Vĩnh biệt 'Hùm xám đường số 4' Đặng Văn Việt

Theo thông tin từ gia đình, cụ Đặng Văn Việt, cán bộ tiền khởi nghĩa đã từ trần hồi 0 giờ 55 phút ngày 25-9-2021 (tức ngày 19 tháng 8 năm Tân Sửu) tại Bệnh viện Hữu Nghị, Hà Nội, hưởng thọ 102 tuổi.
Cụ Đặng Văn Việt sinh năm 1920 tại Diễn Châu, Nghệ An trong một gia đình dòng dõi, với ông nội là Đình nguyên Hoàng giáp Đặng Văn Thụy, từng làm Tế tửu Quốc tử Giám. Cha ông là Phó bảng Đặng Văn Hướng, Tham tri Bộ Hình triều đình nhà Nguyễn, tỉnh trưởng tỉnh Nghệ An thuộc chính phủ Trần Trọng Kim, từ năm 1947, ông Hướng là Bộ trưởng không bộ phụ trách công tác ở 3 tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh.
 Cụ Đặng Văn Việt thời trẻ
Cụ Đặng Văn Việt thời trẻ.

Sớm giác ngộ cách mạng, tháng 3-1945 Đặng Văn Việt tham gia lực lượng Việt Minh. Ngày 21-8-1945, ông được giao nhiệm vụ treo cờ Việt Minh trên kỳ đài trước cửa Ngọ Môn, đánh dấu việc Mặt trận Việt Minh lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền thành công tại Huế.

Trong kháng chiến chống Pháp, Đặng Văn Việt tham gia giữ nhiều vị trí quan trọng của quân đội. Ông là Trung đoàn trưởng đầu tiên của Trung đoàn bộ binh chủ lực 174 Cao Bắc Lạng (thành lập tháng 8-1949) đã trực tiếp tham gia chỉ huy đánh nhiều trận đánh giành thắng lợi như Bông Lau - Lũng Phầy 1949, chiến dịch Biên giới 1950, chiến dịch Tây Bắc 1952...Giai đoạn này, thực dân Pháp đặt biệt danh cho Trung đoàn trưởng Đặng Văn Việt là “Hùm xám đường số 4”.

Trung tá Đặng Văn Việt vừa qua đời ở tuổi 102 (Ảnh: Phạm Vân).
Trung tá Đặng Văn Việt vừa qua đời ở tuổi 102. Ảnh: Phạm Vân

Năm 1954, Đặng Văn Việt được phân công giảng dạy ở Trường Lục quân Việt Nam (nay là Trường Sĩ quan Lục quân 1 - Đại học Trần Quốc Tuấn). Năm 1958, ông Đặng Văn Việt được phong quân hàm Trung tá. Năm 1960, ông xuất ngũ và được điều sang làm Cục phó Cục Vật liệu xây dựng, rồi Cục phó Cục Xây dựng cơ bản thuộc ngành Thủy sản đến khi nghỉ hưu.

Từ năm 1985 ông bắt đầu bước vào sự nghiệp văn chương. Đặc biệt, với hồi ký Đường số 4 rực lửa, ông đã được tặng giải thưởng cao nhất của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 1999. Hồi ký được chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp đích thân viết lời tựa và Đại tướng Hoàng Văn Thái viết lời giới thiệu. Ngoài ra ông còn có một số tác phẩm dịch qua tiếng Pháp hoặc tiếng Anh để giới thiệu ra quốc tế.

Anh Đặng Việt Hùng, con trai cụ Đặng Văn Việt cho biết, lễ viếng và truy điệu cụ sẽ diễn ra từ 7 giờ 30 phút đến 9 giờ sáng 27-9-2021 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

 

Tin mới