Việc cần làm ngay để điều chỉnh quy hoạch Di tích Thành cổ Vinh

Ngày 10/9/2022, ông Nguyễn Hoàng Sơn (trú tại K3, P. Cửa Nam, TP. Vinh) gửi đến Báo Nghệ An thông báo kết luận của Sở Xây dựng tại cuộc họp về đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 bảo tồn, tôn tạo Khu Di tích Thành cổ Vinh (Văn bản số 3260/TB-SXD.QHKT ngày 8/9/2022).

Theo văn bản này, vào ngày 26/8, Sở Xây dựng tổ chức cuộc họp để nghe báo cáo đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 bảo tồn, tôn tạo Khu Di tích Thành cổ Vinh. Dự cuộc họp có đại diện các sở, ngành: TN&MT; VH&TT; UBND thành phố Vinh (chủ đầu tư lập điều chỉnh quy hoạch); UBND phường Cửa Nam; Hội Kiến trúc sư Nghệ An; Công ty CP Tư vấn và Đầu tư xây dựng TH Group (đơn vị tư vấn lập quy hoạch); đại diện lãnh đạo các phòng chuyên môn thuộc Sở Xây dựng…

Bản đồ các di tích lịch sử trong khu vực Thành cổ Vinh.
Bản đồ các di tích lịch sử trong khu vực Thành cổ Vinh.

Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các thành viên tham dự, chủ trì cuộc họp, Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Trường Giang có kết luận: “Hồ sơ đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 bảo tồn, tôn tạo Khu Di tích Thành cổ Vinh do UBND thành phố Vinh làm chủ đầu tư, Công ty CP Tư vấn và Đầu tư xây dựng TH Group (đơn vị tư vấn) khảo sát, lập quy hoạch được nghiên cứu khá kỹ càng, bám sát nhiệm vụ quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt. Cơ cấu quy hoạch sử dụng đất và tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan được nghiên cứu và bố trí hợp lý, phù hợp với thực trạng xây dựng tại khu vực và các quy định liên quan khác về bảo vệ di tích.

Do đây là khu vực thuộc di tích lịch sử cấp quốc gia. Căn cứ theo Nghị định 166/2016/NĐ-CP ngày 25/12/2018 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh thì cần phải lấy ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Vì vậy, đề nghị UBND thành phố Vinh lấy ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về phương án quy hoạch trước khi trình thẩm định, phê duyệt theo quy định.

Ngoài các nội dung trên, trong quá trình hoàn thiện đồ án quy hoạch yêu cầu chủ đầu tư chỉ đạo đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến phát biểu của các sở, ngành tại hội nghị để bổ sung hoàn thiện đồ án”.

Ông Nguyễn Hoàng Sơn và Văn bản số 3260/TB-SXD.QHKT ngày 8/9/2022 của Sở Xây dựng.
Ông Nguyễn Hoàng Sơn và Văn bản số 3260/TB-SXD.QHKT ngày 8/9/2022 của Sở Xây dựng.

Là cán bộ ngành Văn hóa nghỉ hưu, nên ông Nguyễn Hoàng Sơn hiểu để điều chỉnh quy hoạch Di tích Thành cổ Vinh, cần phải lấy ý kiến của Bộ VH-TT&DL. Điều ông băn khoăn, liệu sẽ mất bao nhiêu thời gian để có được ý kiến của Bộ VH-TT&DL? Và sau khi quy hoạch được điều chỉnh thì có bị treo như quy hoạch năm 2008 hay không?

Ông Nguyễn Hoàng Sơn trao đổi: “Chúng tôi sống trong các khu tập thể trong Thành cổ từ thời đầu xanh đến nay đầu bạc nhưng quy hoạch điều chỉnh rồi thì để đấy không thực hiện, nên dù thấy có sự chuyển động nhưng vẫn chưa hết lo lắng, băn khoăn. Tại buổi đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri phường Cửa Nam thời gian vừa qua, tôi có dự và được phát biểu ý kiến. Hôm đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội của tỉnh đã lắng nghe người dân bày tỏ nguyện vọng, sau đó, đã có chỉ đạo sát sao. Bởi vậy, mong muốn các cơ quan liên quan thể hiện trách nhiệm với nhân dân, đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh quy hoạch, và thực hiện quy hoạch…”.

Các cổng Tiền, Tả, Hữu của Thành cổ Vinh.
Các cổng Tiền, Tả, Hữu của Thành cổ Vinh.

Nắm bắt quan điểm của ngành Văn hóa, được biết Sở VH&TT ủng hộ đồ án điều chỉnh quy hoạch Di tích Thành cổ Vinh, theo hướng thực hiện tốt công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích và tái định cư tại chỗ các khu tập thể để ổn định đời sống nhân dân. Cụ thể, ngày 3/8/2022, Sở VH&TT có Văn bản số 2079/SVHTTDL-QLDSVH với ý kiến như sau:

“Xác định lại mục tiêu cụ thể của Quy hoạch và tên gọi Quy hoạch phù hợp với mục đích phục vụ cho định hướng phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội của thành phố Vinh trong tương lai. Đề nghị UBND thành phố Vinh, đơn vị tư vấn phối hợp chặt chẽ với Phòng Quản lý Di sản văn hóa, Ban quản lý Di tích tỉnh để xác định khoanh vùng bảo vệ khu vực 1, khu vực 2 các điểm di tích lịch sử văn hóa trong Thành cổ (theo Quyết định số 95/QĐ-BVH ngày 24/01/1998 về việc xếp hạng cấp quốc gia Di tích Thành Vinh), bổ sung vào Quy hoạch và thực hiện công tác bảo tồn, tôn tạo di tích.

