Vì sao tuyên truyền miệng có ý nghĩa quan trọng ở xã đặc thù?

(Baonghean.vn) - Là xã đặc thù, trình độ dân trí không đồng đều, đời sống của một số bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn, nội dung tuyên truyền miệng được xác định luôn có vị trí rất quan trọng. 

Thời gian qua cấp ủy, chính quyền xã Nghi Hoa (Nghi Lộc) luôn quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác tuyên truyền miệng, coi đó là trong những biện pháp quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Những năm gần đây, việc chăn nuôi trên địa bàn xã Nghi Hoa phát triển mạnh. Trong khi đó quy mô chuồng trại, hệ thống xử lý chất thải, khí thải phần lớn chưa đảm bảo nên việc đảm bảo môi trường trong chăn nuôi đang là vấn đề đáng lo ngại. Phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường, tạo ra các sản phẩm sạch, cạnh tranh thị trường, nâng cao thu nhập là mục tiêu mà nhiều hộ chăn nuôi ở xã Nghi Hoa (Nghi Lộc) hướng đến. 

Xã Nghi Hoa thí điểm nâng cấp đường GTNT bằng công nghệ mới. Ảnh Nhật Tuấn
Xã Nghi Hoa thí điểm nâng cấp đường GTNT bằng công nghệ mới. Ảnh: Nhật Tuấn

Để chủ trương đi vào cuộc sống, cấp ủy, chính quyền xã Nghi Hoa đã tổ chức các cuộc họp dân tuyên. Đồng thời phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức đoàn thể, các tổ tự quản, đến tận hộ gia đình chăn nuôi lớn tuyên truyền, vận động họ thực hiện chủ trương.

Anh Nguyễn Văn Điệp ở xóm Vận Tải, xã Nghi Hoa cho biết, gia đình chăn nuôi hàng chục năm nay vẫn theo tập quán cũ, nhưng khi được ban cán sự xóm thường xuyên tuyên truyền, tôi nhận thức được trách nhiệm của mình và thực hiện  bảo vệ môi trường trong chăn nuôi.

Theo đồng chí Đặng Văn Tâm - Bí thư Đảng ủy xã Nghi Hoa chia sẻ: “Lúc đầu triển khai chủ trương, xã  gặp rất nhiều khó khăn do tập quán chăn nuôi của người dân, để thay đổi ngay là điều không dễ. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, nhất là hiệu quả công tác tuyên truyền miệng mà đến nay ở Nghi Hoa đã có hàng trăm hộ dân đầu tư tiền của để xây bể biogas khắc phục ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi như theo chủ trương của cấp ủy, chính quyền địa phương”.

Trang trại gà của anh Nguyễn Trọng Phúc ở xóm Kho Vòm xã Nghi Hoa. Ảnh Nhật Tuấn
Trang trại gà của anh Nguyễn Trọng Phúc ở xóm Kho Vòm xã Nghi Hoa. Ảnh: Nhật Tuấn

Là xã đặc thù của huyện Nghi Lộc, trình độ dân trí không đồng đều, đời sống của một số bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn. Xác định tuyên truyền miệng là nội dung hết sức quan trọng trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, hội viên và nhân dân nhằm đáp ứng yêu cầu thông tin kịp thời và nâng cao nhận thức, củng cố lòng tin cho cán bộ đảng viên và nhân dân. Đảng ủy xã Nghi Hoa đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề quy chế hoạt động của công tác tuyên truyền miệng để lãnh đạo, chỉ đạo. Cấp ủy có quy định, quy chế thông tin thời sự hàng tháng đều xây dựng kế hoạch, lịch công tác để thực hiện.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng, trước hết Đảng ủy đã quan tâm lựa chọn, xây dựng đội ngũ báo cáo viên tuyên truyền miệng nhằm phát huy lợi thế của phương thức tuyên truyền đặc thù này. Cùng với xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, Đảng ủy tập trung đổi mới nội dung, cách truyền đạt và hình thức tổ chức tuyên truyền phong phú, ngắn gọn, đủ lượng thông tin cần thiết, phù hợp từng đối tượng. Việc truyền đạt trực tiếp do đồng chí Bí thư Đảng ủy, Trưởng  Ban Tuyên giáo Đảng ủy và đồng chí báo cáo viên chuyên trách chịu trách nhiệm.

Nông dân Nghi Hoa trồng dưa trên đất 2 lúa. Ảnh Nhật Tuấn
Nông dân Nghi Hoa trồng dưa trên đất 2 lúa. Ảnh: Nhật Tuấn

Bên cạnh đó, Đảng ủy duy trì chế độ sinh hoạt, chế độ báo cáo thông tin thời sự thông qua hoạt động giao ban hàng tháng, quý, hội nghị mở rộng, quán triệt Nghị quyết và sơ tổng kết các đoàn thể quần chúng, báo cáo viên đều lồng những nội dung những thông tin quan trọng về chủ trương chính sách để tuyên truyền. Thông qua giải quyết đơn thư, đối thoại trực tiếp với nhân dân và tiếp xúc cử tri, công tác tuyên truyền miệng cũng được được phối hợp và thực hiện có hiệu quả.

Đặc biệt để chủ trương đi đi vào cuộc sống, Đảng ủy có chủ trương phân công các đảng viên, cán bộ, công chức về sinh hoạt tại các xóm đặc thù để cũng cố hệ thống chính trị ở cơ sở. Nhiều cán bộ cán bộ xã, xóm hàng ngày vẫn đến từng hộ dân, lựa chọn thời gian người dân có mặt ở nhà để tuyên truyền, hướng dẫn.

Kết quả thực tế mỗi năm bình quân Đảng ủy thực hiện được 9-10 kỳ sinh hoạt Đảng bộ và có 8-9 kỳ triển khai thông tin thời sự, tỷ lệ đảng viên tham gia trên 95%. Bên cạnh đó, việc tổ chức thông tin trong quần chúng được Đảng bộ quan tâm thực hiện có hiệu quả, bình quân mỗi năm thực hiện 4-5 kỳ sinh hoạt. “Qua mỗi kỳ sinh hoạt trực tiếp với nhân dân là dịp để, nói cho dân hiểu, giải thích những vấn đề dân quan tâm nhất là các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước và các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đồng thời nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân để đề ra các chủ trương, chính sách phù hợp, góp phần phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn. Từ đó góp phần định hướng dư luận, tạo niềm tin của đảng viên, quần chúng nhân dân vào các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước”- đồng chí Đặng Văn Tâm, Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy xã Nghi Hoa cho biết.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền miệng góp phần đưa Đảng bộ Nghi Hoa từ năm 2006-2016 đạt danh hiệu Đảng bộ TSVM, trong đó 5 năm là Đảng bộ TSVM tiêu biểu. Năm 2015, xã Nghi Hoa được công nhận xã Nông thôn mới./.

Lê Thanh

TIN LIÊN QUAN

Tin mới