Việc sáp nhập Trường THCS Khai Lạng: Cần đảm bảo quyền lợi cho học sinh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Việc sáp nhập trường lớp đối với cấp THCS ở xã Lạng Sơn và xã Khai Sơn (Anh Sơn) đã được tiến hành từ cách đây 4 năm. Tuy nhiên, hiện nay nhiều phụ huynh lại chọn cách phản đối sáp nhập bằng việc không cho con em đến trường dù năm học mới đang đến rất gần.

Phụ huynh không cho con đến trường

Những ngày cuối tháng 8, trong khi học sinh cả nước đang tất bật chuẩn bị cho ngày tựu trường thì tại xã Lạng Sơn (huyện Anh Sơn), nhiều em đang có nguy cơ không thể đến lớp vì bố mẹ phản đối chuyện nhập trường. Trong khi việc sáp nhập Trường THCS Lạng Sơn với Trường THCS Khai Sơn đã được tiến hành từ 4 năm trước. Học sinh khối 9 ở xã Lạng Sơn cũng đã chuyển ra trường mới là THCS Khai Lạng (đóng tại xã Khai Sơn), học ổn định từ năm 2018 đến nay.

Theo lãnh đạo xã Lạng Sơn, thời gian gần đây, nhiều phụ huynh tuyên bố sẽ không cho các em lớp 9 tiếp tục tới trường, để phản đối việc sáp nhập. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến công tác chuẩn bị cho năm học mới của nhà trường mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi của học sinh.

Trường THCS Khai Lạng, đóng tại xã Khai Sơn. Ảnh: Tiến Hùng

Trường THCS Khai Lạng, đóng tại xã Khai Sơn. Ảnh: Tiến Hùng

Việc sáp nhập Trường THCS Lạng Sơn và Trường THCS Khai Sơn được UBND huyện Anh Sơn thực hiện từ năm học 2018 - 2019, thành Trường THCS Khai Lạng (đóng tại xã Khai Sơn). Điểm trường mới cách Trường THCS Lạng Sơn cũ hơn 4km. Hiện đề án đã được phê duyệt, triển khai nhưng sau 3 năm học, chỉ có khối 9 chuyển về trường chính THCS Khai Lạng. Các khối 6, 7, 8 của xã Lạng Sơn vẫn học ở cơ sở 2.

Theo lộ trình, đầu năm học này, toàn bộ khối 6, 7, 8 sẽ được chuyển về trường mới. Nhưng khi nhận được thông tin, nhiều hộ dân đã đồng loạt gửi đơn thư phản đối. Những người này cho rằng, cơ sở vật chất của trường mới chưa đảm bảo cho toàn bộ học sinh THCS của 2 xã. Thứ hai, việc đi lại của các cháu từ lớp 6 đến lớp 8 từ xã Lạng Sơn sang Khai Sơn rất vất vả. Xa nhất là thôn 8, 9 quãng đường dài hơn 8km. Bên cạnh đó, việc sáp nhập, một số phụ huynh chưa đồng tình bởi họ cho rằng quá trình triển khai chưa lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, đặc biệt là cán bộ, đảng viên tại các thôn xóm.

Trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An, nhiều hộ dân còn cho rằng, xã Lạng Sơn vốn có truyền thống hiếu học. Trường THCS Lạng Sơn là đơn vị đầu tiên của huyện có cơ sở vật chất phòng học hai tầng. Vì vậy, nếu sáp nhập trường sang xã khác, sẽ làm mai một đi truyền thống của địa phương và Lạng Sơn sẽ bị mất trường THCS. Người dân có nguyện vọng, thay vì sáp nhập hai trường THCS Lạng Sơn và Khai Sơn thì nên sáp nhập trường tiểu học và THCS trên cùng một địa bàn để thuận lợi hơn cho người dân.

