Việt Nam phản đối báo cáo của Mỹ về tình hình mua bán người

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Bộ Ngoại giao cho rằng báo cáo về tình hình mua bán người của Mỹ không phản ánh đúng thực tế và nỗ lực của Việt Nam trong phòng chống tình trạng này.

"Bộ Ngoại giao Mỹ ra Báo cáo năm 2022 về tình hình mua bán người trên thế giới với các thông tin không xác thực, không phản ánh đầy đủ, chính xác về tình hình và nỗ lực phòng, chống mua bán người của Việt Nam", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng. Ảnh: Baoquocte

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng. Ảnh: Baoquocte

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 19/7 công bố báo cáo, trong đó đánh giá Việt Nam "không đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn tối thiểu để xóa bỏ nạn buôn người và không có những nỗ lực đáng kể để làm vậy".

Mỹ cũng xếp Việt Nam vào nhóm 3, gồm những quốc gia có thể bị hạn chế nhận viện trợ từ Washington trong tương lai, cùng các nước như Brunei, Campuchia, Malaysia, Myanmar, Trung Quốc và Cuba.

"Chúng tôi mong muốn phía Mỹ trong thời gian tới hợp tác chặt chẽ hơn nữa để có đánh giá đầy đủ về tình hình và nỗ lực phòng, chống mua bán người của Việt Nam. Chúng tôi cũng sẵn sàng trao đổi với phía Mỹ, cũng như các bên liên quan, về những vấn đề hợp tác cụ thể để cùng nhau triển khai hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người", bà Hằng cho biết thêm.

Liên Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Quốc phòng, Công an, Ngoại giao hôm 18/7 cùng ký quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Quy chế quy định rõ vai trò, trách nhiệm của các bên, cũng như quy trình tiếp nhận thông tin, tài liệu về nạn nhân mua bán người, bảo vệ an toàn cho nạn nhân và người thân của họ khi có sự việc xảy ra.

Trong lễ ký quy chế, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ - Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, phần lớn nạn nhân buôn người bị bán sang các nước có chung đường biên giới với Việt Nam, 20% sang các nước khác qua đường bộ, hàng không, đường biển. Từ năm 2011 đến nay, ngành Công an đã xác minh, giải cứu hàng nghìn nạn nhân bị mua bán.

Việt Nam có khoảng 5.000 km đường biên giới đất liền, tiếp giáp với ba nước gồm Trung Quốc ở phía Bắc, Lào ở phía Tây và Campuchia ở hướng Tây Nam. Hôm 4/7, Bộ Công an đã phát đi cảnh báo về tình trạng nhiều lao động Việt Nam bị lừa bán sang Campuchia với chiêu trò dụ dỗ "việc nhẹ, lương cao".

Tin mới