'Việt Nam sẽ không thay đổi đường lối ngoại giao độc lập, tự chủ'

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao khẳng định, Việt Nam sẽ không thay đổi chính sách ngoại giao độc lập, tự chủ, theo đuổi hòa bình, ổn định.

Ngày 5/1, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc họp báo tổng kết công tác ngoại giao năm 2016 và những thách thức Việt Nam phải đối mặt trong năm 2017.

 Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trong buổi họp báo sáng 5/1. Ảnh: Lan Hương
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trong buổi họp báo sáng 5/1. Ảnh: Lan Hương

Năm 2016 là năm chứng kiến nhiều xáo trộn trong tình hình thế giới. Trong bối cảnh đó, ngành ngoại giao Việt Nam đã có những bước chuyển ra sao, thưa Phó Thủ tướng?

Năm 2016 là một năm bất ổn, khó lường. Thế giới chứng kiến những sự kiện mà hàng chục năm trước không bao giờ nghĩ có thể xảy ra: Hoa Kỳ và Cuba bình thường hóa quan hệ, thỏa thuận hạt nhân Iran hay việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU) - Brexit. Năm 2016 cũng chứng kiến một số xu hướng đi ngược lại tiến trình toàn cầu hóa, liên kết kinh tế như trào lưu chủ nghĩa dân tộc, phong trào dân túy; tình hình an ninh truyền thống và phi truyền thống diễn ra phức tạp.

Trong bối cảnh đó, hoạt động đối ngoại năm 2016 của chúng ta là sự tiếp nối thành tựu từ các năm trước. Năm 2016, Việt Nam tiếp tục triển khai các khung khổ đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện đi vào sâu rộng. Nguyên thủ các nền kinh tế lớn như Pháp, Anh, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nga... đã tới thăm Việt Nam và ngược lại. Việt Nam cũng triển khai những hoạt động ngoại giao đa phương hết sức tích cực như tham gia Hội nghị cấp cao Pháp ngữ, Hội nghị không liên kết, lần đầu tiên tham gia Hội nghị G7 mở rộng tại Nhật Bản…

Ở tầm khu vực, vị thế và vai trò của Việt Nam đã được nâng cao thông qua các hội nghị trong khu vực như Hội nghị cấp cao AMECS 7, CLMV 8 và Diễn đàn kinh tế Mekong (WEF).

Dự báo năm 2017, cục diện thế giới tiếp tục có nhiều biến động khó lường, ngành ngoại giao Việt Nam có những giải pháp gì để hóa giải những thách thức này, thưa Phó Thủ tướng?

Trong năm tới dự báo chính trường các nước có nhiều thay đổi với các cuộc bầu cử, đại hội đảng. Nhưng điều quan trọng là Việt Nam thúc đẩy quan hệ không phải với một chính quyền, một đảng, thay vào đó xây dựng khung khổ quan hệ với các nước. Do đó, quan hệ song phương sẽ không bị ảnh hưởng khi các nước thay đổi chính quyền.

Về phía Việt Nam, chúng ta sẽ không thay đổi đường lối ngoại giao độc lập tự chủ, lấy mục tiêu lớn nhất là đa dạng, đa phương hóa quan hệ trên cơ sở phục vụ lợi ích Nhân dân Việt Nam cũng như các nước. Với phương châm làm bạn với tất cả các quốc gia, đa phương hóa, Việt Nam sẽ tiếp tục làm sâu sắc hơn các quan hệ với các nước trên khuôn khổ đối tác chiến lược, chiến lược toàn diện. Việt Nam đã chủ động tham gia vào các cơ chế đa phương, ký kết nhiều hiệp định trong năm 2016. Dựa trên những nền tảng và biện pháp này, tôi tin tưởng Việt Nam sẽ vượt qua những thách thức về mặt đối ngoại trong năm 2017.

Có một số ý kiến cho rằng, sau một năm thành lập Cộng đồng ASEAN, các thành tựu vẫn còn chưa rõ nét. Phó Thủ tướng đánh giá thế nào về ý kiến này?

- Đầu năm 2016, cộng đồng ASEAN đã chính thức được hình thành, nhưng đây không phải điểm đến mà là cả một hành trình của các nước ASEAN trong việc thực hiện tất cả các chỉ tiêu của cả một cộng đồng. Chúng ta đã cùng các nước ASEAN, mức độ có thể khác nhau nhưng về cơ bản hoàn thành các mục tiêu của cộng đồng ASEAN.

Với tinh thần đó, trong năm 2016, các nước ASEAN tạo dựng được cơ sở đồng nhất về cơ sở sản xuất, tạo dựng được thị trường thống nhất, gỡ bỏ hàng rào thuế quan, tạo thuận lợi cho liên kết sản xuất. Đây là thành quả hiện hữu của cộng đồng kinh tế ASEAN đang phát huy. Đối với Việt Nam, vẫn tồn tại những vấn đề không được như mong muốn. Thương mại của Việt Nam trong ASEAN đã giảm 8%. Đây là không mong đợi vì trong khi một số nước tận dụng được thị trường lớn với 650 triệu dân, thúc đẩy thương mại nội khối tăng lên thì thương mại của chúng ta lại thụt lùi. Điều này đặt ra vấn đề về sức cạnh tranh của DN Việt Nam với thị trường trong khu vực.

Trong cuộc họp báo sáng 5/1, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry sẽ có chuyến thăm Việt Nam vào tuần tới. Chuyến thăm thúc đẩy quan hệ hai nước trên khung khổ đối tác toàn diện đã xây dựng. Đồng thời tái khẳng định việc duy trì chính sách ngoại của Hoa Kỳ đối với Việt Nam dù đảng nào lên nắm quyền.

 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ có chuyến thăm Trung Quốc theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình. Chuyến thăm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc, khẳng định đường lối đối đối ngoại tự chủ của Việt Nam và tăng cường quan hệ với các nước, trong đó có Trung Quốc, đối tác chiến lược quan trọng của Việt Nam.

Theo Kinhtedothi.vn

TIN LIÊN QUAN

Tin mới