Nhận thấy một số người dân vẫn chưa đồng thuận, ngày 15/7 Thường trực Huyện ủy Anh Sơn đã ra thông báo về quyết định chưa sáp nhập các khối lớp còn lại điểm trường Lạng Sơn về điểm trường Khai Sơn trong năm học 2022-2023. “Lãnh đạo huyện nhận thấy việc sáp nhập các khối còn lại vẫn chưa nhận được sự đồng thuận 100% từ phụ huynh nên đang tạm dừng. Tuy vậy, người dân vẫn không hài lòng, đòi phải chuyển toàn bộ học sinh khối 9 của xã Lạng Sơn về điểm trường cũ để học. Họ muốn giữ lại ngôi trường, không muốn sáp nhập nữa nên đi vận động các phụ huynh không cho con em đến trường nhằm gây áp lực. Họ còn đi tuyên truyền là lãnh đạo xã bán trường, chúng tôi cũng rất đau đầu”, vị lãnh đạo xã Lạng Sơn nói thêm.

Cơ sở vật chất ở Trường THCS Khai Lạng đã cơ bản đáp ứng được việc sáp nhập. Ảnh: Tiến Hùng

Cơ sở vật chất ở Trường THCS Khai Lạng đã cơ bản đáp ứng được việc sáp nhập. Ảnh: Tiến Hùng

Khó cho nhà trường

Trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An, thầy Lê Đình Hà – Hiệu trưởng Trường THCS Khai Lạng cho rằng, việc sáp nhập nhưng vẫn duy trì 2 điểm trường gây bất cập trong việc bố trí giáo viên. Có những buổi học, một giáo viên phải đi lại 2 điểm trường rất vất vả. Với khối đã sáp nhập, đến lớp 9 các em mới về chung 1 điểm trường, phân chia lại sĩ số, phải mất thời gian làm quen, ổn định. Trong khi đây lại là năm học quan trọng, cần tăng cường giảng dạy chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.

“Năm nay, khối lớp 9 có 105 em, được chia làm 3 lớp, nhưng mỗi lớp cũng rất nhỏ, chỉ từ 30 đến 35 em. Trong 105 em thì có 52 em ở xã Lạng Sơn, 53 em ở xã Khai Sơn, bây giờ phải chia về cho xã Lạng Sơn theo yêu cầu của một số phụ huynh thì lại phải bố trí đến 4 lớp 9, vì quy định mỗi lớp không được quá 45 em. Như vậy cũng rất khó cho nhà trường để bố trí giáo viên, chưa kể lãng phí”, thầy Hà nói.

Tương tự, ở các khối lớp còn lại, theo thầy Hà, do đang học tại 2 cơ sở, dẫn đến khó bố trí lớp như đúng sĩ số quy định. Năm học vừa qua, điểm trường Lạng Sơn, khối 7 có 51 em, cũng không thể chia làm 2 lớp vì không đảm bảo sĩ số theo điều lệ, và cũng không đủ giáo viên để giảng dạy. Nhưng để 1 lớp thì quá tải với cả giáo viên lẫn học sinh. Ở một số khối khác sĩ số lại chưa đến 35 em/lớp. Với những bất cập trên, hiệu trưởng nhà trường cũng cho rằng cần sớm có sự đồng thuận trong nhân dân để thực hiện việc sáp nhập cho nhà trường, bởi “trước tiên là để đảm bảo quyền lợi học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện”.

Điểm trường THCS ở xã Lạng Sơn đã xuống cấp vì nhiều năm nay không được đầu tư. Ảnh: Tiến Hùng

Điểm trường THCS ở xã Lạng Sơn đã xuống cấp vì nhiều năm nay không được đầu tư. Ảnh: Tiến Hùng

Còn ông Đoàn Văn Thanh – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Anh Sơn cho hay, đề án sáp nhập THCS Khai Sơn và THCS Lạng Sơn xuất phát từ thực tế quy mô trường lớp và phù hợp với quy hoạch mạng lưới trường lớp của huyện. Mục tiêu tập trung đầu tư cơ sở vật chất theo hướng hiện đại đảm bảo đầy đủ các điều kiện cần thiết cho công tác quản lý và dạy học, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Đồng thời, góp phần giảm bớt đầu mối quản lý, bố trí, sắp xếp lại đội ngũ viên chức phù hợp, nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm chi ngân sách.

