'Việc hệ trọng cốt ở yên dân'

(Baonghean) - Nhằm giải quyết kịp thời những vụ việc trọng tâm, nổi cộm trong nhân dân, để ổn định tình hình an ninh, chính trị góp phần phát triển kinh tế - xã hội, Ban chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Kế hoạch xử lý các vụ việc trong tâm nổi cộm năm 2016. PV Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với đồng chí Bùi Thanh Bảo - Bí thư Huyện ủy Tân Kỳ về nội dung này.

P.V: Đồng chí có thể thông tin cụ thể về những vụ việc được xem là trọng tâm, nổi cộm mà Ban thường vụ Huyện ủy đã xác định?
Đồng chí Bùi Thanh Bảo: Đó là vụ mâu thuẫn của nhân dân trong việc khai thác cát sỏi tại xóm Gia Đề và vụ việc chuyển đổi Công ty TNHH 1 thành viên Nông nghiệp Sông Con.
Lãnh đạo huyện Tân Kỳ thăm quan dây chuyền sản xuất gạch ngói Hoàng Nguyên. 	Ảnh: Phương Thảo (Đài Tân Kỳ)
Lãnh đạo huyện Tân Kỳ thăm quan dây chuyền sản xuất gạch ngói Hoàng Nguyên.
Ảnh: Phương Thảo (Đài Tân Kỳ)
Đây là những vụ việc khó bởi người dân đã không thuận theo chủ trương, không đồng tình với những chính sách mà đảng Nhà nước đã ban hành. Từ đó đã có những khiếu nại, tố cáo, thậm chí khiếu kiện vượt cấp ảnh hưởng không nhỏ đến trật tự xã hội và đời sống dân sinh. Như vụ Gia Đề chẳng hạn, đã có những thời điểm bộ máy chính quyền tại xóm không hoạt động, đảng viên yêu cầu thay bí thư chi bộ, hội viên của các tổ chức hội yêu cầu chi hội trưởng từ chức. Cũng chính bởi không đồng tình cho doanh nghiệp Hoàng Đình Lâm vào khai thác cát sỏi vùng bãi ngang mà họ đưa cả nồi niêu, xoong chảo tập trung trước cổng UBND tỉnh. Rồi vận chuyển gộc tre về trồng trên khu vực đã cấp giấy phép khai thác cát sỏi cho DNTN 
Đối với vụ việc Công ty TNHH 1 thành viên Sông Con vì không thuận với chủ trương phương án sắp xếp chuyển đổi mà công nhân Nông trường Sông Con đã khiếu kiện khắp nơi. Có những thời điểm hơn 60 đảng viên công ty đã lên huyện đòi gặp bí thư để trần tình. Họ cho rằng công ty làm ăn có lãi nên phương án sát nhập hoặc giải thể là thiếu căn cứ.
Cũng chính vì điều này mà công nhân bỏ bê làm ăn, bộ máy chính quyền tại xã Tân Phú nơi công ty đứng chân đã có thời điểm bất đồng quan điểm lãnh đạo, nội bộ thiếu thống nhất dẫn đến chủ tịch UBND xã bị kiểm điểm và huyện phải tăng cường chủ tịch xã mới. Vì những bất đồng này mà công nhân công ty và cũng là công dân xã Tân Phú từ chỗ đồng lòng, đoàn kết nhất trí cao với quan điểm và đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước mà có những thời điểm đã bỏ bê không tham gia phong trào. 
Tiếp đến là vụ việc tranh chấp mặt bằng khu công nghiệp tại làng nghề Ngói Cừa xã Nghĩa Hoàn. Tại đây, sau khi kiện toàn ban chủ nhiệm mới một số đồng chí tiền thân là lãnh đạo hợp tác xã đã không đồng tình với cách thức điều hành của Ban chủ nhiệm mới đã tách ra thành lập HTX thứ hai.
Do HTX được tách mới này hoạt động không hiệu quả nên lại đòi sát nhập. Nhưng yêu cầu này không nhận được sự đồng tình chấp thuận của HTX cũ nên dẫn đến việc tranh chấp mặt bằng. Rồi thay vì đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh trên dây chuyền công nghệ cao tăng thu ngân sách, phát triển kinh tế, bà con xã viên hai HTX lại suốt ngày “vác” đơn đi kiện.
