Việt Nam tăng 5 bậc trên bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu

(Baonghean) - Theo báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) ngày 27/9 cho thấy, 3 vị trí đứng đầu năm nay không có sự thay đổi, với lần lượt là Thụy Sĩ, Mỹ và Singapore. Trong top 10 có 6 đại diện châu Âu, 3 đại diện châu Á và 1 châu Mỹ.

Bản đồ đánh giá năng lực cạnh tranh toàn cầu. Ảnh: EPA
Bản đồ đánh giá năng lực cạnh tranh toàn cầu. Ảnh: EPA

Các tiêu chí đánh giá của WEF được chia thành 3 nhóm chính, gồm: Yêu cầu căn bản (kinh tế vĩ mô, giáo dục cơ bản - y tế, cơ sở hạ tầng, thể chế); Các yếu tố nâng cao hiệu suất (giáo dục và đào tạo bậc cao, độ hiệu quả trên thị trường lao động, hiệu quả trên thị trường hàng hóa, sự phát triển của hệ thống tài chính, trình độ công nghệ, quy mô thị trường) và Các yếu tố về tinh vi - đột phá (sự tinh vi của hệ thống doanh nghiệp, khả năng đột phá). Số quốc gia năm nay tham gia khảo sát là 137, ít hơn 1 so với năm ngoái. WEF đánh giá các nước trên thang điểm 7.

Các nước châu Á khác tăng bậc năng lực cạnh tranh gồm Malaysia (hạng 23), Trung Quốc (27), Thái Lan (32) và Philippines (56). Tuy nhiên, Nhật lại bị tụt hạng liên tiếp trong 2 năm qua và xếp thứ 9. Ấn Độ vốn tăng hạng trong hai năm liền lại giảm 1 bậc xuống vị trí thứ 40.

Việt Nam hiện tại xếp hạng 55, tăng 5 bậc so với năm ngoái và 20 bậc so với 5 năm trước.

Tại châu Âu, một số nước tích cực cải thiện vị trí của mình như Nga xếp thứ 38/137 quốc gia, tăng 5 bậc so với vị trí 43/138 vào năm 2016, nhờ chất lượng cải thiện về tình hình kinh tế vĩ mô (dịch chuyển từ vị trí 91 lên 53), trong đó chủ yếu là tập trung tăng trưởng tiết kiệm, giảm lạm phát. Trong giai đoạn 2012-2017, vị trí của Nga đã liên tục được cải thiện, tăng 29 bậc. 

Năm nay, báo cáo nhận định, trong 10 năm tiếp theo, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và triển vọng phục hồi kinh tế vẫn còn đang bị đe dọa. Các biện pháp nới lỏng tiền tệ cũng chưa đủ để duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững, và các nước cần cải tổ sức cạnh tranh.

Bên cạnh đó, việc cập nhật các phương thức kinh doanh, chú trọng đầu tư vào sáng tạo, đổi mới cũng quan trọng như cơ sở hạ tầng, kỹ năng và thị trường hiệu quả, hướng đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

“Khả năng cạnh tranh toàn cầu ngày càng được quyết định bởi tiềm năng sáng tạo của mỗi đất nước. Thế giới đang chuyển mình từ thời đại của chủ nghĩa tư bản sang kỷ nguyên của tài năng, do đó, tài năng trở nên quan trọng hơn vốn đầu tư. Các quốc gia cần chủ động sẵn sàng tư thế cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đồng thời tăng cường đổi mới toàn diện từ hệ thống chính trị, kinh tế và xã hội, nhằm tăng năng lực cạnh tranh trong thời gian tới”, Klaus Schwab - nhà sáng lập kiêm Chủ tịch WEF kết luận./.

Mỹ Nga

(Theo TASS)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới