trực tiếp, họ dễ phát sinh các hành động bồng bột, có biểu hiện, thái độ chống đối. 

Cảnh sát giao thông Nghệ An xử phạt người vi phạm luật. Ảnh: Phương Thảo
Cảnh sát giao thông Nghệ An xử phạt người vi phạm luật. Ảnh: Phương Thảo

Về vấn đề này, Thượng tá Nguyễn Nam Hồng - Phó Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an Nghệ An cho rằng, một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng là phải nâng cao hình ảnh chiến sỹ cảnh sát giao thông trong mắt người dân.

“Đối với các chiến sỹ cảnh sát giao thông Nghệ An, chúng tôi luôn quán triệt, trước hết các thành phần chống đối phải kiên quyết xử lý theo đúng quy định pháp luật; thứ hai chính những chiến sỹ đang làm nhiệm vụ phải làm tròn trách nhiệm của mình, không có hành vi tiêu cực hoặc có cách xử sự thiếu chuẩn mực, xử lý tình huống thiếu chuyên nghiệp, làm mất đi hình ảnh đẹp về lực lượng cảnh sát giao thông”, Thượng tá Hồng nói. 

Dù ở đâu đó có một số chiến sỹ cảnh sát giao thông chưa giữ gìn được hình ảnh chuẩn mực, dẫn đến tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh”, gây ra cái nhìn phiến diện, đánh đồng về lực lượng cảnh sát giao thông từ phía người dân, nhưng đã không ít lần chúng ta bắt gặp hình ảnh những chiến sỹ mặc áo vàng đội mưa gió đẩy chiếc xe bị chết máy cho người dân qua đoạn ngập nước, họ liều mình đuổi bắt cướp giữa phố, họ quét đá rơi vãi để đảm bảo an toàn cho người đi đường, họ dắt tay một cụ già, một em nhỏ qua ngã tư tấp nập xe cộ và người qua lại,…Đó là những gì tốt đẹp nhất mà chúng ta đã quên đi, để rồi khi bị phạm lỗi và phải đặt mình trong tình huống không ai mong muốn, nhiều người đã coi chiến sỹ cảnh sát giao thông là thành phần phải đối đầu. 

Suy cho cùng, yếu tố quan trọng nhất để duy trì xã hội bình ổn là mọi người đều phải nêu cao tinh thần thượng tôn pháp luật. Người tham gia giao thông chấp hành đúng luật và chiến sỹ làm nhiệm vụ cũng dựa trên luật pháp để làm tròn chức trách của mình. Nóng giận, thiếu bình tĩnh, mất kiểm soát đều dẫn đến những kết cục không đáng có.

Theo Điều 257 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định: Phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm đối với hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ. Hoặc phạt tù 2-7 năm nếu phạm tội có tổ chức; vi phạm nhiều lần; xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội hoặc gây hậu quả nghiêm trọng.

Phương Thảo

TIN LIÊN QUAN

Tin mới