Cụ thể, theo số liệu tổng hợp năm 2018, cả hai Trường THCS Lạng Sơn và Trường THCS Khai Sơn, mỗi trường chỉ có 6 lớp. Có những khối chỉ có 1 lớp nên ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học của nhà trường. Sau 4 năm sáp nhập, qua khảo sát quy mô học sinh của 2 xã không chuyển biến nhiều. Năm học tới, qua thống kê, điểm Lạng Sơn chỉ có 5 lớp với 154 học sinh. Còn ở trường chính THCS Khai Lạng (tính cả học sinh lớp 9 đã sáp nhập) nhưng cũng chỉ có 9 lớp với 287 em.

“Hiện, đối với Trường THCS Khai Lạng, nếu chuyển về trường chính thì môi trường giáo dục tốt hơn và đang được đầu tư để từng bước đồng bộ, hoàn thiện. Trước mắt, phụ huynh và người dân đi lại khó khăn một chút, chịu vất vả để đưa đón con đến trường”, ông Thanh nói.

Sớm khắc phục các hạn chế

Theo bà Bùi Thị Phượng - Phó Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn, việc xây dựng đề án sáp nhập Trường THCS Lạng Sơn với Trường THCS Khai Sơn được thực hiện trên cơ sở các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng và Nhà nước. Trong đó, quy định, đối với giáo dục trung học cơ sở tiếp tục thực hiện sáp nhập đối với những trường có quy mô quá nhỏ (dưới 8 lớp/trường).

Thực hiện các văn bản trên, UBND huyện đã rà soát về quy mô trường lớp trên địa bàn và căn cứ vào tình hình thực tế của các địa phương. Năm học 2018- 2019, Trường THCS Lạng Sơn và THCS Khai Sơn mỗi trường chỉ có 6 lớp, quy mô nhỏ nhất huyện. Tháng 6/2018, UBND huyện Anh Sơn ban hành Quyết định sáp nhập Trường THCS Lạng Sơn với Trường THCS Khai Sơn thành Trường THCS Khai Lạng.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cũng có một số ý kiến chưa đồng tình, còn băn khoăn và đề xuất UBND huyện quan tâm khắc phục trước khi thực hiện sáp nhập. Theo lãnh đạo huyện Anh Sơn, những kiến nghị, đề xuất của nhân dân, phụ huynh học sinh ở xã Lạng Sơn đã được UBND huyện quan tâm giải quyết như: tu sửa đường giao thông từ điểm trường chính về đầu cầu Tri Lễ, các đoạn đường học sinh đi học từ Lạng Sơn đi Tào Sơn.

Huyện Anh Sơn làm đường tắt, rút ngắn quãng đường cho học sinh xã Lạng Sơn tới trường. Ảnh: Tiến Hùng

Huyện Anh Sơn làm đường tắt, rút ngắn quãng đường cho học sinh xã Lạng Sơn tới trường. Ảnh: Tiến Hùng

Đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn, thiếu phương tiện đi học, Bí thư Huyện ủy Anh Sơn cũng đã có Thư kêu gọi vận động ủng hộ chương trình “Tiếp sức đến trường” nhằm hỗ trợ xe đạp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn không có phương tiện đi học trên địa bàn huyện. Kết quả các ban, ngành, các nhà hảo tâm tặng hàng chục xe đạp giúp các em học sinh xã Lạng Sơn có đủ phương tiện thuận lợi hơn trong việc đến trường hàng ngày. Về việc đầu tư cơ sở vật chất tại điểm trường Khai Sơn, UBND huyện đã đầu tư xây dựng bổ sung thêm các phòng học, phòng chức năng, trang bị thiết bị dạy học phòng Tin học, phòng Ngoại ngữ, phòng Công nghệ... để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 và đến nay đã đảm bảo các điều kiện để đưa về học 1 điểm tại Khai Sơn. Qua 4 năm sáp nhập khối 9, chất lượng học tập của các em cũng đã tăng lên đáng kể.

“Các em học sinh cần được đến trường. Năm học mới chỉ còn ít ngày nữa là bắt đầu”, bà Bùi Thị Phượng nói.

Tin mới