V-League 2019: Dùng VAR để “cứu” trọng tài

(Baonghean.vn) - Dấu ấn của bầu Thắng khi làm Tổng Giám đốc VPF là việc trang bị máy bộ đàm cho các trọng tài. Kế nhiệm đàn anh, mùa thứ 2 ngồi ghế Tổng Giám đốc VPF, bầu Tú đã quyết định trang bị VAR, nhằm nâng cao chất lượng tiếng còi của các ông vua sân cỏ. Nhưng với sân cỏ Việt Nam, mọi việc hẳn không đơn giản như thế…

"Chúng tôi đã theo đuổi ý tưởng này từ cuối năm ngoái khi V-League 2018 kết thúc. VAR là xu thế của bóng đá thế giới và khu vực, công nghệ này sẽ giúp các trọng tài đỡ vất vả hơn khi làm nhiệm vụ” - Chủ tịch VPF Trần Anh Tú tiết lộ; đồng thời cho biết, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng thì khả năng 99% VAR được áp dụng ngay từ V-League 2019.

Vì bóng đá sạch

Theo người đứng đầu VPF, nếu công nghệ VAR được áp dụng sẽ giảm thiểu tối đa sai sót của trọng tài, nâng chất lượng công tác trọng tài trong mắt người hâm mộ, giúp hình ảnh V-League nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung trở nên tốt hơn.

Ông còn cho biết: “Theo kế hoạch, ngày 8/1, Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) sẽ tiến hành bốc thăm, xếp lịch thi đấu”. Mùa giải 2019 dự kiến bắt đầu bằng trận tranh Siêu cúp Quốc gia giữa CLB Hà Nội - đương kim vô địch V-League và CLB Bình Dương - đương kim vô địch Cúp quốc gia, vào ngày 16/2 và vòng 1 V-League khai màn từ cuối tháng 2.

Tại World Cup 2018, mỗi trận đấu sẽ có 4 trọng tài làm nhiệm vụ giám sát VAR. Ảnh: FIFA
Tại World Cup 2018, mỗi trận đấu sẽ có 4 trọng tài làm nhiệm vụ giám sát VAR. Ảnh: FIFA

Công nghệ VAR (Công nghệ hỗ trợ trọng tài bằng video - Video Assistant Referee - VAR) đã được Hiệp hội Bóng đá quốc tế (IFAB) thông qua vào năm 2016 và được thử nghiệm đầu tiên vào tháng 8/2016 trong một trận đấu bóng đá ở giải nhà nghề Mỹ. World Cup 2018 là giải đấu lớn đầu tiên được áp dụng công nghệ VAR để hỗ trợ cho các trọng tài.

Việc áp dụng công nghệ VAR để giúp các trận đấu trở nên công bằng hơn và xử lý các tình huống gây tranh cãi được chính xác hơn. Tuy nhiên, trên thực tế hiện VAR lại đang trở thành một công nghệ... gây tranh cãi, nhất là về thời điểm trọng tài áp dụng công nghệ VAR, bởi lẽ có không ít tình huống trọng tài vẫn tin vào các quyết định của bản thân hơn là sử dụng công nghệ VAR, do vậy, quyết định cuối cùng vẫn không thực sự chính xác.

Tại World Cup 2018, trong đó mỗi trận đấu sẽ có 4 trọng tài làm nhiệm vụ giám sát VAR. Mặc dù biết VPF sẽ được tiếp nhận hỗ trợ (về mặt công nghệ) từ FIFA, AFC, ban tổ chức V-League sẽ sớm đào tạo các trọng tài VAR, sẵn sàng triển khai ngay trong mùa 2019 nhưng không hiểu có kịp bố trí đủ lực lượng không? Tại Đông Nam Á, Thái Lan là nước đầu tiên áp dụng, từ vòng 3 Thai-League 2018 đã xuất hiện VAR.

Không thể thay thế con người

Tại World Cup 2018, công nghệ VAR cũng gây ra rất nhiều tranh cãi khi các trọng tài vẫn đưa ra các quyết định có phần thiếu chính xác, thậm chí những quyết định có phần gây bức xúc cho các đội bóng. Như trường hợp trong trận đấu giữa Brazil và Costa Rica tại vòng 2 khuôn khổ bảng E, trọng tài đã quyết định cho đội tuyển Brazil một quả phạt đền nhưng sau đó đã thay đổi quyết định sau khi tham khảo công nghệ VAR.

Một trọng tài FIFA cho biết: “VAR là cần thiết nhưng cái quan trọng vẫn là trình độ, bản lĩnh và khả năng phối hợp của các trọng tài”. Ảnh: FIFA
Một trọng tài FIFA cho biết: “VAR là cần thiết nhưng cái quan trọng vẫn là trình độ, bản lĩnh và khả năng phối hợp của các trọng tài”. Ảnh: FIFA

Một trọng tài FIFA cho biết: “VAR là cần thiết nhưng cái quan trọng vẫn là trình độ, bản lĩnh và khả năng phối hợp của các trọng tài”. Ông cho biết, dù các trọng tài Việt Nam đã được trang bị bộ đàm xịn từ lâu nhưng V-League 2018 trọng tài Trần Văn Lập điều khiển chính trận đấu giữa Bình Dương và Quảng Ninh chiều 14/9/2018 (và 3 cộng sự) quên khuất mất việc rút thẻ đỏ sau khi Hồ Tấn Tài nhận 2 thẻ vàng thì VAR cũng chịu.

Máy móc không thể thay thế được trọng tài, nó chỉ giúp cho mọi việc được rõ ràng, minh bạch hơn mà thôi.

Dẫu sao, phải ghi nhận sự nỗ lực của VPF, đứng đầu là bầu Tú đã có những nỗ lực để làm cho sân cỏ Việt Nam ngày càng ít tiếng còi gây bức xúc cho cầu thủ, BHL và đông đảo cổ động viên.

Đây là cơ hội cho Ban Trọng tài nhiệm kỳ VIII chấn chỉnh các vua sân cỏ, nâng cao trình độ, chất lượng tiếng còi, khâu được coi là yếu nhất sau 18 năm làm bóng đá chuyên nghiệp.

Tin mới