P.V: Vậy các vụ việc đó đã được giải quyết khoảng bao nhiêu phần trăm?
Đồng chí Bùi Thanh Bảo: Trong 8 vụ việc thì có 4 vụ việc đã cơ bản đạt được yêu cầu về tiến độ. Trong đó vụ việc tranh chấp đất đai giữa Công ty cổ phần Mía đường Sông Con và doanh nghiệp tư nhân Hòa Cường là đã giải quyết xong. 
Lãnh đạo huyện Tân Kỳ trao đổi cán bộ xóm về chương trình xây dựng NTM.
Lãnh đạo huyện Tân Kỳ trao đổi cán bộ xóm về chương trình xây dựng NTM.
Đây là vụ việc tranh chấp đất đai giữa tư nhân và doanh nghiệp. Chi cục thi hành án dân sự huyện Tân Kỳ phối hợp cùng chính quyền địa phương tiến hành lập biên bản giải quyết thi hành án đối với bà Ngô Thị Hòa và ông Nguyễn Thế Cường. Bản án yêu cầu ông bà phải phải thực hiện nghĩa vụ trả lại đất cho Công ty mía đường Sông Con với diện tích 3.017m2 thuộc tờ bản đồ số 2, thửa số 2 tại khối 5, thị trấn Tân Kỳ. Thế nhưng, đến thời hạn 25/5/2015 đã được ghi trong bản án nhưng ông Cường và bà Hòa vẫn không tháo dỡ tài sản trả lại đất. Một mặt chính quyền và tòa án vẫn phối hợp vận động gia đình bà Hòa bàn giao đất, một mặt ra quyết định ấn định đến ngày 27/2/2016 sẽ bắt đầu cưỡng chế thi hánh án. Do ông Cường và bà Hòa vẫn một mực không chấp thuận thi hành án nên đến đầu tháng 4 cấp ủy đã chỉ đạo UBND phối hợp với Cục Thi hành án dân sự cưỡng chế tài sản để bàn giao đất cho Công ty Mía đường Sông Con. 
Trước thái độ cương quyết và thuận lý, thấu tình nên các bên liên quan hầu như đã thuận theo quyết định bản án. Việc giải quyết dứt điểm vụ việc này đã thể hiện sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương trước một sự việc khiếu nại dân sự nhiều năm.
Vụ việc thứ 2 đạt kết quả đúng tiến độ là vụ việc ở xóm Gia Đề. Với mục đích củng cố hệ thống chính trị đến nay cơ bản đã ổn. Đến 29/2/2016 chúng tôi cũng đã củng cố xong hệ thống chính trị, đã bầu mới các chi hội trưởng, xóm trưởng, xóm phó công an viên, trưởng ban công tác mặt trận đã trở lại làm việc, bộ máy chính quyền đi vào hoạt động nề nếp. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã yêu cầu doanh nghiệp Hoàng Đình Lâm chừng nào chưa đối thoại đi đến thống nhất được với nhân dân Gia Đề thì chưa tham gia khai thác. 
Trong đợt bầu cử vừa qua, nhân dân Gia Đề đã tham gia bỏ phiếu gần 100%, đồng chí xóm trưởng cũng đã trúng cử HĐND xã. 
Thứ ba là vụ việc sắp xếp chuyển đổi Công ty TNHH 1 thành viên Mía đường Sông Con. Qua các cuộc đối thoại chúng tôi đã vận động bà con yên tâm sản xuất, kinh doanh, bảo quản tài sản, vật tư. Thế nên, từ chỗ bà con không tham gia phong trào địa phương nhưng đến ngày bầu cử bà con đã tham gia đầy đủ với tỷ lệ số phiếu bầu đạt cao. Sau nhiều tháng nỗ lực, đến nay huyện cũng vừa mới nhận được công văn của UBND tỉnh đồng ý phê duyệt phương án chuyển đổi theo hình thức cổ phần hóa như nguyện vọng của Ban giám đốc và toàn thể công nhân Nông trường Sông Con. 
 Vụ việc thứ 4 cơ bản cũng đã ổn đó là vụ xây dựng công trình trái phép tại xóm 14, xã Tân Hương. Sau nhiều nỗ lực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đến nay công trình đã ngừng xây dựng.