Căn cứ vào Quy hoạch hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh Nghệ An định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để xây dựng quy hoạch các khu chức năng trong Thành cổ Vinh phù hợp, xây dựng một khu du lịch lịch sử, văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tích hợp đa dạng. Hệ thống công trình của Thể dục thể thao: Giữ nguyên hiện trạng của sân vận động Vinh. Các vị trí khác có thể nghiên cứu lập phương án dự phòng cho các công trình dịch vụ, thực hiện sau khi di chuyển ra khỏi khu vực thành cổ đến Khu Liên hợp Thể thao của tỉnh.

Một số nhà ở dân cư tại các khu tập thể vùng Thành cổ Vinh.
Một số nhà ở dân cư tại các khu tập thể vùng Thành cổ Vinh.

Không thực hiện các hạng mục: Quảng trường, Thư viện lịch sử. Ở vị trí phía trước hai bảo tàng: không xây dựng khu ẩm thực. Nghiên cứu có thể lựa chọn bố trí khu công viên cây xanh, khu dịch vụ bán hàng sản phẩm lưu niệm, bãi đậu xe tại vị trí này. Quy hoạch khuôn viên của hai Bảo tàng đảm bảo đẹp, đất không bị cắt xẻ. Cần nghiên cứu thêm các ý tưởng như phục hồi các cầu đá ở khu vực hào thành…

Thống nhất phương án tái định cư tại chỗ của các khu tập thể trong khu vực Thành cổ, cải tạo thành các khu phố cổ để ổn định dân cư và tổ chức các dịch vụ trong phố cổ”.

Ông Bùi Công Vinh – Phó Giám đốc Sở VH&TT trao đổi, di tích Thành cổ Vinh đã được xếp hạng là di tích cấp Quốc gia nên khi thực hiện đồ án điều chỉnh quy hoạch, theo quy định của luật thì phải xin ý kiến Bộ VH-TT&DL. Về nội dung này, Sở VH&TT sẽ đồng hành và có trách nhiệm với thành phố. Ông Bùi Công Vinh nói: “Theo quy hoạch năm 2008, tất cả các hộ dân sống tại các khu tập thể sẽ phải di chuyển, tái định cư ở nơi khác. Còn theo dự thảo điều chỉnh quy hoạch UBND thành phố mới trình, sẽ tái định cư tại chỗ các khu tập thể để ổn định nhân dân. Sở VH&TT đồng tình cao phương án này. Sở cũng đã nghiên cứu, đề xuất UBND thành phố sau khi thống nhất quy hoạch, thì xây dựng các khu ở mới này theo một kiến trúc phù hợp, hài hòa chung với cảnh quan tổng thể, trở thành một trong những điểm nhấn của Di tích Thành cổ Vinh. Vì vậy, mong muốn UBND thành phố Vinh sớm hoàn thành các nội dung liên quan để cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch…”.

Sơ đồ tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan của đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 bảo tồn, tôn tạo Khu di tích Thành cổ Vinh.
Sơ đồ tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan của đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 bảo tồn, tôn tạo Khu di tích Thành cổ Vinh.

Trong khu vực Thành cổ Vinh, các di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia gồm: Tuyến kè hào thành, bờ thành, cổng tiền, cổng tả và cổng hữu, bốt gác, nhà lao Vinh, bia dẫn tích Bác Hồ về thăm quê. Những di tích này, theo đồ án điều chỉnh quy hoạch do UBND thành phố Vinh làm chủ đầu tư, sẽ tuân thủ nghiêm Luật Di sản, đảm bảo nguyên vẹn; đối với di tích đã bị mai một dấu tích như bờ thành, sẽ khoanh vùng bảo vệ, từng bước đầu tư tôn tạo… Đồ án cũng làm rõ các công trình kiến trúc, cảnh quan hiện có và sẽ thực hiện trong tương lai như: Công trình bảo tàng (khu văn hóa – lịch sử); Khu công trình công cộng; Khu thương mại dịch vụ gắn với du lịch; Khu cây xanh và thể dục thể thao; hệ thống giao thông, bãi đậu xe…

Khu vực có các di tích bờ thành, hố bom đã bị mai một, mất dấu.
Khu vực có các di tích bờ thành, hố bom đã bị mai một, mất dấu.

Đối với khu nhà ở, giữ nguyên các khu nhà ở dân cư đã sinh sống ổn định phía Tây Bắc, phía Tây và phía Nam, chỉ thực hiện cải tạo hạ tầng kỹ thuật để nâng cao chất lượng môi trường sống. Về đất ở tái định cư, sẽ bố trí khu nhà ở tái định cư phía Đông phục vụ di dời các khu tập thể hiện hữu không phù hợp quy hoạch (tổng diện tích đất xây dựng 26.992,8m2, mật độ xây dựng tối đa 90%, tầng cao tối đa 2 tầng).

Theo đại diện của UBND thành phố Vinh, thành phố sẽ sớm có văn bản báo cáo Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch về đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 bảo tồn, tôn tạo khu di tích Thành cổ Vinh. “Tại báo cáo, thành phố sẽ xin ý kiến Bộ về việc khoanh vùng bảo vệ di tích để phục vụ cho việc phát triển hạ tầng xã hội. Qua đó, đảm bảo ổn định đời sống nhân dân gắn với việc thực hiện tốt công tác bảo tồn, tôn tạo để phát huy được giá trị văn hóa – lịch sử các di tích trong khu vực Thành cổ Vinh” – đại diện UBND thành phố Vinh trao đổi.

Thành cổ Vinh nhìn từ trên cao. Ảnh: Sách Nguyễn
Thành cổ Vinh nhìn từ trên cao. Ảnh: Sách Nguyễn