Việt Nam tham gia chuỗi bảo đảm kỹ thuật trực thăng Nga

Hãng ODK Klimov của Nga cho biết, động cơ trực thăng Nga ở Đông Nam Á sẽ nhận được dịch vụ bảo trì chính hãng, có cơ sở ở Việt Nam.

Nhà phát triển và sản xuất máy bay trực thăng Nga ODK-Klimov (trụ sở ở St. Petersburg) và Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Trực thăng Việt Nam (Helicopter Technical Service Việt Nam) đã ký Hợp đồng bảo trì động cơ trực thăng của Liên Xô/Nga hoạt động tại Việt Nam và một số nước Đông Nam Á.

Tài liệu này dự tính đến cuối năm 2018 sẽ mở một văn phòng đại diện của ODK-Klimov tại Vũng Tàu với một Trung tâm Hỗ trợ hậu cần tích hợp, trong đó sẽ có xưởng sửa chữa, khu trung tu động cơ máy bay trực thăng, kho phụ tùng và linh kiện.

Trung tâm sẽ nhận được giấy chứng nhận từ các cơ quan hàng không của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vào tháng 12 năm 2018, sau khi tiến hành sửa chữa thí điểm một động cơ.

Những loại modul và động cơ nào sẽ có thể bảo trì ở Trung tâm này và mức độ phức tạp nào mà nó có thể sửa chữa? Trong cuộc phỏng vấn độc quyền của hãng thông tấn Nga Sputnik, giám đốc điều hành ODK-Klimov Alexandr Vatagin đã hé lộ về điều này.

Theo ông, Trung tâm hỗ trợ hậu cần sẽ thực hiện tất cả các loại sửa chữa khôi phục động cơ máy bay trực thăng VK-2500 và TV3-117 trước đây đã ngừng hoạt động.

Ngoài ra, trên cơ sở Trung tâm sẽ thực hiện công việc với sự hỗ trợ trực tiếp của ODK-Klimov để vận hành động cơ, bao gồm: Mở rộng các tham số của động cơ và hộp số chính BP-14/BP-252, xác minh tài liệu hướng dẫn sử dụng, hỗ trợ kỹ thuật vận hành, đào tạo chuyên gia...

Theo vị quan chức Nga, không có gì bí mật khi nói đến việc sửa chữa và bảo trì máy bay trực thăng sản xuất của Liên Xô và Nga tại Việt Nam và Đông Nam Á nói chung.

Ở đây có một vấn đề không nhỏ là trong không ít trường hợp, các nhà khai thác tự tiến hành sửa chữa thiết bị bằng cách mời những tổ chức không được phép thực hiện công việc đó. Với mục đích tiết kiệm chi phí, họ đã sử dụng phụ tùng giả, linh kiện và bộ phận không rõ nguồn gốc.

Kết quả là chất lượng sửa chữa và độ tin cậy của máy bay trực thăng chắc chắn giảm. Điều này dẫn đến sự suy giảm khả năng bay của phi đội trực thăng, làm suy giảm độ tin cậy của công nghệ máy bay trực thăng Nga.

Điều này dẫn đến nảy sinh sự “đầu cơ” trong một số phương tiện truyền thông địa phương với mục đích hạ thấp uy thế của trực thăng Nga và quảng bá trực thăng sản xuất của Tây Âu và Mỹ cho thị trường khu vực.

Như thế, việc thành lập Trung tâm hỗ trợ hậu cần ODK-Klimov có thể giúp ích trong cuộc chiến chống hàng giả, sự tiết kiệm không phải lối và cuối cùng là chống cạnh tranh không lành mạnh.

Việt Nam tham gia chuỗi bảo đảm kỹ thuật trực thăng Nga ảnh 1
Việt Nam tham gia vào chuỗi bảo đảm hậu cần, sửa chữa động cơ trực thăng Nga

Theo ông Alexandr Vatagin, Trung tâm sẽ cung cấp các dịch vụ cạnh tranh trong mọi thời gian, với chất lượng cao và chi phí thấp. Lợi thế lớn sẽ là năng lực rất lớn của ODK-Klimov trong vai trò một nhà phát triển và sản xuất động cơ. Ngoài ra, công ty sẽ đưa ra đảm bảo bảo hành cho đơn vị hoặc bộ phận sửa chữa của các nước.

Làm việc tại nước sở tại, Trung tâm Hậu cần của Nga cũng sẽ nhận được thông tin về các đối thủ cạnh tranh vô đạo đức, giải thích và làm rõ việc mời các nhà cung cấp sản phẩm và dịch vụ bất hợp pháp bảo trì động cơ của Nga là con đường trực tiếp dẫn đến tai nạn bay.

Như giới truyền thông đưa tin, hợp đồng trên cũng quy định việc bảo trì công nghệ máy bay trực thăng từ một số nước láng giềng của Việt Nam. Điều này có đúng không và điều đó sẽ được thực hiện trên cơ sở nào?

Vị quan chức của ODK-Klimov cho biết rằng, Helicopter Technical Service trong một thời gian dài tiến hành dịch vụ bảo dưỡng trực thăng thuộc loại Mi và có một mạng lưới khách hàng lớn trong khu vực.

Do đó, đã ký một thỏa thuận phân phối có hiệu lực tại 10 quốc gia giữa ODK-Klimov và Helicopter Technical Service đang hoạt động tại 10 nước.

Alexandr Vatagin kết luận rằng, theo tài liệu này, nhà phân phối có trách nhiệm cung cấp dịch vụ trong khu vực cụ thể và sẽ quảng bá dịch vụ bằng thương hiệu của ODK-Klimov trong khu vực và Việt Nam là một bộ phận quan trọng trong chuỗi liên kết này.

Thời điểm hiện nay, các đơn vị của Việt Nam đang vận hành khoảng hơn 100 máy bay trực thăng do Liên Xô và Nga sản xuất, bao gồm trực thăng Mi-8/17, Ka-28, Ka-32 và một số loại khác, được trang bị động cơ tuabin thuộc gia đình TV3-117 do xí nghiệp Saint-Peterburg của “Liên hiệp tập đoàn-Klimov” chế tạo sản xuất.

Hiện nay, ngoài việc sửa chữa, nâng cấp các động cơ cũ, Liên hiệp tập đoàn chế tạo động cơ của Nga đề xuất cho Việt Nam và các đối tác nước ngoài thay thế động cơ TV3-117 bằng sản phẩm hiện đại mạnh hơn là VK-2500.

Tin mới