 Còn vụ việc tranh chấp mặt bằng khu công nghiệp tại làng nghề Ngói Cừa phương án chia đất để không ảnh hưởng đến dây chuyền cấp phôi của hợp tác xã gạch ngói Nghĩa Hoàn công nghệ cao cũng đã được phê duyệt. Bước đầu cũng chưa thấy phát sinh kiện cáo gì thêm.
Trong 8 vụ việc thì có lẽ khó nhất vẫn là vụ việc lấn chiếm đất lâm nghiệp tại xã Nghĩa Dũng của một số hộ dân xã Quang Thành. Vì đến nay sau nhiều lần tiếp cận với hiện trường, chúng tôi vẫn chưa nhận được sự hợp tác của người dân. Chúng tôi cũng đang lên kế hoạch để có phương án cụ thể. .
P.V: Đối với những vụ việc khó, thời gian tới huyện đã có kế hoạch gì và liệu mốc thời gian đề ra là hết năm 2016 sẽ giải quyết triệt để có đảm bảo không thưa đồng chí?
Đồng chí Bùi Thanh Bảo: Đối với những vụ việc khó chúng tôi cũng đã lên kế hoạch cụ thể, với mục đích là giải tỏa được những bức xúc bấy lâu trong nhân dân để bà con ổn định sản xuất, nhằm đảm bảo an ninh chính trị trên địa bàn huyện. Như việc tranh chấp đất đai ở xã Nghĩa Dũng, chúng tôi cũng đã có phương án cụ thể: Sau khi Đoàn kiểm tra của xã Nghĩa Dũng làm việc với các hộ dân liên quan để quán triệt về chủ trương, đồng thời rà soát, đo đếm tài sản trên đất. UBND huyện Tân Kỳ sẽ làm việc với Công ty TNHH Kiều Phương (là đơn vị chủ quản phần đất rừng đặc dụng tại xã Nghĩa Dũng mà hiện một số hộ dân xã Quang Thành - huyện Yên Thành đang sản xuất) để xây dựng phương án hỗ trợ.
Sau khi phương án được phê duyệt, UBND hai huyện sẽ tuyên truyền vận động người dân nhận tiền hỗ trợ trả lại đất. Trường hợp các hộ dân không nhận tiền sẽ thực hiện lập biên bản vi phạm đối với từng hộ dân.
Đối với vụ việc GPMB 15 ốt quán trước cổng Tòa án và UBND huyện cũng được xem là vụ việc khó. Đến nay, Huyện ủy, UBND đang tiếp tục chỉ đạo Đảng ủy, UBND thị trấn thực hiện công tác tuyên truyền vận động các hộ dân chưa chịu nhận hỗ trợ bồi thường.
Huyện cũng đã lên kế hoạch khoảng 5/7 sẽ tổ chức đối thoại lần cuối để vận động bà con. Nếu bà con vẫn một mực từ chối các chính sách hỗ trợ bồi thường thì sau khi có văn bản hướng dẫn của UBND tỉnh, UBND huyện sẽ thực hiện các trình tự thủ tục theo hướng dẫn cưỡng chế để giải tỏa tại khu vực trước cổng UBND huyện và Tòa án.
P.V: Bài học của Thường vụ, Ban Chấp hành huyện Tân Kỳ khi giải quyết những vụ việc bức xúc nổi cộm là gì, thưa đồng chí?
Đồng chí Bùi Thanh Bảo: Điều căn bản nhất vẫn là làm sao để dân hiểu từng chính sách và chủ trương cho từng vụ việc, từng vấn đề. 
Và điều căn bản nhất chúng tôi muốn chuyển tải đó là không có vụ việc nào không tháo gỡ được. Bất cứ bài toán nào khó đến mấy cũng có đáp án, vấn đề là chúng ta phải biết bắt đầu tháo gỡ từ nút thắt nào.Vì thế, đối với từng vụ việc từng địa bàn, chúng tôi đều có cách tổ chức và cơ chế giám sát việc thực hiện. Bên cạnh đó, từng đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy trên lĩnh vực được phân công phụ trách phát huy hết trách nhiệm, chủ động phối hợp chỉ đạo thực hiện nội dung đạt kết quả cao nhất.
Và trên hết, bao giờ chúng tôi cũng đặt nhiệm vụ quan trọng nhất đó là phải yên dân.
P.V: Cảm ơn đồng chí!
Thanh Nga (Thực hiện)

Tin mới